Triết lý bóng đá “ra sân phải chiến thắng” của HLV Park Hang Seo

(Dân trí) - Thuyền trưởng người Hàn Quốc luôn nhấn mạnh triết lý bóng đá của ông là “ra sân phải chiến thắng”, và để thực hiện được nhiệm vụ đó, đội tuyển Việt Nam đã trải qua những ngày tháng tập luyện vất vả, thi đấu với sự kỷ luật, bản lĩnh cao nhất.

Ngày mới sang Việt Nam làm việc, thầy Park để lại sự hoài nghi với người hâm mộ. Không ít người cho rằng bản hợp đồng vội vã giữa chiến lược gia 59 tuổi với VFF là phương án tình thế, sau hai thất bại liên tiếp của HLV Miura và Hữu Thắng.

Việc dư luận đặt dấu hỏi với HLV người Hàn Quốc là có cơ sở, bởi trước khi sang Việt Nam, lý lịch làm trợ lý cho “phù thuỷ” Guus Hiddink tại World Cup 2002 chỉ còn là quá khứ. Những năm tháng cầm quân ở K-League cũng như giải hạng hai Hàn Quốc của ông Park Hang Seo đều khá mờ nhạt.


HLV Park Hang Seo đã mang đến những chiến công rực rỡ cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018

HLV Park Hang Seo đã mang đến những chiến công rực rỡ cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018

Nhưng quyết định sang Việt Nam theo lời khuyên của… vợ, đã giúp HLV Park Hang Seo và cả bóng đá Việt Nam bước sang một trang mới. Từ VCK U23 châu Á, tới Asiad và giờ là AFF Cup 2018, tất cả đều thu được những kết quả ngoài sức tưởng tượng.

Và tất nhiên, những chiến công ấy không tự nhiên mà đến, khi tất cả đều có dấu ấn từ thầy Park – người mà chỉ 1 năm trước, báo chí vẫn thường trêu đùa là “ngài ngủ gật”.

Sự khác biệt đầu tiên mà HLV Park Hang Seo tạo ra so với những người tiền nhiệm là ông không ưu ái quân của bầu Đức hay bất cứ lò đào tạo nào, ngay cả khi Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức khi còn đương nhiệm chính là người đưa ra quyết định ký hợp đồng cũng như trả lương cho ông thầy người Hàn Quốc.

Chuyện “quân anh, quân tôi” vốn là muôn thuở của bóng đá Việt Nam đã được thầy Park giải quyết ngay khi ông mới chân ướt, chân ráo sang Việt Nam. Và cũng chính từ sự quyết đoán, không vì tình riêng ấy của thầy Park, mà đến bây giờ ở đội tuyển Việt Nam, bất cứ cầu thủ nào cũng có thể phải ngồi dự bị hay bị loại, từ đó tạo nên tính cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh ở đội tuyển.

Đó là dấu ấn cho sự khởi đầu, nhưng dặt nền móng cho sự đi lên, làm thay đổi hình hài đội tuyển sau này. Từ U23 đến đội tuyển Việt Nam, trước sau như một, chỉ có những cầu thủ nào đạt phong độ tốt nhất, phù hợp nhất với lối chơi, mới được ra sân. Rõ nhất là việc những cầu thủ nổi tiếng như Xuân Trường, Văn Quyết bị đẩy lên ngồi dự bị, là minh chứng cho điều đó.

Trong triết lý bóng đá “ra sân phải chiến thắng” của thầy Park bao hàm rất nhiều yếu tố quan trọng trong bóng đá, và có lẽ đến bây giờ, nhiều người vẫn phải thừa nhận ông thầy người Hàn Quốc vẫn chưa hết bài.

Cái cách nhà cầm quân 59 tuổi sử dụng các cầu thủ lứa U23 như Quang Hải, Tiến Dũng, Công Phượng, rồi gạt Đặng Văn Lâm ở Asiad “để dành” cho AFF Cup, đến những quyết định thay người, sử dụng đội hình khác nhau trong mỗi trận đấu… cho thấy rõ ông Park đã nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng cầu thủ Việt Nam.

Từ việc hiểu rõ học trò, nên ngay cả những cầu thủ đá trái sở trường bất đắc dĩ như Trọng Hoàng, Quang Hải, Phan Văn Đức…đều thích nghi nhanh và toả sáng không ngờ.

Có lẽ quá thừa để khen ngợi tài cầm quân của thầy Park. Ngay cả HLV lão làng như HLV Lê Thuỵ Hải cũng phải thốt lên: “Ông Park quá hay rồi, chẳng có gì để chê cả”, mới thấy chỉ trong vòng hơn 1 năm, chiến lược gia đến từ Hàn Quốc đã phải làm việc hết mình như nào để có được như ngày hôm nay.


Triết lý bóng đá ra sân phải chiến thắng của thầy Park đã thổi vào tinh thần thi đấu của cầu thủ Việt Nam

Triết lý bóng đá "ra sân phải chiến thắng" của thầy Park đã thổi vào tinh thần thi đấu của cầu thủ Việt Nam

Đó là những ngày tháng thầy Park đi khắp các sân cỏ V-League, hạng Nhất, cúp quốc gia để tuyển quân. Đó là những đêm thức trắng để tìm kiếm thông tin, nghiên cứu kế sách đối phó với đối thủ. Đó là hàng giờ đồng hồ ngồi trên máy bay không ngủ để xem băng ghi hình đối phương, trong những chuyến làm khách.

Và, còn rất nhiều, rất nhiều sự hy sinh thầm lặng của thầy Park không thể nói hết ở đây, bởi chỉ có các cầu thủ, các thành viên đội tuyển Việt Nam mới là người hiểu rõ nhất.

Chuyên môn được khẳng định, nhưng yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng cho đội tuyển Việt Nam, cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018 là khả năng truyền lửa của HLV Park Hang Seo. HLV kỳ cựu Lê Thuỵ Hải đã đánh giá rất cao ông Park ở việc biết cách giúp các học trò chơi với tinh thần cao nhất, từ đó vượt qua những giới hạn của bản thân.

Được thầy Park tiếp lửa từ phòng thay đồ, tới ngoài sân và cả trong cuộc sống, cầu thủ Việt Nam hiếm ai phải đi bộ ở những phút cuối trận như trước. Thầy chỉ bảo được trò, còn trò thì nghe thầy, tôn trọng thầy, và trên hết là một mối quan hệ thân thiết như một gia đình, sức mạnh của đội tuyển Việt Nam không đáng gờm mới là lạ.

Triết lý của HLV Park Hang Seo đơn giản chỉ là chiến thắng, nhưng phía sau nó là cả một chiến lược, có sự bao quát rất nhiều yếu tố làm nên sức mạnh cho một đội bóng. Thế mới thấy, làm HLV trưởng chẳng dễ dàng, sung sướng gì, bởi nếu không thành công, họ sẽ là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Xin được cảm ơn thầy Park đã đến Việt Nam, mang tới một triết lý đơn giản đến… tất yếu, nhưng lại chẳng dễ thực hiện. Và khi bóng đá đạt được những thành công, cái triết lý ấy, mới thực sự đáng quý, trở thành công thức áp dụng cho cả nền bóng đá chứ không riêng gì đội tuyển.

Huyền Trang