V.Ninh Bình bỏ giải làm lộ cái… dở của BTC V-League

(Dân trí) - Đến khi V.Ninh Bình chính thức rút lui, người ta mới chợt giật mình nhận ra rằng điều lệ của V-League 2014 hệt như điều lệ của giải đấu trước đó 1 năm. Để rồi những sai lầm của mùa giải trước lại tiếp tục được… “sao y bản chính” ở mùa giải này.

Điều lệ V-League 2014 được chép lại từ V-League 2013

Mục 5.5 của Điều lệ V-League 2014 có đoạn “Đội xếp thứ mười ba của giải bóng đá VĐQG 2014 sẽ xuống thi đấu tại giải bóng đá hạng Nhất năm 2015”, tức là đội xếp thứ 13 của giải đấu này sẽ phải xuống hạng.

Có điều không thể không nói đấy là mục 5.5 của Điều lệ V-League 2014 giống hết mục 5.5 của Điều lệ V-League 2013, chỉ là người soạn thảo thay đổi năm và thay đổi số lượng đội tham dự, còn nội dung hoàn toàn là một bản “copy” ra.

Và chi tiết đáng nói nữa là VPF và BTC giải đã có bài học xương máu từ chuyện XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ V-League năm rồi, nhưng họ vẫn không thấy cái hạn chế trong điều lệ của mình, phải thay đổi cho phù hợp, đằng này lại rập khuôn hết sức máy móc.

Đến khi V.Ninh Bình bỏ giải, BTC mới nháo nhào giải quyết hậu quả
Đến khi V.Ninh Bình bỏ giải, BTC mới nháo nhào giải quyết hậu quả


Ví như nếu đã có bài học từ chuyện XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải năm ngoái, người ta phải lường trước nguy cơ sẽ có đội làm chuyện tương tự ở giải năm nay, để mà ghi rõ dạng như trong trường hợp có 1 đội bỏ thì số lượng đội xuống hạng sẽ như thế nào? Trong trường hợp có nhiều hơn 1 đội bỏ cuộc, số lượng đội xuống hạng sẽ ra sao?

Để giờ đến lúc V.Ninh Bình bỏ thật, chính VPF và BTC giải lại lúng túng, đối diện với những tranh cãi từ các đội bóng khác, vốn không muốn rớt hạng. Đành rằng VPF có quyền sửa đổi điều lệ trong những trường hợp có biến, nhưng cứ phải rạch ròi ngay từ lúc đầu có phải tốt hơn không?

Điều lệ V-League 2014...
Điều lệ V-League 2014...

Cách soạn thảo điều lệ của VPF cũng giải thích tại sao những người tổ chức giải cứ liên tục mắc những sai lầm theo đúng 1 kiểu từ năm này vắt qua năm khác, bởi người ta có rút kinh nghiệm, đồng thời cái điều lệ giải đấy dường như cũng chỉ được ban ra cho có. Vì kỳ thực là người trình lên cái điều lệ này có tham khảo tình hình thực tế của các mùa giải trước đâu! Họ toàn “sao y bản chính”, năm trước thế nào, năm sau thế đó.

... giống y chang điều lệ V-League 2013, chỉ thay đổi năm và số lượng đội tham dự
... giống y chang điều lệ V-League 2013, chỉ thay đổi năm và số lượng đội tham dự

Tranh cãi không đáng


Đến giờ, đã có HV.An Giang chính thức lên tiếng nếu V-League vẫn có đội rớt hạng, sau khi V.Ninh Bình bỏ giải. Ở giải hạng Nhất, Cần Thơ cũng không muốn yên, nếu BTC cắt bớt suất thăng hạng của giải đấu này, cũng sau khi V.Ninh Bình rút lui.

Dễ thấy đấy đều là các phát biểu nặng tính cục bộ, chủ yếu để đảm bảo lợi ích cho đội bóng của mình, chứ chưa chắc đã thấy được lợi ích của cái chung, rằng V-League mà không có đội xuống hạng thì khác nào giải… phong trào.

HV.An Giang có phản ứng mạnh vì chẳng qua lợi ích trực tiếp của họ đang bị ảnh hưởng, bởi bản thân đội bóng miền Tây Nam bộ đang đứng chót bảng, gần với suất rớt hạng nhất, nếu như V-League vẫn bảo lưu suất rớt hạng.

Nhưng lẽ ra đây là điều mà VPF và BTC giải phải thấy ngay từ đầu, từ bài học kinh nghiệm của vụ XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải năm rồi, tiếp đó K.Kiên Giang vùng vằng đòi bỏ, cốt là bảo vệ lợi ích của các nhân từng đội.

Mà cái sự rút kinh nghiệm ấy lẽ ra phải được thể hiện rõ thông qua điều lệ giải, chứ không phải nói suông. Đằng này, sau khi sự cố xảy ra, những người có trách nhiệm mới sốt sắn giải quyết hậu quả, mới tính chuyện sửa đổi điều lệ, trong một vụ việc không thể nói là họ thiếu kinh nghiệm.

Điều hành giải đấu trong bối cảnh mà các đội tham gia cứ như thể đội bóng phong trào, hể đụng chuyện là giải tán đội bóng, hễ đụng chuyện là đòi bỏ giải, là phản ứng dữ dội khi quyền lợi sát sườn của mình bị đe dọa thì quả là khó thật.

Nhưng ngặt nỗi cái khó nhất cái dở nhất của chính VPF và BTC giải là bản thân họ cũng chưa chuyên nghiệp, họ toàn chạy theo giải quyết sự cố, thay vì phải có biện pháp ngăn chặn sự cố ngay từ đầu, kiểu phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Kim Điền