1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Vì sao mức phí chuyển nhượng cầu thủ ngày càng điên rồ?

(Dân trí) - Higuain cập bến Juventus với mức phí 90 triệu euro, Andre Gomes tới Barcelona với giá 50 triệu euro, Pogba về MU với 125 triệu euro… tất cả đều là những mức giá điên rồ, vượt xa giá trị thực của các CLB. Vậy tại sao giá cầu thủ ngày càng tăng phi mã như vậy?

Mùa Hè “điên rồ”

Paul Pogba đã rục rịch chuẩn bị hành lý sang khoác áo MU với mức phí chuyển nhượng điên rồ 125 triệu euro (chưa tính phí trả cho người đại diện). Bình luận trước báo giới, HLV Wenger đã gọi đây là “thương vụ chuyển nhượng điên rồ”. Trong khi đó, ngay cả người cũ của MU, Paul Scholes cũng chỉ trích việc CLB đưa ra mức phí trên trời để chiêu mộ cầu thủ này.

Pogba sắp tới MU với mức giá kỷ lục
Pogba sắp tới MU với mức giá kỷ lục

Thế nhưng, mặc kệ hàng loạt sự chỉ trích ấy, MU vẫn quyết chiêu mộ Paul Pogba. Đây sẽ là thương vụ đắt giá nhất thế giới, vượt xa mức phí chuyển nhượng của Gareth Bale và C.Ronaldo trước đây.

Dù sao, MU vẫn chẳng phải là “kẻ điên” duy nhất trên thị trường chuyển nhượng. Ở Italia, Juventus cho thấy “đẳng cấp” của mình bằng việc chi ra tới 90 triệu euro để có được sự phục vụ của Higuain, bất chấp việc cầu thủ này đã bước sang tuổi 29.

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, Barcelona đã “bất chấp tất cả” để vung ra 50 triệu euro để có được sự phục vụ của tiền vệ Andre Gomes ngay trước mắt Real Madrid.

Chẳng cần phải là chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể thấy được mức phí chuyển nhượng trên vượt xa giá trị thực của các cầu thủ. Thế nhưng, nó cũng phản ánh quy luật của bóng đá. Đã qua rồi cái thời HLV Wenger hay Sir Alex Ferguson “tiết kiệm” vẫn có thể giành chức vô địch.

Giờ đây, không ai có thể kiểm soát giá của cầu thủ. Và rồi, theo hiệu ứng domino, nhiều thương vụ điên rồ sẽ cùng nhau xuất hiện đồng loạt.

Luật công bằng tài chính ở đâu?

Khi đặt ra luật Công bằng tài chính, UEFA hướng tới việc tạo nên sự cân bằng giữa các CLB, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Mặc dù vậy, khi chứng kiến hàng loạt vụ chuyển nhượng điên rồ vừa qua, người ta mới chợt nhận ra dường như luật Công bằng tài chính lại càng khiến bóng đá châu Âu mất cân bằng hơn.

Để có tiền chuyển nhượng, các CLB buộc phải hét giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của các CLB. Trong khi đó, những kẻ mua cũng chẳng phải ngẫm nghĩ bởi hầu hết đó đều là CLB giàu có (nhờ sự hậu thuẫn của các ông chủ hoặc tự kiếm tiền).

Luật Công bằng tài chính càng khiến bóng đá châu Âu mất cân bằng hơn
Luật Công bằng tài chính càng khiến bóng đá châu Âu mất cân bằng hơn

Điển hình như MU, họ chẳng việc gì phải cò kè bớt một thêm hai với Juventus ở vụ Paul Pogba. Đơn giản, họ cần cầu thủ này để phục vụ mục tiêu vô địch. Sau đó, Paul Pogba sẽ lại là “con gà đẻ trứng vàng” giúp MU thu hồi vốn. Chẳng ai phải lo lắng về vấn đề kinh doanh của Quỷ đỏ. Hãy cứ nhìn thương vụ Ibrahimovic. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, cầu thủ này đã mang về doanh thu 76 triệu bảng từ việc bán áo đấu (MU sẽ được trích phần trăm trong đó).

Nhiều năm qua, Real Madrid thường xuyên chứng tỏ đẳng cấp tiêu tiền khi vung ra số tiền “trên trời” để chiêu mộ cầu thủ. Năm 2013, họ chi tới 100 triệu euro để có Gareth Bale. 1 năm sau, CLB chiêu mộ James Rodriguez với mức phí 85 triệu euro. Vậy mà, Los Blancos vẫn luôn là CLB có doanh thu số 1 thế giới.

Trong khi đó, những CLB được đầu tư bởi ông chủ giàu có như Man City, PSG (trước đó là Chelsea) buộc phải phá giá cầu thủ mới có hy vọng thu hút được những cầu thủ chất lượng trong cuộc cạnh tranh với các CLB giàu truyền thống. Họ chẳng phải quá lo lắng về vấn đề đối phó với luật Công bằng tài chính bởi những ông chủ luôn “nghĩ” ra rất nhiều hợp đồng tài trợ, quảng cáo… để bơm tiền một cách hợp pháp.

Một hiệu ứng sinh ra từ nguyên nhân này, đó là việc các CLB nhìn giá của các cầu thủ khác để tự đặt ra mức giá mới. Đơn cử, ngay khi Napoli bán Higuain với mức phí 90 triệu euro cho Juventus, Inter đã lập tức hét giá 70 triệu euro ở vụ Icardi (khi Napoli hỏi mua). Tất nhiên, sau này, nhiều CLB sẽ tự đặt ra mức giá mới sau khi lấy Paul Pogba làm mốc. Thị trường chuyển nhượng vì thế ngày càng hỗn loạn.

Ngoài ra, còn một vài lý do khác như đồng tiền trượt giá, tiền bản quyền truyền hình ngày càng cao (tạo điều kiện cho các CLB đối phó với luật Công bằng tài chính)… đã đẩy giá cầu thủ ngày càng mất kiểm soát.

Phát biểu trước báo giới, HLV Wenger nhận định: “Rồi vài năm sau nữa, chúng ta sẽ thấy thương vụ 200 triệu, 300 triệu bảng xuất hiện”. Có thể lắm chứ!

H.Long