Tuổi 19 của Văn Quyến và Công Phượng

(Dân trí) - Năm 19 tuổi, Văn Quyến đã rất nổi tiếng, đã khoác áo đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2002. Công Phượng ở tuổi 19 cũng đã là người nổi tiếng, nhưng phạm vi chuyên môn của Công Phượng ngay cả khi nổi tiếng cũng chỉ mới gói gọn ở các giải đấu trẻ.

Nói cho đúng thì xét theo giấy tờ, Văn Quyến mới 18 tuổi khi cùng đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2002. Ở tuổi 18, Văn Quyến đã rất nổi tiếng và được gọi ngay là niềm hy vọng sáng giá của bóng đá Việt Nam trong tương lai ở thời điểm ấy.

Với Công Phượng, cầu thủ của HA Gia Lai bây giờ cũng cực kỳ nổi tiếng ở tuổi 19, đôi mươi. Thậm chí, xét riêng về mặt nổi tiếng, Công Phượng nổi tiếng hơn bất cứ cầu thủ nào của bóng đá nội ở thời điểm hiện tại, cũng có thể nổi hơn cả Văn Quyến khi Quyến ở cùng độ tuổi với Phượng.

Tuy nhiên, Công Phượng nổi tiếng theo một cách khác, có sự góp sức lớn từ công nghệ PR cực kỳ hiệu quả mà HA Gia Lai đã vun đắp nên tên tuổi của cầu thủ này. Cũng không thể dựa vào sự nổi tiếng để bảo Công Phượng có chuyên môn tốt hơn Văn Quyến ở cùng thời điểm.

Năm 19 tuổi, Văn Quyến đã là trụ cột của đội tuyển Olympic Việt Nam dự SEA Games 2003
Năm 19 tuổi, Văn Quyến đã là trụ cột của đội tuyển Olympic Việt Nam dự SEA Games 2003


Kỳ thực là những giá trị chuyên môn của Công Phượng chỉ mới được gói gọn trong các giải đấu trẻ thuộc lứa U19. Đến khi lên V-League, Công Phượng vẫn khá tầm thường. Đến năm 20 tuổi, Công Phượng mới được gọi vào đội tuyển Olympic Việt Nam, một độ tuổi cũng không thể gọi là sớm đối với đời cầu thủ nhà nghề.

Riêng Văn Quyến hồi 18 – 19 tuổi đã ghi bàn cho đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2002, rồi sau đó tiếp tục ghi bàn vào lưới đội tuyển Hàn Quốc ở vòng loại World Cup khu vực châu Á.

Năm 2003, khi mới 19 tuổi, Văn Quyến đã là thần tượng của bóng đá nội, là ngôi sao sáng nhất của đội tuyển U23 Việt Nam (tức đội tuyển Olympic) vào đến chung kết SEA Games năm đấy ở Hà Nội.

Ở tuổi đôi mươi, Công Phượng (10) vẫn chưa là gì ở đội tuyển Olympic
Ở tuổi đôi mươi, Công Phượng (10) vẫn chưa là gì ở đội tuyển Olympic


Quyến hồi 19 tuổi đã là trụ cột ở mọi đội bóng mà anh khoác áo, từ cấp độ CLB cho đến cấp độ đội tuyển, trong khi Công Phượng mãi đến năm 20 vẫn chưa là gì ở cấp độ đội tuyển Olympic. Thậm chí người ta còn lo Phượng không kiếm nổi suất đá chính ở đội bóng do HLV Miura dẫn dắt.

Công Phượng rất may mắn khi toàn bộ hành trình của anh từ lúc tập tễnh học đá bóng cho đến giờ đều được bầu Đức và bộ máy phía dưới ông bầu này nâng đỡ, từ việc Phượng đá bóng với ai, làm học trò của ai, cho đến khoác áo đội tuyển nào.

Nhưng đấy cũng có thể là điều làm hại sự phát triển bình thường của Công Phượng. So với nhiều đồng nghiệp khác, khó nói Công Phượng đang phát triển về mặt chuyên môn.

Nếu như Văn Quyến khi còn là cầu thủ trẻ lên tuyển có Huỳnh Đức dẫn dắt ở hàng tấn công, được HLV Calisto lựa chọn thời điểm để sử dụng, thì Công Phượng được đôn thẳng lên V-League với kỳ vọng ngay lập tức trở thành ngôi sao của giải đấu này.

Công Phượng cũng thiếu đàn anh vững vàng về mặt chuyên môn dẫn dắt xung quanh mình. Bên cạnh Công Phượng từ lúc đá các giải trẻ đến nay cũng không có HLV giỏi để biết sử dụng anh như thế nào là vừa mức.

Thành ra, Công Phượng đá các giải trẻ thì rất sáng, vì ở các giải trẻ yếu tố chiến thuật chưa được đặt nặng, nhưng lên bóng đá đỉnh cao thì Phượng mờ tịt, bởi nhiều người thấy Công Phượng hiện thiếu quá nhiều yếu tố của một cầu thủ đỉnh cao đúng nghĩa.

Công Phượng chỉ có điểm hơn Văn Quyến là Phượng được học hành tử tế, được sống trong môi trường ít phức tạp hơn. Nhưng chuyện học hành tử tế hoặc việc sống trong môi trường ít phức tạp chỉ có thể giúp Công Phượng ý thức được thế nào là sa ngã và tránh những sa ngã như Văn Quyến đã dính vào.

Còn về mặt chuyên môn, không có gì đảm bảo rằng những cậu con ngoan, trò giỏi, sẽ phát triển thành những cầu thủ lớn. Người ta mong là Công Phượng sẽ được phát triển đúng cách, được cọ xát với nhiều trường phái khác nhau, bên cạnh những đồng độ và những người thầy khác nhau, thay vì chỉ đóng khung và được nuôi theo kiểu “gà công nghiệp” suốt 7 – 8 năm qua.

Kim Điền