1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Tổng kết TTCN: Premier League vẫn là thiên đường mua sắm

(Dân trí) - Đúng với danh nghĩa giải đấu có tính cạnh tranh cao nhất thế giới, các CLB tại Premier League đã chấp nhận chi tiêu rất mạnh tay ở phiên “chợ hè” năm nay nhằm giành thứ hạng cao ở giải quốc nội cũng như đấu trường châu Âu.

Theo báo cáo của hãng kiểm toán danh tiếng Deloitte, tổng số tiền mà những đội bóng ở Premier League ném vào TTCN mùa hè 2012 là “vô đối” so với các giải VĐQG khác. Tính tổng cộng, 20 CLB ở giải đấu cao nhất xứ sương mù đã chi ra tới 490 triệu bảng cho việc “chiêu binh mãi mã” suốt 2 tháng qua.

Premier League tiếp tục là trung tâm mua sắm cầu thủ của châu Âu

Premier League tiếp tục là trung tâm mua sắm cầu thủ của châu Âu

Con số này đã tăng nhẹ 4 triệu bảng so với cùng kì năm ngoái. Đặc biệt là trong ngày chốt sổ của kì chuyển nhượng, các “đại gia” nước Anh đã “ném” đến 110 triệu bảng vào hoạt động mua cầu thủ mà nổi bật là các thương vụ Javi Garcia (18 triệu bảng) của Man City, Hugo Lloris và Dembele (đều 15 triệu bảng) của Tottenham.

Không chỉ các đội bóng lớn mà ngay cả những CLB tầm trung như Southampton, Sunderland hay QPR cũng tỏ ra rất mạnh tay khi “giờ G” của TTCN đã điểm. Tân binh Southampton thậm chí đã bỏ ra 11 triệu bảng để đưa ngôi sao đang lên người Uruguay Gaston Ramirez (Bologna) đến với nước Anh trong khi Sunderland cũng chi 25 triệu bảng cho chữ kí của bộ đôi Adam Johnson và Steven Fletcher.

Số tiền khổng lồ mà Premier League bỏ ra hè này đã tiệm cận với kỉ lục cách đây 4 năm là 500 triệu bảng. Năm 2008 là thời điểm mà MU lấy Dimitar Berbatov về từ Tottenham với giá 30.75 triệu bảng hay Man City vừa mới hóa thành “thiếu gia” đã dùng 32 triệu bảng để thuyết phục Real Madrid “nhả” Robinho.

Phân tích chi tiết của Deloitte cũng chỉ ra một thực tế rằng hàng loạt “ông lớn” của Premier League như Chelsea, Tottenham, Man City, MU và Arsenal đều đã bỏ ra hơn 30 triệu bảng nhằm tăng cường lực lượng. Tuy nhiên, chỉ có ba ứng viên hàng đầu cho chức vô địch MU, Man City và Chelsea là có số chi vượt trội số thu còn Tottenham và Arsenal đơn giản chỉ là mua để lấp đầy những vị trí đã ra đi (Spurs bán Luka Modric, Van der Vaart trong khi The Gunners mất Robin Van Persie và Alex Song).

Premier League tiếp tục là trung tâm mua sắm cầu thủ của châu Âu

La Liga trải qua một kì chuyển nhượng bình lặng khi Barca và Real tỏ ra khá im hơi lặng tiếng

Ở Tây Ban Nha, khi hai “gã độc tài” thống trị La Liga là Barcelona và Real Madrid không quá mặn mà với chuyện “đi chợ”, TTCN mùa hè nơi đây diễn ra khá trầm lắng. Jose Mourinho đưa về tân binh đắt giá Luka Modric (27 triệu bảng) và mượn thêm Michael Essien. Tuy nhiên, “kền kền trắng” cũng đã “thải loại” đi những “người thừa” như Granero, Lass Diarra, Altintop, Gago và Sahin.

Barcelona với truyền thống tận dụng nguồn cầu thủ chất lượng cao từ lò đào tạo La Masia cũng chỉ đưa về Nou Camp Jordi Alba và Alex Song. Ở chiều ngược lại, Keita và Afellay đã phải xách va li rời khỏi xứ Catalan. Như vậy, Tito Vilanova và các cộng sự đã hoàn thành kì chuyển nhượng chỉ với vẻn vẹn 26 triệu bảng (33 triệu euro).

