VPF có quyền dừng hợp tác, không có quyền kỷ luật trọng tài
(Dân trí) - Câu chuyện một số trọng tài và giám sát ở V-League vừa bị VPF “ngưng hợp tác” thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, VPF không có quyền kỷ luật trọng tài hay giám sát, mà chỉ có thể thông báo không tiếp tục hợp tác với các trọng tài.
Theo đó, sau vụ việc như giọt nước làm tràn ly trên sân Nha Trang tại vòng 7 V-League, VPF đã động thái quyết liệt, khiến dư luận bất ngờ khi gạch tên 2 trọng tài Nguyên Văn Kiên và Nguyễn Trọng Thư khỏi danh sách cầm còi ở phần còn lại của mùa giải, đồng thời ngưng hợp tác với Phó Ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền với lý do ông Hiền chưa làm tốt nhiệm vụ giám sát trận đấu và vai trò lãnh đạo Ban Trọng tài.
Tuy nhiên, hành động này của VPF ngay lập tức đã bị “tuýt còi”. Nếu như VPF không thuê 2 trọng tài Nguyễn Văn Kiên và Nguyễn Trọng Thư là chuyện bình thường, thì việc công ty này đòi “đuổi” Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền đã sai luật.
Thực tế thì VFF đã có phản ứng rằng VPF chỉ là công ty tổ chức sự kiện các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia vì vậy không có quyền được phán xét lãnh đạo Ban Trọng tài có hay không hoàn thành nhiệm vụ, càng không có quyền cho thôi việc Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền.
Ông Hiền chỉ không được mời làm giám sát trọng tài tại V-League, còn quyền chấp bút phân công trọng tài là thẩm quyền, trách nhiệm của vị lãnh đạo Ban trọng tài này. Đó là lý do mà bầu Tú đã phải xin lỗi sau công văn của VPF gửi sang VFF.
Về nguyên tắc hoạt động nhiều năm trước, Ban trọng tài thuộc quyền quản lý của VFF, chịu trách nhiệm phân công trọng tài điều hành ở các giải chuyên nghiệp. Từ sau khi công ty VPF được thành lập, công ty này muốn được trực tiếp quản lý Ban trọng tài để công việc được thuận lợi và bớt chồng chéo. Tuy nhiên, hoạt động của Ban trọng tài tuân thủ nghiêm ngặt quy định của FIFA, không thể thuộc quyền quản lý của một công ty tổ chức giải đấu.
Đó là lý do mà VFF quản lý Ban trọng tài, còn VPF là người chi tiền mời các trọng tài làm nhiệm vụ (tiền công, tiền ăn, ở, di chuyển…). Mỗi khi một trọng tài sai, VPF có quyền “thanh lý hợp đồng”, tức là không mời trọng tài đó điều hành, chứ không được phép kỷ luật trọng tài, bởi đó là công việc của Ban trọng tài VFF.
Ban trọng tài VFF sẽ kỷ luật theo quy định của FIFA, và không có trách nhiệm phải thông báo cụ thể án phạt với bất cứ ai. Thường thì khi một trọng tài bất ngờ nghỉ một vài vòng đấu, cũng có nghĩa vị Vua áo đen này đang chịu án kỷ luật nội bộ của Ban trọng tài.
Trở lại câu chuyện trọng tài, VPF hoàn toàn có thể thuê trọng tài ngoại khi nhận thấy chất lượng trọng tài Việt Nam không đáp ứng chuyên môn. Tuy nhiên, VPF mới chỉ mời một vài trọng tài nước ngoài ở giai đoạn cuối mùa giải. Chủ trương “ngoại hóa” trọng tài không được VFF đồng ý, đó là chưa kể đến vấn đề kinh phí, hay việc thuê trọng tài ngoại có khi còn kém hơn cả trọng tài nội.
Công tác trọng tài ở Việt Nam có những nguyên tắc rất đặc thù. Vì thế, nếu VPF có những quyết định không đúng với luật FIFA, họ sẽ bị Ban trọng tài phản pháo, thậm chí khởi kiện. Vấn đề ở chỗ, Ban trọng tài VFF xưa nay vẫn bị tiếng là bao che cho “gà nhà”, có sự thao túng của một số lãnh đạo Ban trọng tài.
Hà Nguyên