1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tuyển Việt Nam khó chọn thủ môn số 1: Nguyên nhân từ V-League

(Dân trí) - Trong số 4 thủ môn đang có mặt trên đội tuyển là Thanh Bình, Nguyên Mạnh, Tô Vĩnh Lợi và Bửu Ngọc, chưa biết người ta sẽ chính thức bắt chính tại AFF Cup 2014. Điểm chung của những người này là không ai đủ ổn định để được gửi trọn niềm tin.

Thiếu thủ thành ổn định

Về mặt số lượng, với 4 gương mặt hiện có mặt trên đội tuyển, đoàn quân của HLV Miura không thiếu thủ môn. Dù vậy, về mặt chất lượng và tính ổn định, không ai trong số 4 người này nổi trội hơn những người còn lại.

Thanh Bình có một mùa giải khá thất thường ở SHB Đà Nẵng. Nổi lên trong 1 – 2 năm trở lại đây, nhưng Thanh Bình vẫn chưa chính thức gia nhập danh sách những thủ môn ổn định nhất nước. Có nhiều thời điểm trong màu áo CLB, Thanh Bình còn khiến người hâm mộ SHB Đà Nẵng hú vía vì những tình huống xử lý thiếu an toàn của mình.

Tô Vĩnh Lợi cũng vậy. So về tuổi nghề, thủ thành này thuộc vào loại có thâm niên ở V-League. Thậm chí, Tô Vĩnh Lợi còn được phát hiện cách nay 7 năm, ở SEA Games 2007 trên đất Thái Lan.

Nhưng từ đó đến giờ, thủ môn gốc Bình Định vẫn chưa bao giờ khắc phục được nhược điểm thiếu chắc chắn trong các pha bắt bóng. Mùa giải vừa qua, Tô Vĩnh Lợi chơi khá trong màu áo Thanh Hóa, nhưng nói hay thì chưa thật hay.

Bửu Ngọc nhiều triển vọng, nhưng chưa đủ để chiếm vị trí số 1 trong đội tuyển
Bửu Ngọc nhiều triển vọng, nhưng chưa đủ để chiếm vị trí số 1 trong đội tuyển


Trong khi đó, Trần Bửu Ngọc và Trần Nguyên Mạnh mới nổi lên trong thời gian gần đây. Dù vậy, họ vẫn chỉ mới dừng lại ở mức triển vọng, chứ chưa vươn lên hàng sao giữa hàng ngũ những thủ thành của bóng đá nội.

Điểm mạnh của Bửu Ngọc là thể hình (cao 1m90), nhưng bản lĩnh thi đấu là vấn đề của thủ môn gốc Đồng Tháp. Điều này xuất phát từ chỗ Bửu Ngọc chưa tham dự nhiều giải đấu lớn. Riêng năm rồi, anh chỉ mới bắt ở giải hạng Nhất, chứ chưa được bắt ở V-League.

Đấy cũng là vấn đề chung của bóng đá Việt Nam hiện nay, khi chúng ta không còn những thủ thành thật sự xuất sắc và toàn diện, đủ sức là chỗ dựa cho các đồng đội ở phía trên, dạng Nguyễn Văn Cường, Trần Tiến Anh ngày trước, hay Dương Hồng Sơn (cầu thủ hay nhất của AFF Cup 2008) mới đây.

Đặc thù của V-League làm khó đội tuyển

Việc bóng đá Việt Nam không có thủ môn ổn định như ngày trước một phần xuất phát từ V-League mấy năm gần đây có khá nhiều CLB có tư tưởng “sính ngoại” trong khung thành.

ĐKVĐ V-League, đồng thời cũng là đội bóng mạnh nhất giải đấu hiện tại là B.Bình Dương xài thủ môn nhập tịch Esele. Trước đó, chính B.Bình Dương cũng xài một thủ môn gốc ngoại là Đinh Hoàng La (tức Mykola – gốc Ukraina). Điều đó cho thấy các CLB trong nước còn chưa hẳn đã đặt niềm tin nơi các thủ môn nội.

Thủ môn được đánh giá là hay nhất V-League 2 mùa giải vừa qua cũng không phải là thủ môn nội, mà đấy là anh chàng Akpan đang khoác áo HA Gia Lai. Trước Akpan, danh hiệu không chính thức này thuộc về Phan Văn Santos của ĐT Long An.

Tức là không ít các đội bóng mạnh nhất qua các thời kỳ của bóng đá Việt Nam thích sử dụng thủ môn ngoại hơn là thủ môn nội. Thủ môn nội thường thi đấu cho các đội bóng nhỏ hơn, nên cơ hội cọ xát ở các trận cầu lớn cũng ít đi, dẫn đến bản lĩnh thi đấu không tốt như các thế hệ đàn anh.

Ví như Nguyễn Văn Cường hồi còn là thủ môn số 1 của ĐTVN, Bình Định của Nguyễn Văn Cường khi ấy dù chưa hề VĐQG, nhưng vẫn là thế lực của bóng đá nội. Trong khi đó, Thể Công của Trần Tiến Anh hay Cảng Sài Gòn của Nguyễn Văn Phụng thì khỏi nói, đấy là những đội giàu thành tích nhất nước.

Sau này, Dương Hồng Sơn cũng vậy. Anh thi đấu cho Hà Nội T&T, đội bóng mạnh nhất Việt Nam khoảng 5 – 7 năm qua, nên số trận đấu lớn của Hồng Sơn trong một mùa giải cũng nhiều hơn các đồng nghiệp khác. Qua các trận cầu lớn, bản lĩnh tăng lên là điều bình thường.

Tiếp sau vị trí trung vệ, trung phong, có vẻ như câu chuyện thiếu thủ môn thực sự xuất sắc tiếp tục trở thành đề tài nóng với bóng đá nội, vì tâm lý “sính ngoại” của các CLB trong nước.

Kim Điền