1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

V-League 2014: Đừng chạy theo số lượng

(Dân trí) - Nhiều khả năng V-League mùa tới sẽ không đủ số 14 đội như nghị quyết Ban chấp hành VFF yêu cầu. Nhưng ít đội có khi giải sẽ tốt hơn, chứ nhiều đội mà cứ nơm nớp lo sợ chính các đội ấy bỏ giải như mấy năm vừa qua thì còn khổ hơn...

PCT VFF, kiêm TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn trả lời rất dứt khoát về chuyện không du di cho các đội bóng không đủ điều kiện tham dự V-League năm sau, bất chấp nghị quyết của BCH VFF yêu cầu phải có đủ 14 đội tham dự giải VĐQG mùa sau.

Theo ông Viễn thì VPF chấp nhận phương án còn bao nhiêu đá bấy nhiêu, với điều kiện là CLB đăng ký dự V-League và giải hạng Nhất mùa tới phải cam kết không bỏ giải, thông qua các văn bản chứng minh năng lực tài chính.

Đây là điều trước đó chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng và PCT HĐQT VPF, kiêm PCT VFF Lê Hùng Dũng cũng nhấn mạnh. Chỉ có ông chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ngay trong buổi lễ tổng kết mùa giải yêu cầu VPF phải tuân thủ nghị quyết BCH VFF, yêu cầu thủ phải đủ 14 đội dự V-League mùa sau.

Dễ thấy là quan điểm của ông chủ tịch VFF thời điểm đó gần như đi ngược lại quan điểm của phần đông các quan chức chóp bu khác trong VPF và trong chính VFF, quan điểm của ông chủ tịch VFF cũng không phù hợp với thực tế của bóng đá nội, vô tình làm các giải chuyên nghiệp trong nước chậm phát triển vì sự dễ dãi.

Siết chặt số lượng đội tham dự cũng là cách giúp V-League khỏi loạn

Siết chặt số lượng đội tham dự cũng là cách giúp V-League khỏi loạn

Cho đến thời điểm này, vẫn còn đội chưa đăng ký dự V-League và giải hạng Nhất mùa sau, chủ yếu là do chưa có tiền. Đáng chú ý nhất trong số đó vẫn là trường hợp của K.Kiên Giang.

Mà không có tiền như K.Kiên Giang thì nên nghỉ cho rồi, đội bóng miền Tây Nam bộ không thể bắt người lao động (tức các cầu thủ, HLV) cày ải không công cho họ. Thực tế là K.Kiên Giang vẫn còn nợ tiền lương của cầu thủ, HLV, nợ tiền VPF và chính VFF.

Nếu để gom cho đủ số lượng như nghị quyết BCH VFF yêu cầu thì người ta có khi càng hồi hộp hơn với số phận của một đội bóng dạng như K.Kiên Giang, từ đó số phận của một giải đấu, thậm chí cả một nền bóng đá cũng bấp bênh theo chính đội này, vì không biết giải sẽ vỡ khi nào, kết quả các trận đấu sẽ bị hủy lúc nào, nếu như đội bóng dạng ấy hết tiền, hoặc hết hứng rồi bỏ cuộc giữa chừng.

Không nhiều lần VPF cũng như các nhà tổ chức bóng đá nội được ủng hộ như lần này, xung quanh chuyện họ quyết siết chặt số lượng đội đá chuyên nghiệp. Bởi, những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam hiểu rằng nếu không siết chặt ngay từ bây giờ, bóng đá Việt Nam sẽ tự hại mình, các giải đấu sẽ loạn, và bóng đá Việt Nam không thể tiến lên chuyên nghiệp.

Số đội ít thì đá ít, miễn là những đội còn tồn tại thực sự có quyết tâm và có tiềm lực để gắn bó đến cùng. Siết chặt số lượng đội cũng là để tránh tình trạng đầu cơ thông qua bóng đá.

Đây cũng là thực tế không thiếu trong bóng đá nội nhiều năm qua. Lắm ông bầu mượn bóng đá để đánh bóng tên tuổi, mượn bóng đá để dòm ngó các dự án, dòm ngó những lô đất đẹp, đến khi đạt được mục đích, hoặc khi đất hết là vàng thì quay lưng với bóng đá cái rụp.

Bởi vậy, ngay lúc này, ai đủ sức thì chơi, ai không đủ sức không nên nhảy vào làm loạn bóng đá nội. Mong rằng quyết tâm của VPF được thực hiện đến cùng, mong rằng ban lãnh đạo VPF nói được làm được.

Cũng mong rằng quyết tâm lập lại kỷ cương cho bóng đá nội của VPF không bị cản trở bởi những nhân vật chưa hiểu hết mức độ nguy hiểm của việc bỏ quên chất lượng, chỉ chăm chăm chạy theo số lượng đội tham dự.

Mong rằng những nhà điều hành bóng đá Việt Nam đừng đem cái nghị quyết lỗi thời của BCH VFF ra làm bình phong, cản đà tiến của bóng đá Việt Nam nữa! Lẽ ra sau qua nhiều va vấp, nhiều lần giải suýt vỡ mấy năm vừa rồi, những nhân vật ủng hộ cho cái nghị quyết này phải hiểu, phải tỉnh ra, chứ không thể mượn cái nghị quyết của BCH rồi bắt cả nền bóng đá đi lầm đường được nữa!

Trọng Vũ