Từ “đội trưởng Tsubasa” đến Nguyễn Thị Ánh Viên

(Dân trí) - Ở thập niên 1980, người Nhật có tác phẩm nổi tiếng “Đội trưởng Tsubasa” được viết bởi nhà văn Takahashi. Bộ truyện tranh mà qua đó, trẻ em Nhật mê mẩn rồi theo đuổi quả bóng tròn. Bây giờ, hiệu ứng của Ánh Viên trong môn bơi không khác tính chất của Tsubasa năm nào.

Tsubasa là nhân vật ảo, một tác phẩm hoàn toàn hư cấu của nhà văn Takahashi, khi ông viết bộ truyện tranh “Đội trưởng Tsubasa” (hay còn được gọi ngắn gọn là “Tsubasa”) lần đầu vào năm 1981.

Đấy là thời điểm người Nhật chưa mê bóng đá. Thời đó, bóng chày mới là môn thể thao số 1 đối với dân Nhật. Hồi đấy, sau tấm HCĐ đầy bất ngờ trong môn bóng đá nam tại Olympic Mexico 1968, người Nhật mới bắt đầu quan tâm hơn đến môn chơi này, và đòi hỏi cấp thiết lúc đấy của người Nhật là phải tìm một thần tượng để thông qua đó, tạo hiệu ứng cho lớp trẻ đến với bóng đá.

“Đội trưởng Tsubasa” ra đời trong bối cảnh ấy. Truyện viết về một cậu bé mê bóng đá, từ ghế nhà trường, cho đến khi quyết chí đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Cùng thế hệ với cậu là hàng loạt tài năng triển vọng khác có giấc mơ tương tự, sau đó đều thành công và thành danh theo nhiều cách khác nhau, cũng xung quanh nghề cầu thủ.

Tsubasa từng tạo nên hiệu ứng cực lớn, thu hút giới trẻ Nhật đến với bóng đá
Tsubasa từng tạo nên hiệu ứng cực lớn, thu hút giới trẻ Nhật đến với bóng đá

Thời đấy, trẻ em Nhật Bản mê mẩn với “Đội trưởng Tsubasa”, còn các bậc phụ huynh thì bắt đầu gửi con em mình vào các học viện bóng đá, với mong muốn chúng trưởng thành và biết chơi bóng như nhân vật ảo Tsubasa trong truyện.

Hơn 30 năm sau ngày bộ tranh truyện “Đội trưởng Tsubasa” phát hành lần đầu, bóng đá đã trở thành một thể thao số 1 tại Nhật. Dĩ nhiên, để bóng đá đi đến vị thế số 1 ở Nhật và ở châu Á ngày nay, người Nhật đã làm rất nhiều thứ, nhưng một trong những hạt giống ban đầu, gieo vào niềm đam mê quả bóng đá tròn cho các gia đình Nhật Bản chính là “Đội trưởng Tsubasa”.

Hơn 30 năm sau khi “Đội trưởng Tsubasa” xuất hiện, những gì mà người ta gọi là “hiện tượng Ánh Viên” trong mấy ngày gần đây ở Việt Nam cũng có tính chất tương tự. Thậm chí, Ánh Viên còn hơn Tsubasa ở chỗ cô là người thật việc thật, sống động hơn hẳn một nhân vật hư cấu là Tsubasa.

Trước khi Ánh Viên xuất hiện, chưa có VĐV nào ở môn bơi được săn đón kỹ đến mức này (ảnh: Trọng Vũ)
Trước khi Ánh Viên xuất hiện, chưa có VĐV nào ở môn bơi được săn đón kỹ đến mức này (ảnh: Trọng Vũ)

Ánh Viên xuất hiện và tỏa sáng trong bối cảnh mà nhiều người Việt Nam không coi môn bơi là môn đáng theo dõi đối với họ. Thế rồi chỉ sau 1 chiến dịch SEA Games của Ánh Viên, nhiều bạn trẻ và nhiều gia đình đã thay đổi cách nhìn về môn này.

Trẻ em bây giờ nhiều em chỉ mong đơn giản ngày nào đó được bơi nhanh như chị Ánh Viên, còn giới trẻ nói chung giờ xem nàng “tiểu tiên cá” này là thần tượng, là hình mẫu về động lực phấn đấu trong cuộc sống, là tấm gương trong việc vượt qua khó khăn vươn đến thành công.

Ánh Viên (giữa) hiện là thần tượng của giới trẻ Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)
Ánh Viên (giữa) hiện là thần tượng của giới trẻ Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)

Bước đầu, hiệu ứng Ánh Viên đang gieo niềm đam mê cho trẻ em Việt Nam, cho giới trẻ Việt Nam về hình ảnh một cô gái Việt có khả năng làm dậy sóng đường đua xanh Đông Nam Á, giúp cho giới trẻ mơ làm được điều tương tự như Ánh Viên.

Đấy là tiền đề cực tốt để môn bơi nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung thu hút thêm nhiều sự chú ý, thu hút thêm nhiều nguồn lực và thu hút thêm nhiều người đến với môn bơi và đến với thể thao hơn nữa.

Dĩ nhiên, để tạo ra một Ánh Viên mới, hay tạo ra những thế hệ VĐV tài năng tiếp sau Ánh Viên là việc còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi thời gian, công sức, chất xám và sự đầu tư lâu dài. Nhưng bước đầu, Ánh Viên đã giúp cho ngành thể thao nước nhà giải được bài toán quan trọng đầu tiên đó là gieo niềm đam mê. Có đam mê và có yêu thích thì người chơi mới dễ chấp nhận dấn thân.

Cũng giống như “Đội trưởng Tsubasa” ở Nhật hơn 30 năm trước, Nguyễn Thị Ánh Viên bây giờ đang làm thay đổi cái nhìn của đại bộ phận người dân về một môn thể thao vốn chưa được ưa chuộng ở một đất nước, thậm chí còn góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận người trẻ, về ý chí vươn lên trong cuộc sống!

Trọng Vũ