1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

U19 Việt Nam trở về với đúng giá trị thực?

(Dân trí) - Có thể U19 Việt Nam toàn thua ở giải giao hữu quốc tế, nhưng thất bại đấy có ý nghĩa còn hơn cả những chiến thắng. Nó giúp cho người trong cuộc nhận ra mình đang ở đâu và nói thật là may mà chúng ta thất bại, để thấy ta còn thiếu những gì…

Bóng đá chuyên nghiệp không thể xa rời thực tế

U19 Việt Nam, hay nói chính xác là lứa cầu thủ phần lớn xuất thân từ học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG, đề có kỹ thuật rất tốt. Họ có kỹ năng chơi bóng nhuần nhuyễn nhờ được tập luyện chung với nhau từ 6 – 7 năm nay.

Nhưng bóng đá chuyên nghiệp chắc chắn không có chuyện chỉ phát triển dựa vào kỹ thuật. Những cuộc đấu bóng đá ngoài chuyện so đọ về kỹ thuật còn là cuộc đối đầu về mặt chiến thuật, thậm chí là chiến lược đường dài đối với những người quản lý đội bóng.

Đây là điều mà rõ ràng chúng ta chưa sánh bằng U19 Nhật Bản, AS Roma hay Tottenham ở giải U19 NutiFood quốc tế. Cầu thủ U19 Việt Nam được trang bị hành trang kỹ thuật tốt, nhưng lối chơi nhìn chung chưa hiện đại (chí ít là chưa hiện đại như đẳng cấp hàng đầu châu lục mà chúng ta muốn vươn tới).

U19 Việt Nam được nhiều hơn mất sau những thất bại tại giải U19 quốc tế (ảnh: Nguyễn Đình)
U19 Việt Nam được nhiều hơn mất sau những thất bại tại giải U19 quốc tế (ảnh: Nguyễn Đình)



Có lẽ không nên bàn sâu về sự uyển chuyển trong lối chơi, khi mà U19 Việt Nam hầu như không biết đá vượt tuyến, quen phối hợp nhỏ, kể cả trong trường hợp cần tốc độ trong phản công. Cũng không bàn quá sâu về khả năng đọc trận đấu, điều chỉnh lối chơi của HLV Graechen Guillaume – một chuyên gia đào tạo trẻ (ở đây, cần phân biệt chuyên gia đào tạo trẻ khác xa so với HLV đỉnh cao, đào tạo trẻ giỏi không có nghĩa là huấn luyện giỏi và ngược lại). Chuyện này đã được nói đến nhiều rồi.

Ở đây, người viết muốn nói đến sự thiếu cân bằng của lứa cầu thủ U19 hiện nay. Sự thiếu cân bằng ấy nằm ngay ở những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất.

Như chuyện U19 Việt Nam hầu như không có dạng trung vệ giỏi… chuồi bóng, dù đây là điều bắt buộc trong bóng đá đỉnh cao. Đừng nghỉ rằng một trung vệ hay tắc bóng là một trung vệ thô bạo. Bóng đá thế giới từng có Maldini, Nesta hay Cannavaro thủ cực giỏi, chuồi bóng cực kỳ kỹ thuật, và cũng không ai nói rằng lối chơi của họ là lối chơi thô bạo, dù họ đá ở vị trí hậu vệ.

Bóng đá Việt Nam cũng từng có một Vũ Như Thành ở thời đỉnh cao cũng rất kỹ thuật khi đá trung vệ (ở đây, chúng tôi chỉ nói đến chuyên môn của Như Thành, không bàn đến lối sống ngoài sân cỏ của anh ta).

U19 Việt Nam cũng thiếu dạng cầu thủ có sực mạnh, giỏi thu hồi bóng. Đừng cho rằng một đội bóng đá đẹp là đội không cần cầu thủ dạng ấy. Đá đẹp nhất thế giới trong khoảng chục năm qua chắc chắn là Barcelona. Nhưng ngay đến Barcelona vĩ đại còn cần đến dạng cầu thủ giỏi “xúc”, “ủi” như Pique, Busquet, hay Mascherano, huống hồ là U19 Việt Nam.

Mất cân bằng ở những yếu tố tưởng như rất đơn giản vừa nêu, U19 Việt Nam sẽ khó trở thành một đội bóng chuyên nghiệp mạnh (dĩ nhiên, trừ trường hợp bầu Đức chỉ muốn trồng “cây kiểng”, thay vì đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp). Nó cũng giống như chuyện đội U19 đang mất cân bằng giữa sự phát triển kỹ thuật và chiến thuật vậy.

Học viện HAGL-Arsenal.JMG là mô hình đáng học tập, chứ không phải là mô hình duy nhất


Công bằng mà nói, thành công bước đầu của lứa U19 hiện nay đến từ ý tưởng táo bạo và sự kiên nhẫn hiếm thấy nơi bầu Đức, khi ông nuôi “gà nòi” suốt 6 – 7 năm trời. Học viện ấy và đội tuyển U19 Việt Nam hiện tại cần được vun đắp và được đầu tư.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tương lai của toàn bộ nền bóng đá chỉ phụ thuộc vào một học viện, hoặc chỉ phụ thuộc vào lưới U19 bây giờ, như cách mà nhiều người đang mượn dàn cầu thủ trẻ này để khỏa lắp hàng loạt yếu kém của bóng đá nội kéo dài suốt nhiều năm qua. Điều đấy nói cho cùng cũng không khác việc lo cho phần ngọn vốn đã nổi tiếng, thay vì lo cho phần gốc.

Tương lai của cả một nền bóng đá chắc chắn cũng không thể chỉ phụ thuộc vào một nhóm nhỏ các cầu thủ chưa đến 19 tuổi. Lứa cầu thủ ấy cần nhân rộng, chứ không phải là nhóm cầu thủ duy nhất đáng được đầu tư.

Một nền bóng đá chỉ mạnh khi chân đế của nền bóng đá ấy vững, khi khâu đào tạo tài năng trẻ mang tính đồng bộ, thay vì chỉ phụ thuộc vào tâm huyết và túi tiền của duy nhất một ông bầu, dù ông bầu ấy có hào phóng và có rủng rỉnh tiền bạc đến mức nào đi chăng nữa.

Không biết là khi đang say trong men phấn khích đến từ hiệu ứng do đội tuyển U19 Việt Nam mang lại, chẳng biết những người điều hành nền bóng đá nội có nhận ra điều này hay không?

Kim Điền