1. Dòng sự kiện:
  2. Pickleball

Vai trò bảo kê của Nguyễn Hữu Thắng

Trong một thời gian dài, để thực hiện ý đồ “bá chủ” đội bóng thành Vinh, Nguyễn Hữu Thắng và những người cùng ê-kíp đã thực hiện một “chiến lược” rất dài hơi đánh vào tâm lý để lấy lòng các cầu thủ.

Những cầu thủ như Văn Quyến, Quốc Vượng, Phi Hùng, Phan Thanh Tuấn, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Thủy... được Thắng bênh vực, dung túng để thoát khỏi sự trừng phạt của những người mong làm "sạch" bóng đá thành Vinh. Khi thời cơ đến, những cầu thủ này đã hỗ trợ đắc lực cho Hữu Thắng trong việc lật đổ HLV, đưa Thắng lên thay thế.

 

Như đã nêu trong bài trước, sau chức vô địch đạt được nhờ... tài chính và sau cú nâng giá vụ dàn xếp của Nguyễn Hữu Thắng về trận Cảng Sài Gòn - SĐNĐ (và hàng loạt tiêu cực của các cầu thủ trước đó), P. SLNA xảy ra mâu thuẫn gay gắt giữa cầu thủ với BHL, giữa đội bóng với lãnh đạo Sở TDTT tỉnh, giữa phe chống tiêu cực và phe thỏa hiệp.

 

Sau khi vô địch mùa giải đó, đội bóng xứ Nghệ bắt đầu có những thế lực thao túng cầu thủ để đá theo ý họ chứ không phải HLV. Nhiều trận đấu được dàn xếp tỷ số, bán độ mà BHL “ngửi mùi” được, làm kiểm điểm, có những cầu thủ đã nhận tội, bị đề nghị kỷ luật nhưng rồi lại có vài nhân vật, trong đó có Nguyễn Hữu Thắng thường xin xỏ cho qua.

 

Trong trận đấu Cúp quốc gia với đội Long An (lúc đó chưa phải là GĐT.LA) mùa bóng 2002/03, BHL, cụ thể là ông Nguyễn Thành Vinh và các trợ lý thấy cầu thủ đá vật vờ trên sân Long An nên đã nói với nhau ngoài đường biên: trận đấu có “mùi”.

 

Kết quả là SLNA thua Long An 0-3. Sau đó, BHL bắt các cầu thủ Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Phi Hùng (người mà những ngày qua dư luận cho là đã có liên quan đến vụ tiêu cực xảy ra tại SEA Games 23)... làm bản tường trình.

 

Văn Sỹ Thủy khai: “Tuấn nói là nếu không đá vào lưới Long An thì về Vinh sẽ được 10 triệu đồng”. Phan Thanh Tuấn khai rõ hơn: “Có một người lạ báo cho biết nếu không đá vô lưới Long An về Vinh sẽ có tiền”.

 

Sau trận đấu này một tuần, cả đội bóng SLNA và người dân địa phương thấy Tuấn ung dung sở hữu một chiếc Space bóng loáng trị giá khoảng 5.000 USD. BHL đội bóng đề nghị kỷ luật thật nặng các cầu thủ trên, chuyển xuống đội trẻ nhưng chính Nguyễn Hữu Thắng ngỏ lời đề nghị bỏ qua.

 

BHL lúc đó chỉ biết... vâng lời, vì Thắng là người có ảnh hưởng lớn đến đội bóng, khi nhận là con nuôi của ông Nguyễn Hồng Thanh, Giám đốc điều hành CLB!

 

Cũng các cầu thủ này, trong một trận đấu với SĐ.NĐ (giải truyền thống kỷ niệm Ngày giải phóng thủ đô năm 1999) đã tham gia dàn xếp tỷ số, bán độ với một cá nhân để lấy tiền.

 

Lần này cũng là Nguyễn Phi Hùng, Văn Sỹ Sơn, Phan Thanh Tuấn, Đặng Quốc Cường. Sau vụ này, các cầu khai với BHL là cầu thủ đàn anh trong đội bóng cũng được chia tiền.

 

Một trận đấu cuối mùa giải 1999/2000, SLNA đá với Nam Định, một số cầu thủ của SLNA như Nguyễn Quốc Trung, Dũng, Sỹ... đã tham gia dàn xếp tỷ số để mua độ.

