Vì sao sân bóng Việt Nam lại thường xuyên biến thành "võ đài"?

Hạo Minh

(Dân trí) - Pha vào bóng của Hoàng Thịnh đối với Hùng Dũng chỉ là bề nổi của vấn nạn bạo lực tồn tại từ lâu trong bóng đá Việt Nam. Vậy vì sao sân bóng Việt Nam lại thường xuyên biến thành võ đài?

Tối 23/3 vừa qua, người hâm mộ bóng đá cả nước bàng hoàng trước cú đạp bóng bằng cả hai chân của Ngô Hoàng Thịnh đối với Đỗ Hùng Dũng. Hậu quả của pha bóng đậm chất bạo lực ấy vô cùng nặng nề, Hùng Dũng bị gãy chân khiến anh nhập viện khẩn cấp và phải tiến hành phẫu thuật, dự kiến tiền vệ của CLB Hà Nội cần sáu tháng mới bình phục.

Gây ra lỗi nghiêm trọng, Hoàng Thịnh cũng nhanh chóng nhận án phạt từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Chiều 24/3, cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam quyết định treo giò cầu thủ CLB TPHCM tới hết năm 2021, phạt 40 triệu đồng và đền bù toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Hùng Dũng (nhưng không quá 15 tháng lương hợp đồng giữa cầu thủ này và CLB ở thời điểm xảy ra sự cố).

Vì sao sân bóng Việt Nam lại thường xuyên biến thành võ đài? - 1

Hoàng Thịnh bị treo giò hết năm 2021.

Có lẽ tất cả những người theo dõi pha vào bóng dẫn tới chấn thương của Hùng Dũng, đều cảm thấy rợn người trước kiểu thi đấu "chém đinh chặt sắt" của Hoàng Thịnh. Tuy nhiên, nếu nhìn lại trong quá khứ, việc các cầu thủ chơi rắn tới mức thô bạo khiến đối thủ gặp chấn thương nặng không hề hiếm trong bóng đá Việt Nam. 

Tháng 9/2015, Quế Ngọc Hải khi ấy còn là cầu thủ Sông Lam Nghệ An đã thực hiện một cú đạp bóng bằng cả hai chân với Trần Anh Khoa của SHB Đà Nẵng. Cú "song phi" như một võ sĩ của Ngọc Hải khiến đối thủ dính chấn thương nặng ở đầu gối, sau đó do ảnh hưởng nặng từ chấn thương, Anh Khoa buộc phải giải nghệ ở tuổi 24.

Khi đó Quế Ngọc Hải bị cấm thi đấu 6 tháng, phạt 15 triệu đồng và đền bù toàn bộ chi phí chữa trị chấn thương cho Anh Khoa. Việc phải chi trả số tiền lên tới 834 triệu đồng đối với một cầu thủ trẻ như Ngọc Hải vào thời điểm đó khiến anh vô cùng khốn đốn. Cũng còn may cho anh, Bầu Đức với danh nghĩa cá nhân đã chi ra 400 triệu đồng giúp Ngọc Hải đền bù xong cho Anh Khoa.

Trước Quế Ngọc Hải, một cầu thủ khác của Sông Lam Nghệ An là Trần Đình Đồng cũng bị treo giò 9 tháng (từ 1/3/2014 cho tới hết năm, tương đương 28 trận) sau khi đạp gãy chân Nguyễn Anh Hùng của CLB An Giang vào 26/2/2014. Khi đó án phạt tới 9 tháng của Đình Đồng được xem là "án điểm" nhằm răn đe những hành vi thô bạo, phi thể thao của các cầu thủ. 

Vì sao sân bóng Việt Nam lại thường xuyên biến thành võ đài? - 2

Hoàng Thịnh chơi rắn khiến cả Hùng Dũng và anh đều khổ.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những pha bóng đậm chất bạo lực của Đình Đồng, Ngọc Hải hay Hoàng Thịnh chỉ là bề nổi của vấn nạn bạo lực, vốn dĩ đã tồn tại nhiều năm trong bóng đá Việt Nam. Có thể dễ dàng tìm thấy những pha bóng "chém đinh, chặt sắt", "bóng đi người ở lại" tại các trận đấu ở V-League. Do vậy, giải đấu bóng đá hàng đầu Việt Nam bị không ít người hâm mộ miệt thị gọi với cái tên "Võ League", cũng bởi vì sân bóng thường xuyên biến thành "võ đài".

Chính vì vậy, dù án phạt của Đình Đồng nặng, nhưng không đủ sức răn đe và làm triệt tiêu bạo lực trong bóng đá Việt Nam. Quả thật việc trừng phạt những cầu thủ như Đình Đồng, Ngọc Hải hay Hoàng Thịnh không khó, việc này nằm trong tầm tay của VFF. Tuy nhiên, có thể thấy rằng những án phạt này chỉ "xử lý hậu quả", không thể giải quyết căn nguyên bạo lực.

Nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề nằm ở chất lượng giải đấu và nhận thức của các CLB và cầu thủ. Một khi chất lượng giải đấu còn chưa cao, các câu lạc bộ và cầu thủ còn nặng tư tưởng ăn thua, biến sân cỏ thành võ đài thì vấn nạn bạo lực còn kéo dài. Giải pháp xử lý cũng chỉ có một, đó là nâng cao chất lượng giải đấu, nâng cao nhận thức của cầu thủ thì "bóng ma bạo lực" mới tự nhiên tan biến.

Vì sao sân bóng Việt Nam lại thường xuyên biến thành võ đài? - 3

Các cầu thủ CLB Hà Nội phản ứng khi thấy trọng tài Vũ Nguyên Vũ chỉ cầm thẻ vàng. Sau đó ông đã rút thẻ đỏ với Hoàng Thịnh.

Các nhà quản lý bóng đá Việt Nam cần đưa ra những biện pháp tổ chức trận đấu tốt hơn, đặc biệt là công tác trọng tài. Trọng tài luôn là một vấn đề nhức nhối tại các giải đấu bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua, dẫn tới tâm lý phản ứng trọng tài bất biết đúng sai từ nhiều CLB, cầu thủ. Việc nâng cao chất lượng trọng tài, tăng cường các biện pháp hỗ trợ (như VAR) để không còn "còi méo, còi sai" sẽ khiến cho các đội bóng, cầu thủ "tâm phục khẩu phục" hơn và giảm bớt tư tưởng bị oan sai, phản ứng. 

Trách nhiệm của các câu lạc bộ trong vấn nạn bạo lực cũng rất lớn. Rõ ràng đã đến lúc các đội bóng cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cầu thủ, để thi đấu đúng với tinh thần thể thao, loại bỏ triệt để những hành vi phi thể thao. Vấn đề này cần phải được xây dựng từ những lớp cầu thủ trẻ cho tới đội hình chính thức, để cầu thủ nhận thức được những gì có thể thực hiện và không thể thực hiện mỗi khi bước ra sân.

Huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội đã nói: "Các cầu thủ nên hiểu rằng đôi chân chính là cần câu cơm của giới cầu thủ, hãy giữ gìn đôi chân của nhau". Đúng như vậy, chỉ khi nào các cầu thủ hiểu được giá trị của việc "giữ gìn đôi chân cho đối thủ" thì vấn nạn bạo lực trong bóng đá Việt Nam mới được xử lý.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm