Tiêu chuẩn nào cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF?

(Dân trí) - Sau khi ông Cấn Văn Nghĩa rút lui khỏi vị trí phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính của VFF, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần có người thay vị trí vừa nêu. Vấn đề là VFF hiện cần người có khả năng tập hợp các nguồn tài chính hay cần nhân vật có tiềm lực tài chính?

Quay lại các nhiệm kỳ gần nhất của VFF, nhân vật ngồi ở vị trí phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính và vận động tài trợ của tổ chức này đều là các “doanh nhân ngàn tỷ”, đó là các ông Lê Hùng Dũng (chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank) ở các nhiệm kỳ 5 và 6, cùng ông Đoàn Nguyên Đức (HA Gia Lai) ở nhiệm kỳ 7.

Chính vì thế, việc ông Cấn Văn Nghĩa trúng cử ghế PCT tài chính VFF ở nhiệm kỳ 8 được xem là ngoại lệ đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau trên dưới chục năm.

Ngoại lệ vì ông Nghĩa không phải là doanh nhân, ông Nghĩa trước khi ngồi ghế PCT tài chính VFF là quản lý, với vị trí đáng nhớ nhất của ông trước đây là giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia.

Tiêu chuẩn nào cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF? - 1

2 cựu PCT phụ trách tài chính của VFF trong 3 nhiệm kỳ gần nhất là các ông Lê Hùng Dũng (nhiệm kỳ 5 và 6) và Đoàn Nguyên Đức (nhiệm kỳ 7) điều là các "doanh nhân nghìn tỷ" 

Ông Nghĩa thắng hàng loạt ứng cử viên khác (hầu hết là các doanh nhân) trong cuộc đua đến vị trí PCT tài chính VFF nhiệm kỳ 8, ở chỗ những người bỏ phiếu cho ông tin rằng ông Nghĩa có khả năng tập hợp nguồn tài chính, kêu gọi tài trợ cho VFF, cho bóng đá Việt Nam.

Hiện tại, sau khi ông Nghĩa rút lui, có thể quan điểm của những lá phiếu cũng sẽ thay đổi, bởi người không-phải-doanh-nhân Cấn Văn Nghĩa được đánh giá là chưa kêu gọi được hợp đồng tài trợ có giả trị nào cho VFF.

Đây thật ra cũng chẳng phải là chuyện lạ, chuyện hiếm ở cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam. Bởi, trước ông Nghĩa, bầu Đức khi làm PCT VFF phụ trách tài chính cũng không có hợp đồng tài trợ nào đáng kể. Trước nữa, cựu PCT tài chính VFF Lê Hùng Dũng cũng vậy.

Nhưng khác biệt đáng kể giữa bầu Đức hay ông Lê Hùng Dũng so với ông Cấn Văn Nghĩa ở chỗ, không kêu gọi được tài trợ, họ có ngay nguồn tài chính từ chính mình, hoặc từ doanh nghiệp do chính mình quản lý, theo kiểu “của nhà trồng được”.

Không kêu gọi được tài trợ từ bên ngoài, ông Lê Hùng Dũng “dí” ngay Eximbank – khi đó ông Dũng là chủ tịch HĐQT của ngân hàng này, rót tiền cho giải V-League và VFF hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Không kêu gọi nhiều tài trợ (ngoài hợp đồng giữa VFF với VPMilk), bầu Đức vẫn có thể tự trả lương cho HLV Park Hang Seo đều đặn 700 triệu đồng/tháng (tính luôn tiền thuế phải đóng cho thu nhập của ông Park), tính sơ sơ cho 2 năm hợp đồng cũng ngót hàng chục tỷ đồng.

Còn hiện tại, vấn đề tiền lương nếu VFF ký hợp đồng mới với HLV Park Hang Seo cũng là điều gây chú ý, và là một trong những nguồn tài chính đáng kể mà VFF phải quan tâm trong ít năm tới, đặc biệt đáng quan tâm với người ngồi ghế PCT tài chính VFF.

Trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam chưa thể tự làm ra lãi, chuyện ông Nghĩa hay bất cứ các nhân nào khác khó kêu gọi tài trợ, vận đồng tài chính cho bóng đá nội không phải là điều lạ. Và cứ nhìn các CLB bóng đá trong nước dù mang tiếng chuyên nghiệp gần 20 năm qua, nhưng vẫn phải sống bằng nguồn tiền của các ông bầu thì khắc biết.

Thành ra, thay vì hy vọng vào người có thể kêu gọi tài trợ cho VFF hiện khá mơ hồ, VFF nên tập trung vào việc chọn nhân vật có sẵn… tiền (và dĩ nhiên có sẵn tâm huyết và năng lực quản lý nữa), cho vị trí PCT tài chính. Ít nhất, lựa chọn này vẫn còn phù hợp với hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại!

Kim Điền

Tiêu chuẩn nào cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm