VFF có đúng đắn nếu chọn HLV nội dẫn dắt đội tuyển Việt Nam?
(Dân trí) - VFF đang nghiêng về khả năng chọn HLV nội thay thế HLV Miura. Nhưng có một chi tiết không thể không tham khảo là chưa có HLV nội nào thành công ở cấp độ đội tuyển.
Người nhiều khả năng nhất có thể tiếp quản ghế HLV trưởng các đội tuyển quốc gia, sau triều đại của HLV Miura có thể là HLV Nguyễn Hữu Thắng, một trong những tài năng của “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam hồi đầu những năm thuộc thập niên 90 của thế kỷ trước.
Ảnh hưởng của Hữu Thắng với giới cầu thủ nói riêng và giới bóng đá nói chung là rất đáng kể. Đấy cũng là cơ sở để người ta kỳ vọng rằng Hữu Thắng sẽ thành công, giống như trường hợp của Kiatisuk với bóng đá Thái Lan hiện nay.
Tuy nhiên, lịch sử luôn có tiếng nói nhất định trong mọi vấn đề, và lịch sử bóng đá Việt Nam chỉ ra rằng chưa có HLV nội nào thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia.
Từ sau ngày bóng đá Việt Nam có giải vô địch quốc gia thống nhất, đã có không ít tên tuổi lớn ngồi ghế HLV trưởng các đội tuyển. Đáng chú ý có ông Nguyễn Sỹ Hiển (hiện là chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia – thuộc VFF) dẫn dắt đội tuyển Việt Nam ở giai đoạn SEA Games 1991. Giải đấu đấy, đội tuyển không gây tiếng vang gì.
Sau ông Nguyễn Sỹ Hiển, đến giai đoạn ông Trần Duy Long nắm đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 1998, với trận đấu đáng chú ý nhất là trận Việt Nam đá với đội tuyển Trung Quốc trên sân Thống Nhất năm 1996 (đội tuyển Việt Nam trận đấy “chỉ” thua 1-3, Huỳnh Đức là người ghi bàn cho đội tuyển Việt Nam).
Đấy cũng là giai đoạn mà ông Duy Long thế chỗ của HLV nổi tiếng người Đức Karl Heinz Weigang, sau AFF Cup 1996. Tuy nhiên, ông Duy Long cũng không tạo được tiếng vang đáng kể. Thậm chí, HLV Trần Duy Long sau vòng loại World Cup năm đó còn tuyên bố vĩnh viễn đoạn tuyệt với nghề HLV đỉnh cao.
Sau này, khi có dịp trò chuyện với Long, ông tâm sự nghề HLV bóng đá như nghề “quản lý 25 con sư tử (ý nhắc đến 25 cầu thủ - con số cầu thủ trung bình của từng đội bóng – PV). Làm HLV đội tuyển quốc gia còn căng thẳng hơn! Tôi ngại nhất không phải là áp lực cho riêng tôi, mà là áp lực mà gia đình tôi phải chịu với ngồn ngộn thông tin và những lời bình luận về đội tuyển”.
Đến năm 2007, ông Trần Văn Khánh thay HLV Alfred Riedl làm HLV tạm quyền của đội U23 Việt Nam tham dự SEA Games cùng năm, tại Korat (Thái Lan). Kết quả đội bóng của HLV Trần Văn Khánh thua Singapore đến 5 bàn không gỡ trong trận tranh hạng 3, trong khi Singapore chẳng phải là đội có hàng tấn công mạnh.
Người duy nhất từng có thành tích khi nắm đội tuyển U23 Việt Nam là ông Mai Đức Chung, với việc đoạt cúp Mederka tại Malaysia năm 2008. Nhưng đấy chỉ là giải đấu giao hữu quốc tế không có mấy ý nghĩa. Riêng sau đó, ông Chung chưa bao giờ đủ dũng khí chấp trưởng các đội tuyển bóng đá nam.
So về tên tuổi khi còn đá bóng, tầm ảnh hưởng với bóng đá Việt Nam, những cái tên cỡ Trần Duy Long, Nguyễn Sỹ Hiển, Trần Văn Khánh, Mai Đức Chung còn lớn hơn cả “thế hệ vàng” của những Hữu Thắng, Huỳnh Đức, Hồng Sơn… sau này. Riêng các ông Trần Duy Long và Nguyễn Sỹ Hiển còn được xem là những cầu thủ hay nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, khi họ còn đá bóng.
Dù vậy, họ vẫn không thành công khi nắm đội tuyển quốc gia, cho dù khi dẫn dắt các CLB, họ vẫn có thành tích đáng nể (ông Trần Duy Long từng huấn luyện đội Trường huấn luyện trở thành tên tuổi không có đối thủ trước đây, từng là thầy của Lê Thụy Hải, Lê Khắc Chính, hay Mai Đức Chung… vào các năm thuộc thập niên 1970).
Đến sau thế hệ của các HLV vừa nêu, đến lượt Phan Thanh Hùng thất bại ở AFF Cup 2012 cùng đội tuyển quốc gia, Hoàng Văn Phúc thua thảm ở SEA Games 2013, hoặc Nguyễn Văn Sỹ thất bại ở vòng loại Asian Cup 2015, khi tạm quyền nắm đội tuyển quốc gia thay HLV Hoàng Văn Phúc.
Hy vọng rằng khi VFF muốn nhắm đến HLV nội nắm các đội tuyển, họ đã tham khảo đầy đủ quá khứ. Cũng hy vọng rằng tương lai sẽ khác với các đội tuyển, với các HLV nội mới.
Kim Điền