Sau chức vô địch AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam vươn xa ở sân chơi châu Á?

(Dân trí) - Sau khi đã lên ngôi đầu Đông Nam Á, bước đi tiếp theo của đội tuyển Việt Nam là tiến vào đấu trường châu Á, mà Asian Cup 2019 sắp khai diễn chính là sân chơi đoàn quân của HLV Park Hang Seo muốn thể hiện mình.

Bóng đá Việt Nam từng có thành công ở các giải châu Á trong năm 2018, đó là ngôi Á quân giải U23 châu Á hồi đầu năm và vé vào bán kết nội dung bóng đá nam Asiad hồi giữa năm. Tuy nhiên, đấy vẫn là ở cấp độ các đội tuyển, còn Asian Cup 2019 là giải đấu dành cho các đội tuyển quốc gia, bộ mặt của mọi nền bóng đá.

Sau thành công tại AFF Cup 2018, đội bóng của HLV Park Hang Seo chính là đội bóng Đông Nam Á được đánh giá cao nhất tại giải vô địch châu Á. Và đội tuyển Việt Nam cũng muốn thể hiện năng lực của mình tại giải đấu này.

Nền bóng đá số 1 khu vực trong nhiều năm qua là Thái Lan thậm chí còn đặt mục tiêu Asian Cup từ khá sớm, từ thời điểm HLV Milovan Rajevac nắm đội bóng đất Chùa Vàng.

Sau khi lên ngôi đầu Đông Nam Á, đích đến tiếp theo của bóng đá Việt Nam là sân chơi châu Á (ảnh: Quý Đoàn)
Sau khi lên ngôi đầu Đông Nam Á, đích đến tiếp theo của bóng đá Việt Nam là sân chơi châu Á (ảnh: Quý Đoàn)

Thái Lan không dám làm căng để triệu tập nhóm 4 cầu thủ hàng đầu của bóng đá đất Chùa Vàng gồm thủ môn Kawin, hậu vệ Theerathon Bunmathan, tiền vệ Chanathip Songkrasin, cùng tiền đạo Teerasil Dangda cũng là để chuẩn bị cho giải vô địch châu Á sắp diễn ra.

Thái Lan muốn vươn tầm châu lục từ lâu, muốn gia nhập nhóm đầu châu Á, từ đó nghĩ đến vé dự World Cup. Đấy cũng là giấc mơ của bóng đá Việt Nam, và sau khi chúng ta đã soán ngôi người Thái ở vị trí cao nhất của bóng đá Đông Nam Á, lẽ tất yếu mục tiêu kế tiếp của bóng đá Việt Nam là sân chơi châu lục.

Thực lực của đội tuyển Việt Nam hiện tại chắc chắn vẫn bị xếp vào nhóm đội yếu tại châu Á, nhưng nếu ngay cả mơ mà còn không dám mơ, thì chúng ta làm sao cải thiện đẳng cấp của chính mình, thông qua việc hiện thực hoá giấc mơ?

Hơn 20 năm trước, khi mới tái hội nhập với đấu trường khu vực, chúng ta vốn cũng chỉ mơ nằm trong nhóm các đội dẫn đầu. Sau khi đã hoàn thành giấc mơ này (thường xuyên vào bán kết các kỳ SEA Games và AFF Cup – tức là nằm trong nhóm đầu), chúng ta mơ tiếp ngôi số 1 Đông Nam Á, rồi chúng ta hoàn thành giấc mơ đấy.

Giờ là lúc mơ giấc mơ lớn hơn, làm nên chuyện tại đấu trường châu Á, như đã từng bước lên ngôi đầu Đông Nam Á.

Thế hệ cầu thủ mà bóng đá Việt Nam đã đào tạo ra được có những gương mặt gần tiệm cận với trình độ châu Á, như tiền vệ tổ chức Nguyễn Quang Hải, thủ môn Đặng Văn Lâm, hay tiền đạo Nguyễn Anh Đức (người thường xuyên ghi bàn ở đấu trường AFC Champions League danh giá).

Những con người đấy, cộng với sự hợp lý về lối chơi trong từng trận đấu, sẽ là tiền đề để đội tuyển Việt Nam nghĩ đến việc làm nên chuyện tại giải châu Á.

Nếu bóng đá Việt Nam thể hiện được mình tại Asian Cup, những người làm bóng đá trong nước, nhất là những người làm công tác đào tạo sẽ có thêm cái chuẩn nữa, để cho ra lò các sản phẩm có thể đá được ở trình độ châu Á.

Kim Điền

Sau chức vô địch AFF Cup 2018, đội tuyển Việt Nam vươn xa ở sân chơi châu Á? - 2

Dòng sự kiện: Asian Cup 2019