1. Dòng sự kiện:
  2. Vòng loại Asian Cup 2027

Trung Kiên - cầu thủ đắt giá nhất Việt Nam

Kỷ lục về khoản tiền chuyển nhượng 1 tỉ đồng của thủ môn Thế Anh (từ SLNA về Đông Á - Thép Pomina) và Trường Giang (từ Tiền Giang về Bình Dương) đã bị xô ngã khi tiền đạo Nguyễn Trung Kiên (Nam Định) được Thép - Cảng mua với giá 1,2 tỉ đồng.

Sôi động tại "thành Nam"

 

Chuẩn bị lực lượng cho một mùa bóng mới, trong hai tuần qua không ít Giám đốc điều hành và Giám đốc kỹ thuật của nhiều CLB chuyên nghiệp đã rong ruổi từ Bắc chí Nam để tuyển quân. Nhanh chân nhất trong việc này có lẽ là Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn  (TMN-CSG). Giám đốc điều hành Nguyễn Văn Hiệp và HLV trưởng Đặng Trần Chỉnh đã ngược xuôi khắp nơi.

 

Cùng lúc, đích thân chủ tịch CLB Nguyễn Thanh Tùng cũng điện đàm khắp cho bè bạn trong giới bóng đá. Kết quả TMN-CSG đã có được chữ ký của tiền đạo Trung Kiên (Nam Định) và 1 tỉ đồng từ TMN-CSG đã được chuyển vào tài khoản của Sở TDTT Nam Định.

 

Giải thích về việc ra đi của Trung Kiên, ông Đỗ Thanh Xuân (giám đốc Sở TDTT Nam Định) cho biết: "ở tuổi 27, Trung Kiên đã có nhiều đóng góp cho bóng đá thành Nam. Hợp đồng của anh với CLB đã kết thúc, anh ấy có quyền đề nghị gia hạn hoặc tìm bến đỗ mới để thử sức mình. CLB hoàn toàn tôn trọng. Không chỉ với Trung Kiên mà với những tài năng khác cũng sẽ được giải quyết nếu họ thật sự muốn ra đi".

 

Có thể nói, sau Sông Lam Nghệ An, mùa bóng này Nam Định trở thành "địa chỉ đỏ" cho các nhà cầm quân. Giám đốc Sở TDTT Nam Định tỏ ra đắc ý: "Hiện Nam Định đang khủng hoảng thừa cầu thủ nội nhờ làm tốt công tác đào tạo trẻ. Không kể những cái tên đã thành danh với Nam Định trong vài năm trở lại đây như Quang Huy, Ngọc Tú, Văn Biển, Thanh Tùng, Trung Kiên..., chúng tôi còn thừa cả một đội hình U21 vô địch giải toàn quốc hồi năm ngoái. Vấn đề là phí chuyển nhượng như thế nào cho hợp lý thôi".

 

Giá ảo?

 

Các CLB khác như Gạch Đồng Tâm, Hòa Phát, Khánh Hòa cũng lũ lượt tìm đến thành Nam. Nhưng chưa có thêm "phi vụ" nào thành công ngoài trường hợp Trung Kiên.

 

Cuộc chuyển nhượng trung vệ Duy Hoàng về Gạch Đồng Tâm- Long An (GĐTLA) còn chưa ngã ngũ về giá cả. Nam Định ra giá chuyển nhượng Duy Hoàng là 1,5 tỉ đồng (theo giám đốc điều hành Phạm Phú Hòa), GĐTLA cho rằng quá cao và trả giá 1,2 tỉ đồng. Nam Định không lắc mà cũng chẳng gật, chỉ hứa sẽ đàm phán tiếp tại TP.HCM.

 

Giải thích về việc định giá 1,5 tỉ đồng của Duy Hoàng, ông Đỗ Thanh Xuân cho biết: "Hoàng chỉ mới 24 tuổi, anh ấy có thể chơi được 7 - 10 năm nữa. Giá đó đâu phải là quá cao, nhất là với một tuyển thủ quốc gia đầy hứa hẹn như Duy Hoàng. Trung Kiên còn được chuyển nhượng tới 1,2 tỉ thì 1,5 tỉ đồng với Duy Hoàng đâu phải là cái giá quá cao".

 

Đã có không ít so sánh: mới là cầu thủ thường thường bậc trung như Duy Hoàng, Trung Kiên, giá chuyển nhượng đã vượt con số 1 tỉ. Vậy những "sao" như Công Vinh, Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em, Huy Hoàng... sẽ leo thang đến cỡ nào? Trong trò chơi chuyển nhượng này, Nam Định có vẻ đang chiếm ưu thế khi họ có quá nhiều cầu thủ... đá được và lại đang thừa lực lượng. Phải chăng vì không có ai đủ sức "xuất khẩu" cầu thủ nên người có lực được quyền hét giá "trên trời"?

 

Giám đốc Xuân lập luận: GĐTLA (hay bất kỳ CLB nào khác) có được Duy Hoàng thì sẽ sử dụng cầu thủ này dài lâu vì anh ta còn rất trẻ. Nhưng với dân làm bóng đá chuyên nghiệp thì lại cho rằng: không có đầu tư nào nhiều rủi ro như đầu tư cho bóng đá và đặc biệt là đầu tư cho cầu thủ. Chỉ một cú va chạm, số tiền bạc tỉ sẽ dễ dàng bay đi khi cầu thủ không thể thi đấu mà chỉ ngồi xem bóng đá (đó là chưa kể các chi phí khác đi kèm như lương, thuốc, chi phí chữa trị...

 

Qui luật của thị trường là "hàng càng hiếm càng đắt" nhưng bóng đá chuyên nghiệp ở VN còn phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng cung ứng. Khi bước chân vào bóng đá chuyên nghiệp, có quá nhiều CLB chỉ kịp lo đến thứ hạng (cũng có nghĩa là bảo vệ thương hiệu) nên chưa chú trọng đến đào tạo lực lượng.

 

Chính vì vậy, để bù những khoảng trống trong một đội hình họ buộc phải tìm kiếm đến ngoại binh. Việc săn tìm trong tình trạng "đói" lực lượng, không đủ thời gian đầu tư (cả kinh phí đầu tư đào tạo) để không ít rủi ro xảy ra cảnh dở khóc dở cười.

 

Hai năm trước, Ngân Hàng Đông Á (sau này đổi thành Đông Á - Thép Pomina) mua tiền vệ tấn công của tuyển Thái Lan là Chaiman với giá chuyển nhượng lên tới 65.000 USD. Nhưng chỉ ngay sau đó Chaiman liên tục chấn thương.

 

Mãi lúc đó, các nhà tuyển quân mới phát hiện các chấn thương của Chaiman đã có từ lâu nhưng vì "đói" cầu thủ nên Ngân Hàng Đông Á phớt lờ cuộc kiểm tra sức khỏe cần thiết trước lúc tiến hành ký hợp đồng.

 

Đương nhiên họ lãnh đủ: mất tiền chuyển nhượng bạc tỉ, phải trả lương hằng tháng (xấp xỉ trăm triệu) nhưng lại không thể sử dụng và vài tháng sau CLB này đành phải nói lời chia tay với "bệnh nhân" Chaiman.

 

Giải pháp của Hoàng Anh - Gia Lai

 

HAGL là CLB đầu tiên gây sốc trong bóng đá chuyên nghiệp VN về việc mua cầu thủ ngoại và nội. Bầu Đức từng tự hào khi đội hình vô địch của HA-GL trước đây có toàn tuyển thủ quốc gia của hai nước: VN, Thái Lan. Thế nhưng kể từ sau lúc V-League 2005 kết thúc HAGL lại không được chú ý vì những phi vụ săn lùng cầu thủ.

 

Theo bầu Đức: "Phải đến mùa bóng 2007 chúng tôi mới trở lại với tham vọng đoạt chức vô địch V-League. Giờ đây là lúc chúng tôi tập trung tối đa cho việc đào tạo tài năng trẻ để bổ sung đội hình chính. Tháng 10 tới, đội trẻ sẽ sang tập huấn hai tháng ở Thái Lan để rèn quân bằng những trận đấu liên tục với các CLB khác nhau của Thái Lan.

 

Chỉ có cọ xát qua thi đấu mới giúp cầu thủ trưởng thành. Tôi không chủ trương mời gọi, thuê cầu thủ nội giá bạc tỉ nữa mà dồn tiền ấy chăm lo bóng đá trẻ để tìm đầu ra. Đúng là cầu thủ nội đang khan hiếm, nhưng giá chuyển nhượng cao ngút trời thì quả là phải đắn đo thôi".

 

Trong khi đó lãnh đạo CLB Bình Dương (cũng là một CLB từng nổi đình nổi đám với việc chuyển nhượng cầu thủ) cho biết rất cần bổ sung nhiều vị trí xung yếu cho đội hình chính. Nhưng bỏ ra bạc tỉ để có được những cầu thủ cần thiết thì phải cân nhắc rất nhiều.

 

Giá trị ảo của việc chuyển nhượng đã làm chùn tay các nhà lãnh đạo vì theo họ tiền không thể "ném qua cửa sổ", bởi sẽ giải trình thế nào với các cổ đông một khi tốn phí chuyển nhượng cao nhưng giá trị sử dụng thì không như mong muốn.

 

Theo Tuổi trẻ