VFF giải bài toán bán vé AFF Cup 2018: Cần sự công khai, minh bạch

(Dân trí) - Cảnh tượng người hâm mộ chen lấn, xô đẩy nhau để mua vé ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã trở nên quen thuộc ở những trận đấu được quan tâm của đội tuyển Việt Nam. Bán vé online được đánh giá là phương thức hiện đại, thuận tiện và minh bạch, nhưng VFF vẫn chưa chính thức áp dụng bán với số lượng lớn như các quốc gia khác.

Theo đó, VFF mới chỉ bán với số lượng gần 4.000 vé qua kênh online, còn lại là 9.000 vé qua kênh bán trực tiếp, 11.000 vé là qua đường công văn, còn lại gần một nửa số vé sân Mỹ Đình được dành cho các nhà tài trợ, khách mời, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, các địa phương, đội tuyển…

Như vậy là vé tới tay người hâm mộ chẳng có là bao, nên việc xảy ra cơn sốt vé, các phe vé bằng cách này hay cách khác đều “thu gom” được vé với số lượng lớn để “làm giá”, cũng là điều dễ hiểu.


VFF đang cố gắng giải quyết cảnh xếp hàng mua vé cho các trận đấu ở sân Mỹ Đình

VFF đang cố gắng giải quyết cảnh xếp hàng mua vé cho các trận đấu ở sân Mỹ Đình

Thực tế thì trong buổi sáng bán vé trực tiếp tới tay người hâm mộ, chỉ có 9.000 vé được bán ra, và trong vòng mấy tiếng đã hết sạch, khiến người mua bức xúc. Hầu hết đều không thể tin với sức chứa sân Mỹ Đình lớn như vậy mà vé lại không còn. Chỉ khổ cho các CĐV xếp hàng từ sáng, thậm chí từ đêm hôm trước, tất cả phải đội mưa, nhịn đói để có tấm vé vào sân cổ vũ đội tuyển.

Trong khi đó, khâu bán vé qua kênh công văn cũng để lại sự bất cập, thiếu minh bạch. VFF chỉ yêu cầu một tờ giấy xác nhận có dấu đỏ của công ty hay các cơ quan, kèm theo đó là chứng minh thư hay giấy giới thiệu người đến làm thủ tục mua vé.

Tất cả các yêu cầu đó đều quá đơn giản và hầu như đơn vị nào cũng làm được. Vì thế, trong số hàng trăm, hàng nghìn tổ chức đến đặt mua vé qua đường công văn, có không ít phe vé trà trộn để kiếm lời. Đây cũng là kẽ hở để vé đi thẳng ra chợ đen, với những cái giá trên trời như những ngày qua.

Bài toán với VFF không chỉ là phương thức bán vé, mà là làm sao bán tới tay những CĐV chân chính. Những CĐV nhiệt thành của đội tuyển Việt Nam có thể mua được vé, thay vì tạo cơ hội cho dân phe vé thao túng thị trường chợ đen.

Vì vậy, việc VFF cho biết sẽ áp dụng bán online 25.000 vé qua đường online nếu đội tuyển Việt Nam là một tin vui với người hâm mộ. Tất nhiên, nạn phe vé vẫn còn khi giá trị những cặp vé cao hơn nhiều giá gốc, và người mua có quyền quyết định với tấm vé mà mình sở hữu. Tuy nhiên, rõ ràng là với hầu hết những ai cố gắng mua vé, họ sẽ không bán, trừ khi thực sự cần tiền.

Vấn đề ở chỗ, VFF và các cơ quan chức năng, bộ phận liên quan, cần làm sao để tạo nên một hệ thống bán vé công khai, minh bạch và quan trọng nhất là không xảy ra tình trạng nghẽn, hay thậm chí sập mạng khi lượng CĐV truy cập là vô cùng lớn.

Ngoài ra, với phương thức bán online, thì việc kiểm soát làm sao về số lượng bán cho từng người cũng rất quan trọng, để không xay ra tình trạng có người hâm mộ mua hàng chục vé, nhưng có người chỉ mua được 1 vé.

Phạm Huy