Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm:

“Trọng tài đủ sức vượt qua sức nóng những vòng đua cuối”

(Dân trí) - Trước những vòng đấu cuối, chuyện của các trọng tài luôn nóng. Xung quanh vấn đề này, Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm khẳng định ông và các đồng sự sẽ làm tất cả những gì có thể để tạo ra sự công bằng và sự yên tâm nơi các đội bóng…

Vòng đấu mới nhất, người ta thấy cảnh các trọng tài V-League về thổi ở giải hạng Nhất, trong đó có cả “còi vàng 2011” Võ Quang Vinh. Đây có phải là cách làm mới của Ban trọng tài?

 

Trưởng Ban trọng tài Dương Vũ Lâm: Thật ra chúng tôi đã tiến hành điều những trọng tài tốt, vững tay nghề ở V-League về bắt các trận nóng ở giải hạng Nhất từ vòng 21. Chủ yếu là điều trọng tài tốt cho các trận đấu có liên quan đến các đội CLB TPHCM, Tây Ninh, TDC Bình Dương – nhóm có nguy cơ rớt hạng.
 
Trọng tài luôn là điểm nóng ở những vòng đấu chung kết (Ảnh: Minh Phương)
Trọng tài luôn là điểm nóng ở những vòng đấu "chung kết" (Ảnh: Minh Phương)

 

Các trọng tài giàu kinh nghiệm sẽ đầy đủ bản lĩnh để giải quyết các tình huống gây tranh cãi, đủ kinh nghiệm đối phó với những chiêu, trò của các cầu thủ, các đội bóng. Sự xuất hiện của họ cũng sẽ khiến các đội yên tâm hơn xung quanh các tình huống xử phạt, tránh những tranh cãi.

 

Nhưng làm như thế có thể ảnh hưởng đến thu nhập của những trọng tài giỏi, bởi giải chế độ ở giải hạng Nhất thấp hơn so với chế độ ở V-League?

 

Cái này chúng tôi cũng đã tính đến. Sẽ có sự luân phiên về bắt hạng Nhất của các trọng tài đang làm nhiệm vụ ở V-League, chứ không phải chỉ có một số trọng tài nhất định bị điều về. Còn về thu nhập cũng không ảnh hưởng.

 

Thế này nhé, thay vì làm trọng tài bàn ở trận đấu thuộc V-League, trọng tài ấy sẽ về bắt chính ở một trận đấu thuộc giải hạng Nhất cũng ngay trong tuần đó. Chế độ cho một trọng tài bàn ở V-League là 5 triệu đồng/trận, chế độ cho một trọng tài chính ở giải hạng Nhất cũng là 5 triệu đồng/trận, như vậy là không ảnh hưởng về mặt thu nhập.

 

Cũng nhân nói về thu nhập của các trọng tài, các thuộc cấp của ông đã hài lòng với chế độ mà họ đã được nhận ở mùa này chưa?

 

Tôi tính trung bình, mỗi tháng, mỗi một trọng tài thuộc V-League kiếm khoảng hơn 25 – 26 triệu đồng, cho 2 trận ngồi bàn (5 triệu đồng/trận) và 2 trận bắt chính (8 triệu đồng/trận). Đấy là mức thu nhập không tồi. Cỡ các trọng tài cứng như Võ Minh Trí, Phùng Đình Dũng, Võ Quang Vinh, Vũ Bảo Linh… có thể thu được hiều hơn vì điều khiển nhiều trận hơn.

 

Riêng trọng tài Trí vì là một trong những trọng tài hàng đầu của châu Á nên còn có thêm những khoản thu khác từ việc bắt các trận đấu quốc tế thuộc AFC Champions League, AFC Cup, vòng loại Asian Cup hay vòng loại World Cup.

 

Thường thì trong những vòng đấu cuối cùng, các trọng tài đôi khi trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đội bóng. Thậm chí, một số đội khi nghe tin trọng tài này, trọng tài nọ thổi trận đấu của mình là họ sợ mất vía. Nhưng mùa này thì hiện tượng trên đang giảm?

 

Chúng ta còn đến 4 vòng đấu nữa, nên tôi chưa dám lạc quan ngay ở thời điểm này. Nhưng chuyện như anh nói là câu chuyện đã từng xảy ra. Sở dĩ như vậy là có tình trạng dây này dây kia trong giới trọng tài. Rồi khi đội bóng nghe thấy trọng tài thuộc dây khác thổi, họ mất hồn là phải. Tôi thì không có dây. Tôi chỉ muốn sự công bằng cho các trọng tài và cho các đội bóng. Những trọng tài có năng lực tốt sẽ bắt nhiều trận và được tin tưởng nhiều hơn.

 

Rồi chúng ta cũng nhìn vào bối cảnh chung của bóng đá Việt Nam hiện nay. Các nhiều ông bầu bây giờ không còn rủng rỉnh tiền bạc, thậm chí chán bóng đá. Nên đôi khi họ cũng chẳng còn mấy bận tâm đến chuyện lên – xuống hạng của đội bóng của mình vì còn nhiều việc quan trọng hơn để họ phải lo. Từ đó, các đội bóng ít tiếp xúc với trọng tài hơn.

 

Các thiết bị hỗ trợ cho trọng tài đã có, ông đánh giá thế nào về những thiết bị này?

 

Tôi thích các thiết bị hỗ trợ tai nghe cho các trọng tài. Thiết bị này nghe rõ lắm, giúp các trọng tài thông tin cho nhau nhanh hơn, từ đó có các quyết định dứt khoát và chính xác hơn trên sân cỏ. Khoản đầu tư cho bộ tai nghe không hề rẻ, nhưng đó là khoản tiền đáng để chi.

 

Còn những thay đổi khác trong Ban trọng tài là gì, thưa ông?

 

Công tác phân công trọng tài cũng có thay đổi, nó không phụ thuộc vào một – hai người mà giờ các thành viên trong ban đều cho ý kiến, trước khi đi đến thống nhất. Cách chúng tôi mổ băng phân tích cái sai, cái đúng của trọng tài cũng khác trước. Để nói một trọng tài công bằng hay không thì không thể chỉ nhìn vào một vài tình huống, mà phải đánh giá xuyên suốt cả trận.

 

Ví dụ như trận đấu mà từ đó trọng tài Trần Công Trọng bị treo còi cuối mùa trước. Chỉ nhìn vào một số tình huống thì rất khó nói, nhưng xem hết cả trận thì tôi nói thẳng anh Trọng đã thổi ép người ta. Bây giờ chúng tôi không mổ băng theo kiểu cắt lớp nữa mà xem xét toàn bộ trận đấu. Cũng từ đó, giám sát trọng tài nào mà báo cáo qua loa, nói chung chung từng tình huống, khi có chuyện, chúng tôi cũng xử luôn!

 

Xin cảm ơn ông!

 

Trọng Vũ (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm