Vì sao CĐV Indonesia tức giận và dẫn tới thảm kịch kinh hoàng?

Sông Lam

(Dân trí) - Cổ động viên của CLB Arema đã không chấp nhận được sự thật đội nhà để thua đối thủ không đội trời chung Persebaya Surabaya ở vòng 11 Liga 1, dẫn tới thảm kịch xảy ra ngay sau trận đấu.

Rất nhiều cổ động viên (CĐV) quá khích tràn xuống sân sau khi chứng kiến trận thua của chủ nhà Arema Cronus trước Persebaya Surabaya. Lực lượng an ninh quyết định dùng hơi cay và vũ lực để giải tán đám đông khiến tình trạng trở nên hỗn loạn và 127 người đã chết do ngạt thở, giẫm đạp lên nhau ở hai cổng ra số 10 và 12.

Trước khi thảm kịch xảy ra, công tác dự báo cho việc đảm bảo an ninh ở trận đấu này được cho rằng là chưa tốt, nhất là khi CLB Arema với Persebaya Surabaya được xem là hai đội bóng không đội trời chung ở Liga 1.

Bạo loạn bóng đá dẫn tới thảm kịch 127 người chết ở Indonesia

Ở trận đấu này, Arema đã để đội khách dẫn trước hai bàn do bộ đôi ngoại binh lập công là Silvio Junior vào phút thứ 8 và Leo Lelis ở phút 33. Tiền đạo Abel Camara đã mang về 2 bàn thắng gỡ hòa cho đội chủ nhà với các pha lập công ở phút 42 và phút bù giờ 45+7 trên chấm phạt đền.

Thế nhưng ngay đầu hiệp 2, ngoại binh Sho Yamamoto có bàn ấn định chiến thắng chung cuộc 3-2 sau pha lập công ở phút 52. Thực tế trong phần lớn thời gian trận đấu, đội chủ nhà Arema luôn chiếm ưu thế với nhiều tình huống tấn công nguy hiểm. Tuy nhiên, Persebaya Surabaya lại là đội chớp cơ hội tốt hơn để giành chiến thắng nghẹt thở trước sức ép của đội chủ nhà.

Việc Persebaya Surabaya giành chiến thắng 3-2 trên sân nhà trước Arema FC được xem là rất bất ngờ. "Thật khó để tưởng tượng Persebaya Surabaya lại đến sân nhà của đối thủ và cướp trọn điểm thành công. Tuy nhiên, HLV Marselino đã biến nó thành hiện thực với sự hiệu quả khó tin", tờ Bola nhận định.

Chiến thắng này giúp Persebaya Surabaya xếp sát Arema FC trên bảng xếp hạng Liga 1. Persebaya đứng ở vị trí thứ 10 với 13 điểm, trong khi Arema xếp trên nhưng chỉ hơn đội khách một điểm.

Vấn đề là Persebaya chưa bao giờ thắng tại sân nhà của Arema trong 23 năm qua. Trên thực tế, hai đội gặp nhau lần đầu ở giải VĐQG Indonesia 1994-1995, mùa giải đầu tiên của sự hợp nhất của hai giải đấu United và Galatama.

Kể từ năm đó, Persebaya chưa bao giờ khiến Arema cảm thấy xấu hổ trước những người hâm mộ của mình. Đây là lần đầu tiên đội "Bajul Ijo" gây chấn động tại Malang khi đánh bại đội có biệt danh "Singo Edan Team".

Vì sao CĐV Indonesia tức giận và dẫn tới thảm kịch kinh hoàng? - 1

Thống kê sơ bộ đã có 129 người chết sau vụ bạo loạn trên SVĐ của CLB Arema (Ảnh: Bola).

CĐV của Arema cảm thấy bất mãn sau khi chứng kiến đội nhà nhận thất bại. Nhiều người đã vượt qua hàng rào, lao xuống sân đe dọa đội trưởng Ahmad Alfarizi cùng hậu vệ Sergio Silva. Những kẻ quá khích tràn xuống sân ngày càng đông khiến lực lượng an ninh và cảnh sát phải sử dụng đến hơi cay.

Điều này khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi đám đông hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau. Giới chức Indonesia thông báo đã có 129 người chết.

Theo tờ Mirror, số người thiệt mạng trong vụ bạo loạn vẫn đang tiếp tục tăng nhanh. Trong khi đó, fanpage Sepakbola Indonesia cho biết: "Sự cố đau buồn chưa từng có trong lịch sử. Số lượng người thiệt mạng vẫn sẽ còn tăng lên".

Tất cả các trận của giải vô địch quốc gia Indonesia trong tuần này đã bị hoãn. Liên đoàn bóng đá Indonesia cũng thông báo Arema sẽ không được tổ chức bất kỳ trận nào trên sân nhà trong phần còn lại của mùa giải.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm