1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vì sao các nền bóng đá Đông Nam Á không tự tin về cơ hội dự World Cup 2026?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Cơ hội dự World Cup 2026 rộng mở với các đội bóng châu Á, nhưng rõ ràng đây vẫn là thách thức cực kỳ khó khăn cho các đội tuyển ở Đông Nam Á.

Thái Lan và Việt Nam là hai đội tuyển được nhắc đến nhiều nhất ở Đông Nam Á, khi Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) quyết định tăng số suất tham dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026 lên 48 đội, thay vì chỉ 32 đội như các kỳ giải trước đó. 

Số suất của châu Á tham dự VCK World Cup 2026 sẽ tăng lên 8,5 suất (8 đội vào thẳng VCK, một đội đá play-off với đại diện của lục địa khác), nên những đội từng vào đến vòng loại cuối cùng khu vực châu Á, của các kỳ World Cup gần đây nhất gồm Thái Lan (vòng loại World Cup 2018) và Việt Nam (vòng loại World Cup 2022) được nhắc tên.

Vì sao các nền bóng đá Đông Nam Á không tự tin về cơ hội dự World Cup 2026? - 1

Vẫn còn khoảng cách nhất định giữa đội tuyển Việt Nam và nhóm có khả năng lấy vé dự VCK World Cup (Ảnh: Tiến Tuấn).

Nhưng chính các nền bóng đá này nhận ra rằng mọi chuyện không dễ như trên lý thuyết. HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Mano Polking nói: "Việc tăng số suất của châu Á đến World Cup về lý thuyết mở ra thêm cơ hội cho các đội bóng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn rất khó khăn với Thái Lan".

"Bởi vì khi so sánh thứ hạng của đội tuyển Thái Lan với các đội bóng khác, chúng ta vẫn còn xa so với top 9 châu Á." - HLV Mano Polking nói thêm.

Trong khi đó, chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương phân tích cụ thể hơn, nguyên nhân vì sao các đội như Thái Lan hay Việt Nam vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn khi đua tranh vé dự VCK World Cup 2026, cho dù số suất của châu Á tăng lên đáng kể.

Ông Xương nói: "8,5 suất dành cho châu Á nhưng gần như sẽ có 6 đội chắc suất vào VCK, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Australia và Qatar. Nhóm các đội khác tranh 2,5 suất còn lại sẽ gồm UAE, Bahrain, Kuwait, Lebanon, Oman, Syria, Uzbekistan, Iraq và cả Thái Lan".

"Thể thức của vòng loại World Cup từ kỳ giải tới đây cũng sẽ thay đổi, tạo ra thách thức khác cho đội tuyển Việt Nam. Trước đây vòng loại thứ 3 khu vực châu Á chỉ có 12 đội, chia làm 2 bảng. Còn từ kỳ vòng loại World Cup 2026, sẽ có 18 đội vào vòng loại thứ 3, chia làm 3 bảng.

Vì sao các nền bóng đá Đông Nam Á không tự tin về cơ hội dự World Cup 2026? - 2

Thái Lan cũng không dễ có vé dự VCK World Cup 2026 (Ảnh: Siam Sport).

Mỗi bảng chỉ lấy 2 đội đầu bảng giành quyền đi tiếp, 3 bảng là 6 đội, nhiều khả năng sẽ là 6 đội mạnh nhất châu Á đã nêu ở trên. Các đội đứng thứ 3-4 ở từng bảng phải trải qua thêm các loạt đấu play-off châu lục rồi liên lục địa để tranh 2,5 suất còn lại, nên cuộc đua sẽ rất vất vả và nhiều rủi ro" - cựu HLV Đoàn Minh Xương nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, không có gì đảm bảo rằng đội tuyển Việt Nam chắc thắng các đội gồm UAE, Bahrain, Kuwait, Lebanon, Oman, Syria, Uzbekistan, Iraq.

Thậm chí, ngay cả các đối thủ cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines cũng có thể trở thành trở ngại đối với đội tuyển Việt Nam. Chính vì thế, câu chuyện World Cup vẫn là câu chuyện dài, khác hẳn với lý thuyết tăng gần gấp đôi số suất dành cho châu Á (từ 4,5 lên 8,5) là đội tuyển Việt Nam sẽ có ngay cơ hội. 

Chính một quan chức của VFF cũng tỏ ra dè dặt khi nói về mục tiêu World Cup 2026: "Bóng đá Việt Nam giai đoạn hiện tại vẫn chưa đạt tới đẳng cấp World Cup. Điều này đã được thể hiện thông qua kết quả tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (đội bóng của HLV Park Hang Seo đứng cuối bảng B, dù có nhiều cố gắng)". 

"Điều quan trọng là chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng từ sự tiến bộ của các cầu thủ" - vị quan chức này chia sẻ thêm.

Đấy là lý do mà hành trình World Cup vẫn còn là hành trình nhiều gian nan với bóng đá Việt Nam, đòi hỏi lộ trình phù hợp, đi đôi với công tác chuẩn bị công phu và khoa học.