1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vì sao Man Utd chỉ là kẻ “gà mờ” chuyển nhượng?

H.Long

(Dân trí) - Trong bất kỳ thị trường chuyển nhượng nào, Man Utd luôn được nhắc tới với hàng loạt tin đồn. Thế nhưng, tất cả chỉ dừng lại ở mức đó. Quỷ đỏ vẫn cho thấy sự “gà mờ” trên thị trường chuyển nhượng.

“Chắc chắn Man Utd sẽ mua những cầu thủ chất lượng. Chúng tôi sẽ mang về những tân binh giỏi hơn những người đang có” - HLV Solskjaer từng khẳng định chắc nịch như vậy. Thậm chí, ông còn cho rằng việc các CLB gặp khó khăn tài chính vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ tạo điều kiện cho Man Utd mua sắm tân binh chất lượng.

Vì sao Man Utd chỉ là kẻ “gà mờ” chuyển nhượng? - 1

Dù được đồn thổi ngắm nhiều mục tiêu nhưng Man Utd mới chỉ mang về Van De Beek

Nhưng thực tế thì sao? Tới thời điểm này (thị trường chuyển nhượng chỉ còn 10 ngày nữa đóng cửa), Man Utd chỉ mang về duy nhất tân binh Van De Beek. Đó lại là cầu thủ mà người ta ít đồn tới Old Trafford nhất trong mùa Hè năm nay.

Còn lại, Man Utd bước vào mùa giải mới với những “lỗ thủng” chẳng khác gì mùa giải trước. Trận thua 1-3 trước Crystal Palace vừa qua tiếp tục chỉ ra vấn đề này. Nhưng có thể, nó chẳng thể làm Man Utd thay đổi điều gì trên thị trường chuyển nhượng.

Kể từ thời hậu Sir Alex Ferguson, Man Utd luôn sống trong thế giới tin đồn. Thậm chí, người ta thống kê được rằng nếu cứ tin vào những “tân binh trên mặt báo” thì Quỷ đỏ sẽ sở hữu đội hình vô địch mọi giải đấu.

Thực tế thì khác biệt hơn nhiều. Có lẽ, Quỷ đỏ sẽ phải nhìn sang Chelsea với sự thèm thuồng. Họ chỉ mất thời gian ngắn để mang về 7 tân binh chất lượng, với tổng số tiền 230 triệu bảng. Man City cũng đang đi đúng hướng khi bù đắp những lỗ hổng bằng việc mang về Nathan Ake hay Ferran Torres. Liverpool có sự khởi đầu chậm chạp nhưng tới thời điểm này, họ đã mang về 3 tân binh. Trong đó, Thiago đã bắt đầu đặt dấu ấn, còn Diogo Jota lại là gương mặt kỳ vọng lớn.

Có thể, thời Sir Alex Ferguson, Man Utd luôn được xem là đội bóng chuyển nhượng khôn ngoan. Dù những bản hợp đồng ông mang về có thành công, có thất bại nhưng ít nhất, Man Utd luôn có thấy quan điểm rõ ràng và dứt khoát, để không bị ép giá như hiện tại.

Còn giờ đây, người ta chỉ thấy hình ảnh Man Utd “gà mờ”. Hãy nghe những gì hậu vệ Patrice Evra tâm sự: “Thời Sir Alex Ferguson, chẳng có tin đồn chuyển nhượng nào. Có cảm tưởng như Man Utd cần ai thì cầu thủ đó tới ngay tức khắc. Khi Man Utd muốn có tôi, Sir Alex Ferguson và Giám đốc Điều hành David Gill đã phi thẳng tới Monaco. Khi đó, tôi còn hồi hộp hơn cả CIA hay FIB chất vấn ý chứ.

Còn ở thời điểm này, Man Utd quá chậm chạp. Hôm trước, một Giám đốc thể thao ở CLB lớn đã gọi cho tôi và đề nghị Matthew Judge (người phụ trách chuyển nhượng của Man Utd) trả lời điện thoại. Họ cũng chỉ cử luật sư đi thương thảo. Những người này thì đâu có rành về bóng đá, họ chỉ quan tâm tới những con số mà thôi”.

Chỉ qua câu chuyện này, cũng đủ thấy được Man Utd chậm chạp thế nào trên thị trường chuyển nhượng, tới mức, một nhân vật quan trọng như Matthew Judge còn không thèm nghe máy khi đối tác liên lạc.

Vì sao Man Utd chỉ là kẻ “gà mờ” chuyển nhượng? - 2

Bộ sậu của Ed Woodward tỏ ra quá thiếu nhạy bén và chậm chạp trên thị trường chuyển nhượng

Patrice Evra đã kể câu chuyện về Chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid: “Khi thích cầu thủ nào đó, Florentino Perez tới tận nhà cậu ta thuyết phục. Ông ấy từng thân chinh tới gặp mẹ đẻ của Benzema để nói chuyện. Ở các thương vụ Varane hay Ozil, Zidane là người làm việc đó. Họ sẵn sàng chìa ngay hợp đồng để cầu thủ ký vào”.

Trong những năm qua, bộ sậu của Ed Woodward luôn bị chỉ trích nặng nề về vấn đề này. Như đã biết, phó Chủ tịch của Man Utd là chuyên gia kinh tế. Ông không có quá nhiều kiến thức về bóng đá. Công việc chính của người đàn ông này là kiếm tiền về cho Man Utd càng nhiều càng tốt.

Điều đáng nói, hai “cánh tay” của Ed Woodward là Matthew Judge và Arnold đều chỉ giỏi về... kinh tế. Họ từng nghĩ ra việc phát triển phiên bản Man Utd bằng tiếng Trung Quốc để phát triển thị trường. Do đó, ngay cả trong thời kỳ tụt dốc, Quỷ đỏ chưa bao giờ phải lo lắng về vấn đề kinh tế.

Còn về chuyển nhượng thì lại là câu chuyện khác. Một ví dụ điển hình là thương vụ Man Utd theo đuổi Alexis Sanchez. Ở vụ này, Man City cũng tham gia nhưng sau khi nghe yêu cầu về lương bổng của tiền đạo người Chile, họ đã bỏ cuộc. Còn lại, Man Utd lại “ngoan ngoãn” chấp thuận mức lương 550.000 bảng/tuần. Và kết quả ai cũng thấy, họ đã tốn cả núi tiền để mang về “hàng thải”. Kéo theo đó là làn sóng đòi tăng lương từ các ngôi sao khác của CLB như De Gea hay Paul Pogba.

Rõ ràng, nếu so sánh với các đối thủ, Man Utd thiếu đi người lãnh đạo “hiểu biết về bóng đá” và “khôn ngoan trên thị trường chuyển nhượng”. Trong những năm qua, Ed Woodward luôn tìm kiếm nhân vật như vậy.

Nhìn sang Chelsea, nữ giám đốc Marina Granovskaia được mệnh danh là “người đàn bà thép”. Nhờ sự xoay sở của người phụ này, Chelsea không bao giờ tốn quá nhiều thời gian trong một thương vụ. Không những vậy, họ còn thu về núi tiền từ việc bán đi những ngôi sao “thừa thãi” (điển hình là vụ bán Oscar, David Luiz, Morata, Diego Costa...). Man City từ lâu cũng vững chắc nhờ sự kết hợp của bộ đôi lọc lõi là Txiki Begiristain và Ferran Soriano. Họ chính là những người có công lớn nhất trong việc tạo nên Man City ngày nay. Ngay cả Liverpool cũng đã bổ nhiệm giám đốc thể thao là Michael Edwards.

Còn với Man Utd, chức danh giám đốc thể thao không hề tồn tại. Họ thiếu một người định hướng như thế, dẫn tới việc “gà mờ” khi mua sắm. Gary Neville từng nghiêm túc chỉ trích việc Man Utd quá chú trọng vào một mục tiêu, khiến cho họ thường xuyên bị ép giá.

Vì sao Man Utd chỉ là kẻ “gà mờ” chuyển nhượng? - 3

Sự gà mờ, thiếu quyết đoán khiến cho Man Utd luôn bị ép giá trong mọi thương vụ

“Man Utd không biết cách tạo ra sự kiểm soát và cứng rắn. Họ hoàn toàn có thể đưa ra một thông điệp cứng rắn tới Dortmund như việc sẽ từ bỏ hoặc đưa ra thời hạn chuyển nhượng cụ thể. Thay vào đó, họ cứ dây dưa trong suốt mùa Hè và bị Dortmund ép giá lại. Man Utd hoàn toàn có thể tìm cầu thủ khác mà, đâu cứ gì cứ phải theo đuổi mục tiêu duy nhất” - Gary Neville chia sẻ.

Trong khi đó, Patrice Evra nhấn mạnh: “Nếu có quyền hành, tôi muốn tát một vài tay đại diện, họ chỉ muốn lợi dụng Man Utd để đục đẽo tiền. Vì thế, có những cầu thủ chỉ đáng giá 20 triệu euro nhưng Man Utd phải chi tới 100 triệu euro để sở hữu”.

Sự “gà mờ” trên thị trường chuyển nhượng dẫn tới sự thiếu định hướng cho Man Utd. Về lý thuyết, hàng năm họ vẫn vung ra hàng đống tiền để tăng cường lực lượng nhưng hiệu quả không cao. Thậm chí, Man Utd càng xây càng thủng, HLV tới sau phá sạch di sản của HLV tiền nhiệm.

Do đó, để thành công, Man Utd cần một người định hướng cụ thể. Chỉ như vậy, họ mới có thể xây dựng đế chế như Liverpool hay Man City đang thực hiện.