Khi mà ngay cả Barca và Real Madrid cũng khá im hơi lặng tiếng thì thật khó có thể trông mong các CLB còn lại của La Liga bạo chi được. Thành công lớn nhất của Atletico Madrid chính là việc giữ chân chân sút chủ lực đang có phong độ săn bàn rất ấn tượng Radamel Falcao ở lại Vicente Calderon trong khi Valencia vốn chưa bao giờ có nhiều tiền để mà mua sắm bởi những khoản nợ chồng chất.

Một cái tên từng gây ra nhiều chú ý ở xứ bò tót năm ngoái là “thiếu gia” Malaga bây giờ đã trở nên điêu đứng bởi những khó khăn về tài chính. Malaga thậm chí đã phải bán đi hai ngôi sao quan trọng trong đội hình là Santi Cazorla và Salomon Rondon nhằm lấy tiền trả nợ.

Serie A trải qua một “phiên chợ” cực kì ảm đạm khi để mất đi các ngôi sao sáng giá của mình

Serie A trải qua một “phiên chợ” cực kì ảm đạm khi để mất đi các ngôi sao sáng giá của mình

Dù vậy, bức tranh chuyển nhượng của La Liga vẫn còn được xem là sáng sủa hơn rất nhiều nếu đặt cạnh bên Serie A. Chưa bao giờ người ta thấy Calciomercato (TTCN của Calcio) diễn ra ảm đạm như lúc này.

Không những không đem được thêm tên tuổi lớn nào đến xứ sở của tháp nghiêng Pizza, Serie A còn đứng trước nạn “chảy máu” nhân tài trầm trọng. AC Milan mất Zlatan Ibrahimovic và Thiago Silva còn Napoli để cho Lavezzi đến PSG.

Đến cả những cầu thủ mới nổi như Marco Verratti (Pescara), Matija Nastasic (Fiorentina) hay Gaston Ramirez (Bologna) cũng chẳng thể cưỡng lại lời chào mời từ nước ngoài. Juventus và Inter chính là hai đội bóng hiếm hoi ở Serie A trải qua một kì chuyển nhượng mùa hè được đánh giá là tương đối khả quan với khá nhiều sự bổ sung chất lượng.

Với Bianconeri, đó là Mauricio Isla, Kwadwo Asamoah và Sebastian Giovinco còn Nerazzurri là sự xuất hiện của Alvaro Pereira, Samir Handanovic, Antonio Cassano hay Rodrigo Palacio. Một điểm nhấn đặc biệt tại Calciomercato 2012 là việc 20 đội bóng đều lãi ròng. Dường như cuộc khủng hoảng nợ công ở Italia và lo ngại về Luật công bằng tài chính đang “hủy hoại” dần Serie A vốn từng là điểm đến mơ ước của hàng loạt danh thủ một thời.

Tại Bundesliga, Bayern Munich như thường lệ vẫn là “đại gia” lớn nhất trên TTCN và năm nay, The Bavarians cũng tạo nên một “bom tấn” với thương vụ đắt giá mang tên Javi Martinez (31.5 triệu bảng). Các nhà ĐKVĐ Dortmund dù mất đi Shinji Kagawa vào tay MU nhưng họ cũng đã dùng chính số tiền bán ngôi sao người Nhật Bản để đưa về tài năng trẻ sáng giá của nước Đức Marco Reus.

Hamburg cũng là một cái tên khác ở Bundesliga khá tích cực với hoạt động mua bán hè này và tân binh nổi tiếng nhất của họ là Van der Vaart. Trong khi đó, 15 CLB còn lại đều có mức chi ròng (chi trừ thu) không quá 5.5 triệu bảng (7 triệu euro). Khá khẩm nhất trong phần còn lại là Bayer Leverkusen với mức chi ròng 5.6 triệu euro hay Monchengladbach là 6.5 triệu euro.

Giải VĐQG còn lại trong Top 5 của châu Âu là Ligue 1 chứng kiến sự thống trị hoàn toàn của PSG trên TTCN. Riêng đội chủ sân Parc des Princes đã chi đến gần 150 triệu euro cho những ngôi sao Ezequiel Lavezzi, Thiago Silva, Lucas Moura, Verratti và Zlatan Ibrahimovic.

Dĩ nhiên, phần còn lại của nước Pháp chẳng thể có may mắn như PSG và họ phải thắt lưng buộc bụng. Lille, Marseille, Lyon đều lãi ròng 10 triệu euro từ các hoạt động chuyển nhượng khi để Eden Hazard hay Hugo Lloris ra đi. Những cái tên còn lại thì đều không thể có mức chi ròng vượt qua con số 5 triệu euro.

Nguyễn Huy