Vì sao đội tuyển Thái Lan quyết thắng bằng được Việt Nam tại King’s Cup?
(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan quyết định thay đổi thể thức thi đấu tại King’s Cup sang bốc thăm, một tiền lệ xưa nay chưa từng có ở một giải đấu quốc tế được FIFA công nhận, mục đích chỉ để gặp đội tuyển Việt Nam với lời tuyên bố đanh thép: “Sẽ đánh bại Việt Nam để khẳng định ngôi vị số 1 ở Đông Nam Á”.
Với lời tuyên bố trên, rõ ràng người ta thấy mục tiêu của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) không phải là việc giành cúp vô địch, bởi vì thực tế cho thấy lịch sử của King’s Cup, số lần mà đội tuyển Thái Lan lên ngôi vô địch đã nhiều đến mức... nhàm chán rồi.
Trong số 45 lần tổ chức giải đấu này, Thái Lan đã có đến 15 lần vô địch, chiếm một phần ba số lần vô địch của các đội bóng khác. Họ cũng đã 2 lần lên ngôi vô địch hai năm gần nhất là năm 2016 và năm 2017.
Thế nên nếu có vô địch thêm lần này đi chăng nữa, nó cũng chẳng có ý nghĩa gì lắm với người hâm mộ Thái Lan, bởi vì suy cho cùng nó cũng chỉ là chiếc cúp của một giải đấu... giao hữu.
King’s Cup là giải đã được Thái Lan đăng ký với FIFA, vì vậy các trận đấu này sẽ khiến điểm trên bảng xếp hạng của các đội tuyển sẽ tăng lên hoặc trừ đi tùy thuộc vào kết quả chung cuộc.
Tuy nhiên mục tiêu của Thái Lan lần này cũng không phải là để tăng điểm trên bảng xếp hạng, vì với vị trí 114 trên bảng xếp hạng thế giới và thứ 20 trên bảng xếp hạng Châu Á, dù có 2 trận toàn thắng và vô địch King’s Cup đi nữa thì Thái Lan vẫn chỉ nằm ở nhóm hạt giống số 3 trước thềm bốc thăm vòng loại World Cup 22. Nó khác hẳn với mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là bảo toàn vị trí thứ 16 ở Châu Á để nằm ở nhóm hạt giống số 2.
Thế nên mục tiêu duy nhất mà FAT đặt ra ở King’s Cup lần này, không gì khác hơn chỉ là muốn đánh bại đội tuyển Việt Nam. Việc giành được cúp vô địch ở King’s Cup có hay không không quan trọng, mà quan trọng nhất là phải đả bại được đội tuyển Việt Nam lúc này.
Chỉ có đánh bại được đội tuyển Việt Nam, thì FAT mới có thể “gỡ gạc thể diện” trước những thành tích lẹt đẹt của đội tuyển suốt 2 năm qua, nhất là khi mà họ đã đầu tư vào bóng đá rất nhiều. Đánh bại được đội tuyển Việt Nam cũng nhằm giải tỏa “cơn khát chiến thắng” của người hâm mộ Thái Lan, giải tỏa cả những sức ép từ người hâm mộ đối với FAT.
Và đặc biệt hơn, nói như BLV Quang Huy, trận thư hùng “một mất một còn” với Việt Nam chính là “bản báo cáo” rõ ràng nhất trước người hâm mộ Thái Lan là đội tuyển họ mạnh đến đâu ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, khu vực Châu Á nói chung.
Từ một đội bóng lâu nay vẫn xem là số 1 của Đông Nam Á, đã lên ngôi quá nhiều lần ở SEA Games cho đến AFF Cup, họ lại thua cay đắng trước Malaysia (ở AFF Cup 2018) và nhìn Việt Nam lên ngôi vô địch. Sau đó, Thái Lan lại để thua”muối mặt” trước đội tuyển Việt Nam với 4 bàn không gỡ tại vòng loại U23 Châu Á 2020.
Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 khiến Thái Lan cảm thấy như bị "xát muối vào lòng" vì họ lâu nay vẫn tự hào mình là số 1 ở khu vực Đông Nam Á
FAT đã nhiều lần tuyên bố họ đặt mục tiêu giành thành tích cao nhất tại Asian Cup, Asiad, thậm chí là giành vé tham dự World Cup nhưng rồi hầu như trắng tay ra về ở các giải đấu vừa qua. Còn đội tuyển Việt Nam, tham dự các giải đấu không đặt mục tiêu cụ thể nào, nhưng Việt Nam đã giành ngôi Á quân U23 Châu Á 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup, bán kết Asiad 2018, giành ngôi vô địch AFF Cup 2018. Tất cả các giải đấu đó, Việt Nam đều vào sâu hơn Thái Lan, khi mà đánh giá tương quan lực lượng, người Thái vẫn “dương dương tự đắc” là đội tuyển họ mạnh hơn Việt Nam nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.
Chưa biết trận thư hùng sắp tới đây giữa Thái Lan với Việt Nam sẽ có kết quả như thế nào, nhưng nhìn vào diễn biến trước giải đấu, ít nhiều cho thấy Liên đoàn bóng đá Thái Lan đang... thắng lớn. Đó là số vé họ phát hành ra, mặc dù chưa công bố có bao nhiêu vé được phát hành nhưng đã thu hút được số lượng lớn người quan tâm khác hẳn với trước đây.
Giá bản quyền của các trận đấu tại King’s Cup, đặc biệt là trận đấu với đội tuyển Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Bản quyền của King’s Cup trước đây là rơi vào khoảng 50.000 USD, thì mới đây thông tin tiết lộ cho báo giới, một nhà đài của Việt Nam đã phải chi trả lên đến 300.000 USD (gấp 6 lần, tương đương 7 tỷ đồng).
Tổ chức một giải đấu mà vừa bán được nhiều vé, bán được bản quyền truyền hình giá cao, và nếu giành được chiến thắng để thỏa lòng người hâm mộ thì rõ ràng FAT đã “bắn một mũi tên trúng 2 mục đích”. Chỉ có điều, nếu tiếp tục để thua đội tuyển Việt Nam lần này, có lẽ FAT sẽ phải “chìm trong khủng hoảng” vì cơn giận dữ của những người hâm mộ bóng đá xứ “chùa Vàng”.
Thế Nam