Trình độ các trọng tài V-League đang ở đâu?
(Dân trí) - VPF hàng năm vẫn mua sắm thiết bị hỗ trợ cho trọng tài. Rồi những đợt tập huấn đầu mùa và giữa mùa vẫn diễn ra đều đặn, nhưng trọng tài sai vẫn cứ sai, yếu vẫn cứ yếu.
Sau sự cố Hà Anh Chiến (người tưởng tượng ra quả phạt đền trong trận Thanh Hoá – SL Nghệ An), sai sót của giới trọng tài vẫn tiếp tục diễn ra. Sở dĩ người ra ít nói về các sai sót mới đây bởi lẽ nó diễn ra trong thời điểm VCK Euro 2016 lăn bóng, khi sức hút của V-League đang giảm, chứ bảo những sai sót đấy ở dạng không đáng nói thì không hẳn.
Chưa bàn tới việc trong các sai sót của giới trọng tài, có hay không có những tiếng còi “méo” xuất phát từ vấn đề tư tưởng, nội chuyện trọng tài liên tiếp sai về mặt nghiệp vụ (vị trí không tốt, khâu phối hợp giữa các trợ lý và trọng tài chính kém, hoặc trông gà hoá cuốc...) cũng đã là việc đáng chấn chỉnh.
Nhưng ngặt nỗi, sau biết bao lớp tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ, trọng tài V-League yếu vẫn hoàn yếu.
Có một chi tiết không thể không nhắc đến nằm ở chỗ tốc độ các trận đấu tại V-League rất chậm, tốc độ thuộc các trận đấu tại giải hạng Nhất còn chậm hơn, ấy thế mà trọng tài nội vẫn cứ sai từ V-League đến giải hạng dưới, vẫn cứ bị các đội bóng than trời vì phải “chết oan” từ các tiếng còi.
Sau sự cố Hà Anh Chiến trên sân Thanh Hoá tại vòng 9, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã nói lời xin lỗi về chuyện tồn tại một trọng tài có năng lực chuyên môn kém như thế ở V-League. Vậy thì phải hỏi tiếp khâu tuyển chọn đầu vào, và bồi dưỡng công tác trọng tài hổng ở chỗ nào mà các trọng tài chuyên môn chưa đạt vẫn tồn tại ở V-League?
Vấn đề của giới trọng tài là nhiều chỗ cần làm đúng quy tắc, đúng thông lệ quốc tế thì họ không làm. Ví như chuyện mới đây người ta lên tiếng về ghế Phó trưởng BTC giải của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, dù quốc tế khuyến cáo Ban trọng tài phải độc lập hoàn toàn với BTC giải.
Ngược lại, có những chuyện mà giới trọng tài quốc tế không hề cứng nhắc, như Trưởng Ban trọng tài UEFA Collina sẵn sàng nêu đích danh và chỉ rõ sai phạm của trọng tài Bjorn Kuipers (người Hà Lan) mắc sai lầm trong tình huống thủ thành Subasic (Croatia) đẩy quả phạt đền của Sergio Ramos (Tây Ban Nha), tại Euro 2016.
Tức là quốc tế cũng sẵn sàng công khai sai lầm của các trọng tài, chứ không phải nói theo giới trọng tài nội là luật quốc tế không cho phép công khai những sai sót ấy. Vì công khai sai phạm của trọng tài thì người làm sai mới biết sợ... sai, còn bên lãnh hậu quả vì sai phạm ấy mới giải toả được ức chế.
Cũng đừng đổ lỗi theo kiểu “trọng tài cũng là con người”, hoặc “trọng tài quốc tế cũng có lúc sai”... vì thấy rõ là ở VCK Euro 2016 vừa qua, giới trọng tài châu Âu điều hành giải đấu hầu như không mắc sai sót đáng kể, theo hướng có thể làm sai lệch kết quả trận đấu.
Vấn đề ở đây là nghiệp vụ, là năng lực của giới trọng tài, và là khâu phối hợp giữa người bắt chính với các trợ lý, để dẫn đến chuyện không sai sót như trọng tài ở Euro (cho dù các trận đấu tại Euro có tốc độ cực cao).
Thành ra, có lẽ cũng đã đến lúc nói thẳng rằng năng lực của trọng tài nội đang ở mức yếu mới liên tục để xảy ra sai sót từ đầu mùa đến giờ, cũng đã đến lúc nhìn thẳng vào khâu thẩm định chất lượng, khâu điều hành của giới trọng tài, dẫn đến tình trạng trọng tài nội yếu kém kéo dài.
Cũng đã đến lúc VFF siết chặt công tác quản lý trọng tài, đừng để tiền đầu tư đổ vào đấy trở nên lãng phí, cũng đừng để giới trọng tài tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với những người tham gia giải đấu.
Kim Điền