 

Ông Vinh nhận ra sự bất thường, hỏi và các cầu thủ đã thành thật khai là họ đã đưa tiền xuống Nam Định để “đặt kèo” dưới lấy Nam Định (thị trường lúc đó SLNA chấp bóng).

 

Các cầu thủ này với khoảng năm cầu thủ khác đã “sản suất” ra tỷ số 0-0 trong hai hiệp chính. Kết quả đúng như ý đồ, và SLNA thắng loạt đá luân lưu.

 

Sau đó, cầu thủ khai đã mang xuống Nam Định 70 triệu đồng bằng ngân phiếu để bắt độ tỷ số trận đấu trên. Ông Vinh thông báo với ông Thanh, đội bóng triệu tập cuộc họp ngày 11/11/1999.

 

Có bảy cầu thủ tham gia trận đấu hôm đó về dự họp trễ, ông Vinh đã chửi thẳng trong cuộc họp: “Tôi thấy 7 cầu thủ bị suy thoái về đạo đức, lối sống, vô kỷ luật trước tập thể, đã vi phạm nhiều lần. Do vậy phải làm quyết liệt, không được “du di” nữa”.

 

Ông đề nghị chuyển Đào Thanh Lưu, Đặng Quốc Cường, Phan Thanh Tuấn... xuống đội hai. Ngày hôm sau 12/11/1999, khi biết chuyện này, một lần nữa hai nhân vật chính là Nguyễn Hữu Thắng và Ngô Quang Trường xuất hiện, xin ông Vinh để Đặng Quốc Cường chịu kỷ luật tại đội, đừng đưa xuống đội trẻ.

 

Ông Vinh bó tay trước kiểu dung túng của những nhân vật trong BLĐ đạo đội bóng và cầu thủ. Đây là chuyện gây bất mãn, vì trong cuộc họp các cầu thủ thừa nhận đã nhận tiền từ giới cá độ.

 

Thời điểm 1999, sau khi đội bóng có những biểu hiện bất thường, cơ quan chức năng cảnh báo một số cầu thủ trong đội có quan hệ không bình thường với trùm cờ bạc Thắng "tài dậu".

 

Toàn bộ BHL, lãnh đạo đội bóng và đại diện một số cầu thủ chủ chốt đã có cuộc họp để xác minh ai đang quan hệ với đối tượng giang hồ trên.

 

Cuộc họp có sự tham dự của ông Nguyễn Hồng Thanh - Giám đốc, HLV trưởng Nguyễn Thành Vinh, HLV phó Trần Văn Đức, Đội trưởng Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Hùng và Nguyễn Hữu Thắng... Thật bất ngờ, cầu thủ nay đang là HLV “gương mẫu” của SLNA Nguyễn Hữu Thắng đã đứng lên tự nhận là em kết nghĩa với Thắng "tài dậu".

 

Thắng giải thích: “Đó là chuyện bình thường, chúng tôi coi nhau như anh em. Chỉ là quan hệ xã hội...”. Có lẽ đây là thông tin mà sau này trong nhiều vụ mâu thuẫn, gần như không ai ở CLB dám đối đầu với Thắng nữa.

 

Bức xúc từ đội bóng trở thành chuyện thời sự của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, ngày 25/1/2003, ông Lê Doãn Hợp (lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nay là Phó trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) đã xuống tận đội bóng để nói chuyện.

 

Không giấu nổi bức xúc, ông nói: “Các đồng chí về nhắc nhở cầu thủ đi. Làm thế nào mà cầu thủ của chúng ta cứ bị dư luận cho là dính dáng đến cờ bạc, trai gái, ma túy, cá độ... như thế”!

 

Thật ngẫu nhiên, sau khi Bí thư Tỉnh ủy đưa ra lời chỉ đạo vài ngày thì Công an thành phố Vinh bắt được vụ đánh bạc, trong đó có cầu thủ Lê Xuân Hải, Nguyễn Phi Hùng tham gia.

 

Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, nhưng sau đó một vài người trong CLB đã cho soạn công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Vinh đề nghị “để các cầu thủ yên tâm thi đấu” (thực chất thì Lê Xuân Hải nghỉ đá bóng bốn năm rồi).

