Vé trụ hạng của CLB Nam Định và nỗi buồn cựu vương V-League

Kim Điền

(Dân trí) - Nhóm dưới của V-League 2020 đã hạ màn, với vé trụ hạng dành cho Nam Định và suất rớt hạng thuộc về đội Quảng Nam. Nhà cựu vô địch V-League xuống hạng chỉ 3 năm sau khi đăng quang ở giải đấu này.

Thật ra thì nếu không có sai lầm của trọng tài K’Đức Tuấn trong trận Quảng Nam – Nam Định trên sân Tam Kỳ, CLB Quảng Nam đã rớt hạng cách nay những 2 vòng đấu. Cũng có nghĩa là, thay vì an toàn trụ hạng sớm 2 vòng, đội Nam Định phải chờ đến giờ chót mới thở phào rằng mình đã ở lại với giải bóng đá vô địch quốc gia.

Thành ra, có thể hiểu cho cảm giác của những người yêu bóng đá Nam Định trong buổi chiều tối qua. Họ có lý khi nói rằng cứ vui với ngày trụ hạng đi cái đã, sau cả mùa giải hồi hộp, chuyện của năm sau, cứ để sau tính. 

Nam Định nhọc nhằn trụ lại V-League 2020, có thể đến LS V-League 2021, họ vẫn sẽ nhọc nhằn trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng. Nhưng Nam Định vẫn có điều để tự hào, đó là họ trụ hạng hay không trụ hạng, đều dựa vào thực lực.

Vé trụ hạng của CLB Nam Định và nỗi buồn cựu vương V-League - 1
CLB bóng đá Quảng Nam rớt hạng chỉ 3 năm sau khi họ vô địch V-League (ảnh: Gia Hưng)
Vé trụ hạng của CLB Nam Định và nỗi buồn cựu vương V-League - 2
Đội bóng đất Quảng bất lực trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng vì hụt hơi quá sớm (ảnh: Gia Hưng)

Một đội bóng thân cô thế cô như đội bóng thành Nam, rất ít nhận được sự giúp sức từ bên ngoài. Ngược lại, Nam Định nhiều khi còn phải chịu thiệt thòi vì sự yếu thế của mình.

Thống kê sơ sơ cho thấy, đoàn quân của Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) Nguyễn Văn Sỹ đã bị tước mất ít nhất 8 điểm, từ sai sót có hệ thống của các trọng tài. Và không dưới 2 lần trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền phải công khai xin lỗi đội Nam Định. Cũng ít nhất 2 lần, VFF phải ra văn bản nhắc nhở Ban trọng tài ở mùa giải năm nay, ít nhiều liên quan đến các sai sót của giới “vua sân cỏ”, ảnh hưởng lớn đến đội Nam Định.

8 điểm mất đi trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng vốn chỉ bao gồm 18 vòng đấu (13 vòng thuộc giai đoạn 1 và 5 vòng thuộc giai đoạn 2, nhóm B) là quá nhiều. Nếu có thêm 8 điểm vừa nêu, đội Nam Định đã trụ hạng từ lâu rồi. Đấy chỉ là những lỗi rõ rệt, còn nếu phân tích kỹ hơn, có thể số điểm mà Nam Định đã mất vì các quyết định của trọng tài còn nhiều hơn nữa.

Vé trụ hạng của CLB Nam Định và nỗi buồn cựu vương V-League - 3

Nam Định trụ hạng thành công sau chuỗi ngày dài hồi hộp (ảnh: Đỗ Linh)

Vé trụ hạng của CLB Nam Định và nỗi buồn cựu vương V-League - 4

CĐV bóng đá thành Nam vui đến rớt nước mắt, sau khi trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc suốt 1 năm dài (ảnh: Đỗ Linh)

Lấy đi chỗ này, thì khả năng sẽ bù vào chỗ khác, không trực tiếp thì gián tiếp. Những thiệt thòi mà Nam Định phải chịu, có khi lại là phần lợi mà các đối của đội bóng thành Nam được hưởng.

Thành ra, chính BTC giải V-League và những nhà điều hành bóng đá nội cũng thở phào với chuyện Nam Định trụ hạng. Bằng ngược lại, bóng đá Việt Nam sẽ khả năng lớn xuất hiện những tranh cãi, và tính trung thực của một số cặp đấu, tính trung thực của một vài trọng tài sẽ bị đặt dấu hỏi lớn, bị những người yêu bóng đá Nam Định chất vấn đến nơi đến chốn. 

Nam Định trụ hạng cũng có nghĩa là CLB bóng đá Quảng Nam rớt hạng, rớt hạng chỉ 3 năm sau khi vô địch V-League.

Vé trụ hạng của CLB Nam Định và nỗi buồn cựu vương V-League - 5

Ngược lên nhóm trên, Viettel và CLB Hà Nội tiếp tục chạy đua đến ngôi vô địch (ảnh: Sơn Tùng)

Đấy có thể là thực tế đau lòng, nhưng thực tế đó không phải chưa có tiền lệ. Gần hai chục năm trước, đội bóng lừng lẫy Cảng Sài Gòn còn rớt hạng ngay sau mùa giải mà họ đăng quang.

Có nghĩa là cách làm không còn phù hợp thì khó mà trụ lại, ngủ quên trên chiến thắng quá lâu và không kịp chuyển động với guồng quay chung của làng cầu nội thì rớt hạng. Đấy là chưa nói đến chuyện ngay cả khi CLB bóng đá Quảng Nam vô địch V-League hồi 3 năm trước, cũng chẳng ai bảo rằng họ là đội mạnh. 

So vời hồi Quảng Nam vô địch cách nay 3 năm, cuộc đua đến ngôi vương V-League ở thời điểm hiện tại hay hơn nhiều, gay cấn hơn nhiều và thu hút sự chú ý của khán giả hơn nhiều. Đấy cuộc đua giữa những đội bóng mạnh thực sự (CLB Hà Nội, Viettel), hoặc giỏi tính toán (về chiến lược, về chiến thuật) thực sự (Sài Gòn FC, Than Quảng Ninh).

Nếu bỏ qua chuyện CLB Hà Nội thỉnh thoảng vẫn nhận được sự ưu ái nhất định của các trọng tài, nhất là liên quan đến các tình huống phạt đền hay không phạt đền trong một vài trận đấu, thì nhóm các đội còn lại, đội nào đi đến giai đoạn này của cuộc đua vô địch cũng bằng sự dốc sức đến tột cùng, của sự bền bỉ đến đáng khâm phục, ở một cuộc đua dài lê thê, kéo dài từ tận đầu năm đến gần cuối năm, vắt qua 2 quãng nghỉ bất đắc dĩ để phòng dịch Covid-19 (kèm theo là việc phải tính toán lại thể lực, điểm rơi phong độ, trạng thái hưng phấn thể thao của các cầu thủ…).

Thành ra, đội nào trong số đấy đăng quang cũng xứng đáng cả, cũng là sự tưởng thưởng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ trong suốt cả một năm dài!