1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tình trạng ế vé và sự thiếu niềm nở của các vị khách Man City

(Dân trí) - Những chiếc vé xem trận Việt Nam - Man City không sốt như chờ đợi, không thể so với lần Arsenal sang đây 2 năm trước. Giá cả, mức độ tò mò và sự thiếu niềm nở từ những vị khách Man City là những nguyên nhân chính khiến vé không sốt.

Giá cả và mức độ tò mò

Có lẽ cần nhắc lại chi tiết vé vào xem Man City đá giao hữu trên sân Mỹ Đình không hề rẻ so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam: 1,8 triệu đồng/vé cho vị trí ngồi đẹp nhất, tức là gần một nửa tháng lương của một người lao động bình dân (thành phần chính trong số những CĐV bóng đá).

Nhưng giá cả là một chuyện, mức độ tò mò của người hâm mộ trong nước với các đội bóng ngoại cũng không còn như cách nay 2 năm.

Chúng ta đang bàn đến trận đấu thuần tính thương mại, nơi các giá trị chuyên môn chỉ là thứ yếu. Không đến sân bóng vì chuyên môn thì người hâm mộ có lẽ chỉ còn đến vì sự tò mò. Nay sự tò mò cũng đang giảm đi, dẫn đến sức hút của trận đấu càng giảm.

Không phải Man City ít nổi tiếng hơn Arsenal cách nay 2 năm, hay đội bóng thành Manchester ít ngôi sao hơn đội bóng thành London 2 năm trước, ngược lại là đằng khác. Chỉ có điều, với những CĐV trung lập, họ phần nào đã thỏa được cái sự tò mò muốn chứng kiến những cầu thủ đang thi đấu ở tốp đầu giải Ngoại hạng Anh bằng xương bằng thịt khi Arsenal sang Việt Nam năm 2013.

 

mancity-27-7-15-f7bb3

Hình như có quá ít nụ cười từ cả chủ lẫn khách (ảnh: An An)

Trong bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy, lần đầu luôn mang lại hiệu ứng cao hơn lần sau. Thành ra, khi Man City được mời sang Việt Nam theo đúng mô-típ của cách mà người ta từng đưa Arsenal đến sân Mỹ Đình 2 năm trước, đội bóng thành Manchester nói cho cùng đã là người đến sau, nên sức hút của họ cũng không còn lớn bằng những người đã tạo cái ấn tượng ban đầu như Arsenal từng làm.

Cách Man City tham gia các hoạt động bên lề, tương tác với người hâm mộ cũng tương tự như cách mà Arsenal từng làm năm 2013. Tức là về mặt ý tưởng, khâu quảng bá cho đội bóng thành Manchester không có nét gì đột phá so với khâu quảng bá dành cho Arsenal trước đó, trong khi những màn tương tác kiểu này thì người hâm mộ đã trải qua một lần rồi, nên sức lôi cuốn dĩ nhiên không còn như trước.

Sự thờ ơ, lạnh nhạt của những vị khách

Đành rằng Man City và các cầu thủ Man City đa phần là những ngôi sao đắt giá trên thị trường chuyển nhượng. Đành rằng họ chỉ sang đây vì nghĩa vụ quảng bá của đội bóng, nhưng ngay cả khi đó, người ta cảm thấy các thành viên của đội bóng thành Manchester không có sự niềm nở như các thành viên của Arsenal 2 năm trước.

Những câu trả lời qua loa trong các buổi họp báo, sự thiếu thân thiện với các CĐV, hoặc những lời nói nặng tính xã giao theo kiểu “Man City sẵn sàng chờ các trung vệ Việt Nam gia nhập”, hay “đội tuyển Việt Nam có nhiều chân sút xuất sắc”… rõ ràng là sáo ngữ, không có bất cứ giá trị gì để tham khảo, càng khiến cho không khí vốn đã nhạt còn nhạt hơn.

Thà họ cứ nói về ẩm thực Việt Nam, về những điều lạ mà họ lần đầu tiên được chứng kiến khi đến nước ta... có khi còn dễ nghe hơn là chuyện họ cứ nói về chuyên môn, trong khi ai cũng biết rằng trận đấu sắp diễn ra chẳng có chút giá trị nào về mặt chuyên môn.

Rồi không chỉ đội bóng khách mời, ngay cả đội chủ nhà cũng chẳng mấy thân thiện với người nhà. Chẳng biết HLV Miura có ý giấu bài hay không, khi ông lại cho đội tuyển Việt Nam tập kín, cấm cửa các phóng viên?

Chẳng lẽ không ai nhắc vị HLV người Nhật rằng đây là sự kiện thuần tính thương mại, một trận đấu mang nặng tính trình diễn của Man City (chứ không phải của đội tuyển Việt Nam)? - Nên cần có sự tương tác tốt hơn giữa đội tuyển của HLV Miura với giới truyền thông.

Khi có sự tương tác tốt, hình ảnh của đội tuyển mới đến với người hâm mộ một cách rộng rãi, người ngoài nhìn vào cũng thấy vẻ thân thiện từ cả chủ lẫn khách, mà còn tìm đến với họ. Chứ không như bây giờ, cảm giác lành lạnh làm sao ấy! Lạnh nhất là từ thái độ của các bên tham gia trận đấu tưởng đâu sẽ tràn ngập tiếng cười này!

Trọng Vũ

 

logobanthethao-62196