1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

U19 Việt Nam và những vấn đề sau thất bại trước sinh viên Nhật Bản

(Dân trí) - Có 2 chỗ sau trận đấu với sinh viên Nhật Bản, HLV Graechen Guillaume tập trung nhắc và sửa lỗi cho các học trò, đó là thể lực và khả năng tranh bóng bổng. Đây là vấn đề không mới, bởi muốn đá ngang ngửa với đối phương trước tiên phải tranh chấp tốt…

Bài toán thể lực

Thua sinh viên Nhật Bản 1-5, về mặt tỷ số, đấy không phải là vấn đề to tát, bởi thua 1 bàn hay thua nhiều bàn về cơ bản vẫn là thua. Ở đây, vấn đề là cách thua, và không khó để nhận ra rằng đoàn quân của HLV Graechen Guillaume vẫn còn kém ở khả năng tranh chấp tay đôi.

Đây là vấn đề không mới của đội tuyển U19 Việt Nam. Vấn đề này xuất hiện suốt từ giải Đông Nam Á 2013, rồi ở cúp Nutifood tại TPHCM hồi đầu năm, kéo dài cho đến bây giờ.

Điều đáng nói nằm ở chỗ chúng ta vẫn chưa khắc phục điểm yếu ấy, trong khi với bất cứ đội bóng nào trên thế giới, thua trong tranh chấp tay đôi thì khó đá ngang ngửa với đối phương.

U19 Việt Nam tập dể khắc phục các nhược điểm, ảnh: Vũ Dương
U19 Việt Nam tập dể khắc phục các nhược điểm, ảnh: Vũ Dương

Cảm giác như các cầu thủ, nhất là các cầu thủ xuất thân từ học viện HAGL-Arsenal.JMG vẫn hơi… rụt rè trong các pha tranh chấp 5-5, chủ yếu là do thói quen chơi bóng vị nghệ thuật của các em ngay từ khi học đá bóng cho đến nay. Đây là điều cần thay đổi, bởi bóng đá là môn thể thao đòi hỏi va chạm, không thể va chạm tay đôi với đối phương thì rất dễ để lộ ra những khoảng trống sau đó.

Dĩ nhiên, giỏi va chạm không có nghĩa là đá xấu, đồng thời cũng cần phân biệt giữa đá rát với đá láo. Muốn hạn chế phạm vi hoạt động của các đối thủ thì việc đầu tiên phải tranh chấp tốt, làm giảm không gian và thời gian xử lý bóng của họ.

Vấn đề khác thuộc về thể hình và thể lực. Chính HLV Graechen Guillaume sau trận đã tỏ ra lo ngại về thể lực và sức bền của các học trò, dù chúng ta mới đá trận đấu rút gọn, khi mỗi hiệp chỉ gồm 30 phút.

Có vẻ như vấn thể lực khó được cải thiện trong ngày một ngày hai, dù thời gian qua các bữa ăn của đội đã được quan tâm hơn, với sự xuất hiện của chuyên gia từ Nutifood chuyên tư vấn về vấn đề dinh dưỡng.

Cái này thì phải xem lại khẩu phần ăn của đội trong từng bữa. Điều quan trọng ở đây không phải là mỗi bữa đội ăn bao nhiêu tiền, mà quan trọng là các cầu thủ nạp vào những gì và cách nạp ra sao để tăng thể lực?

Rèn bóng bổng

Theo trưởng đoàn U19 Việt Nam Dương Vũ Lâm, trong các buổi tập mới nhất, HLV Graechen Guillaume cho các học trò rèn khá kỹ các bài không chiến và chống bóng bổng.

Vì không chiến kém nên thời gian qua lối chơi của đội hơn đơn điệu, do chúng ta hầu như không thể ghi bàn trong những tình huống bóng bổng, nhất là các tình huống bóng bổng từ các pha bóng cố định.

Các tình huống cố định luôn là những tình huống rất quan trọng trong bóng đá hiện đại. Đôi khi ở những trận đấu giằng co, các đội sẽ hướng đến chuyện giải quyết bằng các pha bóng cố định. U19 Việt Nam lâu nay yếu về mặt này, nên thành ra chúng ta càng tự làm hẹp cơ hội thắng trận của chúng ta.

Ngoài chuyện tập cách giải quyết các tình huống bóng bổng, các tình huống cố định trong tấn công, HLV Graechen Guillaume mới đây còn cho các học trò rèn khả năng không chiến trong phòng ngự.

So với các đội bóng thuộc khu vực Đông Á như Nhật Bản, các cầu thủ Việt Nam bất lợi về mặt thể hình, xuất phát từ thể trạng chung của người Việt Nam. Dù vậy, trong đội không phải không có những trung vệ có chiều cao khá (khoảng 1m80), nên nếu tập kỹ, cho các cầu thủ làm quen với các tình huống không chiến, tin rằng họ sẽ chơi tốt hơn, đồng thời ít bị “ngợp” khi đối phương rót bóng bổng vào khu vực 16m50.

Sáng 14/6 tới đây, đội tuyển U19 Việt Nam sẽ có trận đấu tập thứ 2 của mình tại Nhật, khi đối đầu với U19 Cerezo Osaka. Hy vọng rằng chúng ta sẽ khắc phục được bớt các nhược điểm. Hy vọng rằng cứ sau mỗi trận đấu đội sẽ tiến bộ lên, và những sai lầm cũ không lặp lại.

Kim Điền