1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Vật Việt Nam lo vấn đề trọng tài tại SEA Games 27

(Dân trí) - Không ngại các đối thủ trong khu vực bởi trình độ của vật Việt Nam luôn vượt trội, nhưng cũng như ở những kỳ SEA Games trước, đội tuyển vật gần như chắc chắn sẽ gặp nhiều thiệt thòi từ công tác trọng tài của nước chủ nhà Myanmar.

Trong quá khứ, vật được xem là những mỏ vàng của thể thao Việt Nam (TTVN). Kể từ SEA Games 22 tới nay Vật đã giành được tổng số 46 HCV qua 5 kỳ SEA Games. Cụ thể các đô vật đã đem về 18 HCV ở SEA Games 22, 6 HCV SEA Games 23, 7 HCV SEA Games 24, 7 HCV SEA Games 25, 8 HCV SEA Games 26.

Tại SEA Games 27, nước chủ nhà Myanmar tổ chức 21 nội dung của môn vật, nhưng chỉ cho phép mỗi quốc gia được đăng ký tối đa 12 nội dung (4 cổ điển nam, 4 tự do nam, 4 tự do nữ). Như vậy, vật Việt Nam khó bảo vệ được ngôi đầu với 8 HCV như kỳ SEA Games trước. Tuy nhiên, mục tiêu giành ít nhất 6 HCV với vật Việt Nam tại SEA Games năm nay không phải là quá sức, khi chúng ta đang là quốc gia mạnh nhất môn này, với nhiều võ sĩ đã ở tầm thế giới.
 
Đội tuyển Vật Việt Nam luôn lo ngại vấn đề trọng tài

Đội tuyển Vật Việt Nam luôn lo ngại vấn đề trọng tài

Trong ba phân đội thì đội vật tự do nam được đánh giá là mạnh nhất và có thể giành tới ba HCV. Đội vật nữ với những gương mặt như Cựu á quân trẻ thế giới Vũ Thị Hằng (48 kg), Á quân Asian Games Nguyễn Thị Lụa (51 kg), Cựu vô địch SEA Games Phạm Thị Huế (55 kg)… cũng có thể hoàn thành mục tiêu 2 HCV. Chỉ tiêu HCV còn lại thuộc về đội vật cổ điển nam.

Tại SEA Games năm nay, nước chủ nhà đã sớm lộ ý định chơi khó với Việt Nam. Cụ thể, Myanmar quy định những nước có truyền thống mạnh như Việt Nam chỉ nên đăng ký tham dự các hạng cân nhỏ và trung bình.  Năm nay, BTC cũng không cho phép được đăng ký 1 VĐV dự bị như các lần trước. Ngoài ra, mỗi hạng cân quy định rõ sẽ không tổ chức nếu không có ít nhất 3 VĐV đăng ký. Với quy định này, hỉ cần 1 VĐV chẳng may bị chấn thương trước khi vào thi đấu mà không được đăng ký VĐV dự bị, coi như mất luôn 1 hi vọng giành huy chương.

Nước chủ nhà cố tình chơi khó vật Việt Nam, nhưng những khó khăn đang được dự báo là sẽ đến rất nhiều với các đô vật của chúng ta tại kỳ SEA Games lần này không chỉ có vậy. Sự đầu tư của một số nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan với việc đi tập huấn tại Hàn Quốc từ đầu năm, sẽ là đối thủ không dễ bị đánh bại như những kỳ SEA Games trước đây nữa. HLV Đới Đăng Hỷ cho biết: “Tại các giải quốc tế gần đây, Thái Lan cũng đã trình làng rất nhiều đô vật đáng gờm. Đây chắc chắn là đối thủ lớn nhất của vật Việt Nam tại SEA Games này”.

Còn một “đối thủ vô hình” khác mà ông Hỷ cũng nhắc tới, đó chính là vấn đề của trọng tài. Trong lịch sử tham dự, không ít lần các đô vật Việt Nam bị trọng tài thiên vị một cách tức tưởi. Uất ức nhất là trường hợp của đô vật Nguyễn Thị Hằng (48kg) tại SEA Games 23. Dù chị đã thực hiện thành công đòn quấn quật đối thủ rất khó nhưng ông trọng tài người Hàn Quốc lại quyết định cho đô vật nước chủ nhà Thái Lan thắng cuộc. Sau trận đấu, chính trọng tài này đã thừa nhận bị áp lực bởi BTC nước chủ nhà.

Còn tại SEA Games 26 năm 2011, đô vật Lương Thị Quyên đã khóc nức nở khi bị trọng tài xử ép. Chẳng là đô vật này đã liên tiếp ăn điểm trước VĐV nước chủ nhà Ridha, nhưng trọng tài không công nhận, để rồi phải nhận tấm HCB uất ức.

Phải thi đấu sân khách, vấn đề trọng tài luôn trở thành nỗi lo với các đô vật Việt Nam. Nếu tự tin vào trận, các đô vật Việt Nam đủ khả năng vượt qua các đối thủ trong khu vực, nhưng nếu có sự can thiệp của trọng tài, sẽ khó tránh khỏi những thất bại trong nước mắt.

An An