1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Tình yêu không chết của người hâm mộ với bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - Người hâm mộ Việt Nam nói chung và người hâm mộ TPHCM nói riêng không hề cạn tình với bóng đá nội, bằng chứng là sân Thống Nhất vẫn đầy ắp khán giả trong những trận cầu đáng xem. Vấn đề là những người làm bóng đá đang nuôi dưỡng tình yêu này thế nào?

“Sản phẩm” đáng xem vẫn có người xem

Sân Thống Nhất nổi tiếng là một trong hai sân bóng… vắng người xem nhất trong làng cầu đỉnh cao Việt Nam (sân bóng kia chắc chắn là sân Hàng Đẫy ở Hà Nội), nhưng chỉ trong 3 trận đấu của đội tuyển U19 Việt Nam mới đây, sân này luôn đầy ắp khán giả.

Điều đó chứng minh người hâm mộ không quay lưng lại với bóng đá nội, vấn đề là sản phẩm mà họ được cung cấp có đáng để họ theo dõi hay không.

Mà cũng không cần phải tìm đâu cho xa, cũng ngay ở sân Thống Nhất, hơn 1 năm trước, XM Xuân Thành Sài Gòn cũng từng thu hút khán giả còn đông hơn cả U19 Việt Nam.

Sân Thống Nhất đầy ắp khán giả khi U19 Việt Nam thi đấu
Sân Thống Nhất đầy ắp khán giả khi U19 Việt Nam thi đấu



Những ngày giữa năm 2012, sân Thống Nhất cũng không còn chỗ trống trong 2 trận đấu giữa XM Xuân Thành Sài Gòn với Hà Nội T&T (1 trận ở vòng cuối cùng của V-League và 1 trận là trận chung kết cúp quốc gia cùng năm).

Hồi đấy, các cung đường quanh sân Thống Nhất như Nguyễn Kim, Đào Duy Từ, Tân Phước đều tắc đường, các phương tiện giao thông hầu như không thể nhúc nhích (lượng người đến xem U19 Việt Nam cũng chưa đến mức tạo ra cảnh tắc đường như thế), riêng trong sân, một phần tường rào trên khán đài bị kéo gần sập, do lượng người quá lớn.

Hồi đấy, khán giả đông đến mức mà BTC sân Thống Nhất và CLB XM Xuân Thành Sài Gòn còn tranh nhau quyền phát hành vé (đồng nghĩa với lợi nhuận).

Năm 2012, người ta từng chen chúc nhau để xem XM Xuân Thành Sài Gòn đá bóng
Năm 2012, người ta từng chen chúc nhau để xem XM Xuân Thành Sài Gòn đá bóng



Rồi cũng trong năm 2012, trận nào của XM Xuân Thành Sài Gòn cũng có không dưới 10.000 khán giả trực tiếp theo dõi.

Trước nữa, ở năm 2009, sân Thống Nhất cũng suýt… vỡ, khi Lee Nguyễn lần đầu xuất hiện tại giải VĐQG Việt Nam trong màu áo HA Gia Lai (đối thủ của Lee Nguyễn và đội bóng phố núi lúc đó là TMN.Cảng Sài Gòn).

Không cần tìm đâu cho xa, chẳng cần phải quay về vài chục năm trước để tìm nguồn cảm hứng nơi người hâm mộ. Rõ ràng là khán giả, kể cả khán giả TPHCM vốn có đầy hình thức giải trí khác nhau vẫn không quay lưng lại với bóng đá. Vấn đề là ở đây là những người làm bóng đá có cho ra được các sản phẩm đáng xem để kéo người hâm mộ đến sân hay không?

Năm 2012, người ta từng chen chúc nhau để xem XM Xuân Thành Sài Gòn đá bóng
Thậm chí lúc đội bóng của bầu Thụy đá với Hà Nội T&T để tranh ngôi vô địch, người ta còn xô sập cả cổng rào để tràn vào sân



Người làm bóng đá làm giảm nhiệt tình của người hâm mộ

Quay trở lại câu chuyện của XM Xuân Thành Sài Gòn. Sang đến năm 2013, lượng người xem họ thi đấu ít hơn hẳn hồi năm 2012.

Có thể một phần nguyên nhân là người ta không còn tò mò với chiêu hút người xem bằng cách đưa ca sĩ đến biểu diễn trước và giữa mỗi trận của bầu Thụy (kỳ thực đây là cách làm mang tính chuyên nghiệp mà người ta thường thấy tại… Mỹ, nơi có nền công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới).

Nhưng nguyên nhân chính vẫn là chất lượng chuyên môn của XM Xuân Thành Sài Gòn ở năm 2013 đã giảm đi nhiều so với năm 2012. Cộng thêm việc đội này cứ đổi tên xoành xoạch càng khiến người hâm mộ liên tưởng đến một…gánh xiếc, thay vì được yêu một đội bóng đúng nghĩa.

Nhìn rộng ra, lượng khán giả giảm dần đều trên hầu khắp các sân bóng ở Việt Nam cũng vậy thôi!

Sân Đồng Nai sau mùa đầu tạo hiệu ứng giờ lèo tèo người đến xem, sân Lạch Tray mấy năm trước phủ kín các khán đài giờ cũng không được như xưa.

Có 2 nguyên nhân cơ bản cần được nói đến. Đầu tiên là chất lượng chuyên môn, xem thứ bóng đá ở V-League, với một loạt đội bóng có trình độ kỹ thuật quá tầm thường thì ngán thật. Hầu hết các đội đều chơi đúng 1 kiểu nhạy nhanh, chuyền dài, đá mạnh, các pha phối hợp tấn công hầu như không quá 3 – 4 đường chuyền đã để mất bóng thì khái niệm thưởng thức cũng mất đi.

Thứ hai là chất lượng phục vụ. Xem bóng đá ở Việt Nam không chỉ đội nắng đội mưa như hành xác, mà nhiều sân, thậm chí chỗ ngồi, chỗ đi vệ sinh cũng nhếch nhác. Điều đó khiến cho người ta càng ngại đến sân, ngại dẫn theo con mình đi xem bóng đá.

Khi người lớn không thích dẫn trẻ em đến các sân bóng, cũng chính là lúc chúng ta đang mất đi một lượng người hâm mộ kế cận ở tương lai.

Ở đây, cần xác định đúng là tình yêu của người hâm mộ bóng đá Việt Nam không hề chết, chỉ có điều nó nguội lạnh vì những người làm bóng đá không biết nuôi dưỡng và không biết hâm nóng tình yêu ấy!

Trọng Vũ
Dòng sự kiện: V-League 2014