1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Trọng tài đúng hay sai trong hai lần từ chối phạt đền của CLB TPHCM?

H.Long

(Dân trí) - Trọng tài Trần Văn Trọng đã tạo ra những quyết định tranh cãi khi hai lần từ chối cho CLB TP.HCM hưởng phạt đền. Liệu những quyết định ấy đúng hay sai?

Trọng tài Trần Văn Trọng chính là tâm điểm ở trận đấu giữa CLB Hà Nội và CLB TPHCM ở vòng 11 LS V-League vào hôm qua, khi đưa ra những quyết định tranh cãi. Ông đã 2 lần từ chối cho CLB TPHCM hưởng phạt đền và 1 lần làm điều tương tự với CLB Hà Nội.

Trọng tài đúng hay sai trong hai lần từ chối phạt đền của CLB TPHCM? - 1

Hai tình huống Thành Chung để bóng chạm tay trong vòng cấm

Trong đó, dư luận sau trận đấu xoáy nhiều vào 2 tình huống CLB TPHCM bị từ chối phạt đền khi bóng chạm tay vào của Thành Chung. Phút 18, tiền đạo Công Phượng đã có cú sút chạm tay Thành Chung trong vòng cấm. Tới phút 45, một lần nữa bóng chạm tay Thành Chung trong vòng cấm trong tình huống tấn công được phát động bởi Sầm Ngọc Đức.

Sau khi trọng tài Trần Văn Trọng từ chối cả hai quả phạt đền này, ông đã hứng chịu sự chỉ trích gay gắt từ các cầu thủ cũng như HLV trưởng đội TPHCM. Họ cho rằng ông đã có “tiếng còi méo” nhằm bênh vực CLB Hà Nội.

Câu hỏi đặt ra là liệu những quyết định của trọng tài là đúng hay sai?

Luật 12 của Ủy ban bóng đá quốc tế (mới được bổ sung vào năm 2019) quy định rõ ràng rằng, một cầu thủ không bị xem là phạm lỗi chạm tay trong vòng cấm nếu:

- Bóng bật ra từ đầu, cơ thể, chân của cầu thủ đó.

- Bóng bật ra từ đầu, cơ thể, chân của một cầu thủ khác đang ở gần.

- Nếu tay ở gần cơ thể và không làm cho cơ thể lớn lên bất thường.

- Khi cầu thủ ngã và tay nằm giữa cơ thể và mặt đất để nâng đỡ cơ thể, nhưng không kéo dài ra khỏi cơ thể theo chiều ngang hoặc chiều dọc.

Theo giải thích của của Ủy ban bóng đá quốc tế:

- Một cầu thủ phải bị phạt vì chơi bóng bằng tay, nếu họ có được quyền kiểm soát bóng sau khi bóng chạm tay, và có được lợi thế để ghi bàn hoặc tạo được một cơ hội ghi bàn.

- Sẽ là điều tự nhiên khi cầu thủ đạt cánh tay giữa cơ thể và mặt đất khi ngã, nhưng nếu tư thế ấy của cánh tay làm cho cơ thể rộng hơn, dài hơn (tay vươn dài quá vai), thì cầu thủ phải chấp nhận một sự rủi ro nếu tay chạm bóng.

- Nếu bóng bật khỏi cơ thể cầu thủ vừa định khống chế bóng (hoặc từ một cầu thủ khác ở gần), thường thì tay của cầu thủ không thể kịp tránh tiếp xúc với bóng. Do đó, không bị tính lỗi.

Như vậy, căn cứ vào luật của Ủy ban bóng đá quốc tế, ở tình huống đầu tiên, trọng tài không thổi phạt đền CLB Hà Nội trong tình huống đầu tiên là chuẩn xác. Sau cú sút của Công Phượng, bóng chạm phần chân của Thành Chung và bật lên tay của cầu thủ này khi đang khép sát người.

Tình huống này tương tự như khi đội U23 Việt Nam bị từ chối phạt đền trong trận đấu với U23 CHDCND Triều Tiên ở giải U23 châu Á 2020. Từ quả tạt bóng của Tấn Tài, bóng đập mạn sườn của cầu thủ đối phương, trước khi bật lên tay. Sau đó trọng tài chính và cả trọng tài phòng VAR đều đồng tình với việc không thổi phạt đền U23 CHDCHC Triều Tiên.

Trọng tài đúng hay sai trong hai lần từ chối phạt đền của CLB TPHCM? - 2

Tình huống chạm tay đầu tiên của Thành Chung khá giống với tình huống cầu thủ U23 CHDCND Triều Tiên để bóng chạm tay trong trận gặp Việt Nam. Bóng đã chạm một phần cơ thể, trước khi chạm tay

Sự tranh cãi tới nhiều hơn ở tình huống thứ 2. Trong tình huống này, Sầm Ngọc Đức sút bóng đập chân Quang Hải và chạm tay của Thành Chung (đang dang tay rộng theo đà di chuyển). Rõ ràng, Thành Chung ở thế bị động trong tình huống này bởi bóng đã đập vào chân của Quang Hải ở khoảng cách rất cần. Hơn nữa, Thành Chung không cố tình dùng tay chơi bóng bởi thời điểm ấy, anh đưa chân trái ra cản bóng, còn tay để giữ cân bằng.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, cánh tay của Thành Chung đã mở rộng (tay vươn dài quá vai) nên nhiều trọng tài có thể có cách xử lý khác nhau. Đây là điểm tạo nên sự tranh cãi trong luật.

Nguyên giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn, giảng viên trọng tài FIFA đã nhận xét về tình huống chạm tay thứ 2 của Thành Chung: “Ở tình huống này, Thành Chung không chơi bóng, bóng từ người khác bật vào tay Chung khi tay Chung đã mở rộng thì dù ở bóng được sút từ cự ly gần hay xa, cũng coi là đã chạm tay trong vòng cấm và phải thổi phạt đền.

Trọng tài Trọng ở pha bóng này không thổi phạt đền là không có quyết định chuẩn. Vì thế, tôi nói, trọng tài Trọng có cả quyết định đúng và cả quyết định sai. Nếu tôi là trọng tài ở trận này, tôi sẽ cho đội TP.HCM hưởng phạt đền ở tình huống thứ 2”.

Trọng tài đúng hay sai trong hai lần từ chối phạt đền của CLB TPHCM? - 3

Ở tình huống thứ 2, Thành Chung không hề cố ý. Bóng chạm tay của cầu thủ này khi đập vào chân của Quang Hải đang ở khoảng cách gần. Tranh cãi xuất hiện khi tay của Thành Chung mở rộng (tay dài quá vai). Các trọng tài khác nhau sẽ xử lý khác nhau trong tình huống này

Nói vậy để thấy đây là tình huống 50-50 và nhiều trọng tài sẽ có xử lý khác nhau trong tình huống như vậy.

Việc bị từ chối 2 quả phạt đền khiến cho CLB TPHCM chịu bức xúc tâm lý. Trong hiệp 2, họ đã không còn là chính mình và để thua liên tiếp 3 bàn. Với 3 điểm có được, CLB Hà Nội đã vươn lên xếp thứ 4, còn TPHCM vẫn đứng ở vị trí thứ 5.

Trọng tài đúng hay sai trong hai lần từ chối phạt đền của CLB TPHCM? - 4