Vì sao đề xuất của VPF bị các CLB V-League phản ứng mạnh?

(Dân trí) - VPF cho rằng những phương án về việc tiếp diễn V-League theo kiểu tập trung chỉ là… đề xuất. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đề xuất ấy được nêu ra không đúng lúc, và đi ngược với xu thế toàn cầu.

Vì các phương án được đề xuất không đúng lúc, nên gần như ngay lập tức khi các phương án đấy được gửi đến các CLB, đại diện các đội bóng phản ứng rất mạnh. 

Dù cụ thể lời văn trong cách phản ứng của các đội bóng không giống nhau, nhưng nội dung chính vẫn khi các CLB phản ứng đề xuất của VPF, về chuyện tổ chức tập trung các vòng còn lại của lượt đi LS V-League 2020, nằm ở quan điểm đây không phải là lúc bàn đến chuyện thi đấu hay không thi đấu tại V-League, mà thời điểm này cả thế giới quan tâm đến việc chống dịch Covid-19. 

Hãy khoan bàn đến chuyện V-League khi nào diễn ra vào diễn ra ở đâu? Bởi tâm trí của không ít đội bóng bây giờ, giống như tâm trí chung của toàn xã hội, đó là tránh tập trung và tránh tiếp xúc với người bên ngoài, chứ không phải là việc gom quân rồi chờ ngày đá giải.

Vì sao đề xuất của VPF bị các CLB V-League phản ứng mạnh? - 1
Đặt trường hợp đại diện các đội bóng không phản ứng mạnh đề xuất tổ chức lượt đi V-League theo phương án tập trung, chẳng biết đề xuất này có được đem vào áp dụng hay không? Và có thể gây ra những tác hại gì tiếp theo?

Thậm chí, với một số đội, họ còn không có điều kiện tập luyện trong giai đoạn hiện nay, như Than Quảng Ninh hay CLB TPHCM, theo quy định chung của địa phương. Trong bối cảnh đó, VPF và BTC V-League đặt ngay vấn đề về chuyện cho giải tiếp diễn, đúng là chẳng tâm lý chút nào.

Còn về diễn biến chung của bóng đá thế giới, giải Thai-League tiếp tục hoãn đến đầu tháng 5, giải J-League của Nhật Bản cũng hoãn tiếp, trong khi các giải bóng đá khắp châu Âu chưa hẹn ngày trở lại, bóng đá Việt Nam nói chung và V-League nói riêng vội vã ở thời điểm hiện tại cũng chẳng để làm gì.

Ở đây, đầu tiên là về mặt ý thức, làng cầu thế giới nhận thấy rằng việc vội vã trong giai đoạn hiện nay chỉ càng làm cho tình hình rối thêm. Chừng nào dịch Covid-19 còn chưa được khống chế hoàn toàn, những cuộc tranh tài thể thao có thể là nơi để dịch bệnh phát tán trở lại, và khi đó tình hình sẽ càng tệ hơn.

HLV Phan Thanh Hùng của CLB Than Quảng Ninh có phát biểu rất đáng để suy ngẫm: “Tôi nghĩ, trong thời điểm này tất cả chúng ta nên bình tĩnh chờ dịch bệnh được kiểm soát thật tốt, rồi sau đó hãy nghĩ đến việc tiếp tục tổ chức giải đấu. Trước mắt, mọi người hãy vì an toàn của chính bản thân và cộng đồng mà kiên nhẫn chờ đợi”.

Ngay đến Olympic Tokyo 2020 theo lịch cũ phải tận cuối tháng 7 mới bắt đầu, mà còn họ phải dời đến năm sau mới tổ chức, thì huống hồ là giải V-League. Bởi, đặt trường hợp dịch Covid-19 chưa được dập tắt, cho dù có giảm so với thời điểm cao trào hiện nay, nhưng nếu chúng ta làm tăng nguy cơ dịch tái bùng phát, bằng các cuộc thi đấu tập trung trong thể thao, thì há chẳng phải những nỗ lực trước đó trở nên vô nghĩa hay sao?

Đó cũng là xu thế chung. Nên khi VPF đặt ra những đề xuất về các phương án tiếp diễn giải V-League, đi ngược lại với xu thế của giới thể thao toàn cầu, họ càng dễ gây phản ứng nơi các đội, như phát biểu của bầu Đức: “Các đội bóng tập trung đá nếu có cầu thủ bị nhiễm Covid-19 thì sẽ ra sao? VPF không có ý thức và thiếu trách nhiệm”.

Vả lại, nhiệm vụ của những người tổ chức cuộc chơi là tạo ra một sân chơi công bằng cho các thành viên tham gia giải, đằng này, đề xuất của VPF về phương án tổ chức V-League tập trung chưa cho thấy sự công bằng đó, về mặt sân bãi, về mặt tài chính cho các đội, giữa đội được đá trên sân nhà và những đội phải chọn sân đối phương (hoặc sân trung lập) làm sân nhà.

HLV Nguyễn Thanh Sơn của B.Bình Dương nói về điều này: “Việc tổ chức V.League ở một khu vực rất bất hợp lý, các đội phía Nam sẽ tốn kém chi phí cực lớn cho việc ăn ở, di chuyển trong một thời gian dài. Chưa kể có đội được đá sân nhà, trong lúc chúng tôi lại phải đá sân trung lập”.

Quyền lợi của VPF, của BTC V-League va chạm với quyền lợi chính đáng của các đội bóng, nên chuyện đại diện các CLB phản ứng với VPF là điều khó tránh khỏi.

Và lẽ ra, VPF đã có thể tránh được tất cả những tranh cãi này, nếu như họ bình tĩnh chờ cho đến khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn, khi đó V-League được quay trở lại một cách an toàn, với những điều kiện tổ chức tốt nhất và công bằng nhất. Thay vì họ cứ vội vã đẩy các CLB vào thế khó xử, trước khi bị chính các CLB phản ứng mạnh!

Thiện Nhân