 

Công văn này do ông Nguyễn Hoàng Thanh lập và ký, đưa cho ông Nguyễn Hoàng Thụ, Giám đốc Sở TD-TT tỉnh cùng ký, nhưng ông Thụ từ chối.

 

Cuối cùng thì ông Cầm - Phó giám đốc sở ký. Ông Thụ không ký vì từ lâu đã có ý định thay đổi một số nhân vật trong đội bóng, làm rõ chuyện tiền bạc, “dư âm” từ mùa cúp vô địch. Vì thế, ông đối mặt với thách thức. Trong một cuộc họp, một kẻ đã nói thẳng với ông Thụ: “Nếu bây giờ có súng thì tôi bắn chú chết ngay!”.

 

Cũng trong thời điểm đó, ông Thụ liên tục nhận được điện thoại, tin nhắn vào ban đêm đe dọa. Khủng khiếp hơn, vào một buổi chiều, trước cửa nhà ông Thụ bọn giang hồ đã trưng ra một bức trướng ghi rõ: “Kính viếng hương hồn đồng chí Nguyễn Hoàng Thụ” và một lẵng hoa tang! Sự việc được báo cáo lên cơ quan chức năng, nhưng rồi được giữ kín vì thể diện nên đã trôi vào quên lãng.

 

Cuối năm 2003, trong vụ ẩu đả tại một vũ trường ở thành phố Vinh, giữa một nhóm thanh niên và một số cầu thủ SLNA, Phan Thanh Tuấn đã móc trong túi ra khẩu súng và bắn thị uy đối phương.

 

Vụ việc bị khởi tố, cầu thủ này bị bắt giam. Nhưng sau đó (theo nguồn tin chưa được kiểm chứng), hai nhân vật chủ chốt của đội bóng đã “chạy” cho cầu thủ này, để rồi Tuấn chỉ dùng súng với lý do “súng cướp cò”.

 

Đến lúc này, không chỉ ông Thụ mà nhiều người khác đang có ý định làm trong sạch bóng đá xứ Nghệ phải khiếp vía. Sau đó, nhiều cuộc lật đổ liên tục xảy ra cùng với những trận đấu đầy nghi vấn của SLNA, những cầu thủ bị thao túng lao vào sa ngã của cuộc đời để phải đá bóng theo yêu cầu cho những thế lực ngầm, trong đó có Phạm Văn Quyến và Lê Quốc Vượng.

 

Theo một nguồn tin, không chỉ bênh vực cho một số cầu thủ hư hỏng, mua bán độ, Nguyễn Hữu Thắng còn chăm sóc đời tư của họ rất... đặc biệt. Cả đội bóng SLNA không ai không biết sau cú vô địch đầu thế kỷ, Hữu Thắng đã trả tiền mua nhà cho Phi Hùng (khoảng 400 - 500 triệu đồng).

 

Căn nhà hiện nay có giá khoảng hai tỉ đồng và nghe đâu đã được Phi Hùng bán. Riêng Phạm Văn Quyến, sau khi trở nên nổi tiếng đã mua được một mảnh vườn, xây nhà (trước đó ở nhờ nhà cậu). Trong quá trình Quyến làm nhà, Thắng thường xuyên lui tới thăm hỏi, giúp đỡ nhiều thứ.

 

Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Huy Hoàng cũng được “thầy Thắng” mua cho một mảnh đất có giá khoảng 300 - 400 triệu đồng trong một dự án dân cư gần nhà Thắng tại Vinh.

 

Trường hợp Lê Quốc Vượng là rất đặc biệt. Vì Vượng có tính khí khá cương trực và... bất trị, nên Thắng đã dùng một “chiêu” khác để lôi kéo, đúng hơn là để “trị”, đưa Vượng vào con đường sa đọa.

 

Người thực hiện “nhiệm vụ gian khó” này cho Hữu Thắng chính là Nguyễn Phi Hùng. Con đường đẩy Quốc Vượng từ vinh quang đến vực thẳm, cũng như những cuộc lật đổ quyền lực diễn ra tại CLB này như thế nào sẽ được đề cập đến ở những bài sau...

 

Theo Công an TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm