Trương Thế Toàn - con tốt trong "chợ người"
Trước khi tra tay vào còng, Trương Thế Toàn là tên tuổi số 1 trong giới trọng tài. Anh là người duy nhất tại VN đến nay được mời đích danh làm nhiệm vụ tại Olympic Athens 2004, gần như có mặt tại tất cả các giải đấu của AFC... nhưng, tất cả đã tan thành mây khói chỉ trong thoáng chốc.
Trương Thế Toàn bị bắt vì tội danh nhận hối lộ 15 triệu đồng trong trận đấu giữa Đông Á và Đà Nẵng ở mùa giải 2004, nhưng những người trong giới thì hiểu rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trong số các trọng tài Hà Nội, Trương Thế Toàn là một trong số ít người xác định nghề trọng tài là công việc để kiếm sống, nuôi gia đình.
Được nâng đỡ vào chiếc ghế Trưởng ban Trọng tài Hà Nội, Trương Thế Toàn khéo léo, được lòng nhiều người nhưng những người hiểu chuyện thì quả quyết Toàn chỉ là "bù nhìn". Mọi đường đi nước bước của Ban Trọng tài Hà Nội thực chất vẫn được giật dây bởi một đàn anh có "sỏi trong đầu", cũng là người đã dẫn dắt Trương Thế Toàn vào nghề trọng tài.
Lợi ích của các đội bóng thủ đô thường được nhắc đến với các liên minh không thể thiếu trong giới trọng tài: Nếu Hà Nội - Hải Phòng thì phải là Vũ Trọng Chiến, Hà Nội - Nghệ An có Nguyễn Đình Nghĩa, Hà Nội - Khánh Hoà có Lê Văn Tú, Hà Nội - TPHCM có Từ Minh Đăng..., tất cả đều đã bị khởi tố hoặc có tên trong "sổ đen".
Bên cạnh việc "làm nhiệm vụ" cho địa phương, việc các trọng tài "làm thêm" cho mình là điều không thể tránh khỏi trong một cỗ máy đã vào guồng, khó vùng vẫy thoát ra.
Buổi sáng ngày Giáng sinh an lành, phóng viên tìm đến nhà Trương Thế Toàn và thật bất ngờ tìm thấy một phần câu trả lời từ vợ anh - người phụ nữ nội trợ quen đứng sau bóng chồng, giờ phải cứng cỏi một mình nuôi dạy hai con.
Chị Yến nghẹn ngào: "Chồng tôi ít khi kể về nghề nghiệp. Anh chỉ nói: "Anh chỉ có cái nghề này để nuôi mẹ con em, lẽ nào lại dại dột để mất nó" nhưng tôi biết chồng tôi rất trăn trở vì nghề. Nói đúng, nghề này nó giống như cái chợ người. Chỉ là hợp đồng thời vụ, không ai quản lý, người ta thích mình thì nâng đỡ, không thích thì dập cho tả tơi. Không có ai bảo lãnh cho mình cả".
Chẳng trách, trong cái "chợ người" mà chị ví von, muốn sống, muốn tiến thân, chỉ thiếu bản lĩnh một chút thôi sẽ khó tránh khỏi "cuốn theo chiều gió", nhúng chàm, như Trương Thế Toàn và nhiều người khác.
Nỗi đau người ở lại
"Trước, tôi cứ nghĩ anh Toàn ở trong đó sẽ khó khăn hơn, nhưng bây giờ mới nhận ra rằng người ở lại còn khổ gấp vạn lần. Những ngày vừa trải qua thật quá khủng khiếp", trong ngôi nhà chật chội chỉ chừng 17-18m2, người phụ nữ bé nhỏ cố kìm cơn nức nở trải lòng.
"Lo cơm áo chỉ là một chuyện, vì trước đây anh Toàn nuôi cả nhà. Nhưng nỗi lo lớn hơn là hỏng mất đứa con. Từ khi anh Toàn đi, đứa con trai đang tuổi lớn trở nên khó bảo vô cùng.
Không có bố ở nhà, không ai bảo được nó, mà giờ cũng không thể lấy bố nó ra để đe nẹt, làm gương được nữa. Đến lớp học, nó thường bị bạn bè trêu chọc, về chỉ biết kể với mẹ, và bảo: "Mẹ ơi, không phải bố xấu như thế đâu mẹ nhỉ?".
"Tôi bây giờ chỉ biết cầu nguyện và hy vọng. Nhưng cũng chẳng biết hy vọng vào cái gì" - mắt nhìn xa xôi, chị Yến buồn rầu - "Thôi thì hy vọng anh ấy được trở về, để cùng tôi nuôi dạy con cái. Nghèo thì cũng đã nghèo rồi".
Không biết, trong trại giam T16, Trương Thế Toàn có nghe được những lời cầu nguyện của vợ anh? Không biết, nếu trước đây khi nhận những đồng tiền tội lỗi, biết có ngày làm khổ vợ con như hôm nay, Trương Thế Toàn có ngập ngừng?
Theo Ngọc Bích
Lao động