1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thử thách với đội tuyển Việt Nam khi đối đầu Iraq ở "chảo lửa" Basra

Trọng Vũ

(Dân trí) - Sân vận động quốc tế Basra là nơi chuẩn bị tiếp đón đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup. Việc đội tuyển Iraq được thi đấu trên sân nhà đúng nghĩa, vốn đã là sự kiện lớn.

Người hâm mộ bóng đá toàn cầu không ít lần chứng kiến đội tuyển Iraq phải chọn sân trung lập làm sân nhà ở các kỳ giải quốc tế trong suốt nhiều năm qua. Ví dụ như tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á cách đây chỉ vài năm, đội tuyển Iraq phải chọn Qatar, Saudi Arabia, Jordan hay Bahrain làm sân nhà.

Trận đấu duy nhất mà đội tuyển Iraq được thi đấu trên sân nhà đúng nghĩa tại vòng loại World Cup 2022 chính là trận thắng Hong Kong (Trung Quốc) 2-0 vào ngày 10/10/2019, trên sân vận động quốc tế Basra.

Thử thách với đội tuyển Việt Nam khi đối đầu Iraq ở chảo lửa Basra - 1

Bên ngoài sân Basra (Ảnh: Getty).

Thử thách với đội tuyển Việt Nam khi đối đầu Iraq ở chảo lửa Basra - 2

Bên trong sân vận động này (Ảnh: Suara).

Những cuộc xung đột ở trong nước những năm trước đó khiến cho việc thi đấu trên sân nhà của đội tuyển Iraq trở nên khó khăn, buộc đội bóng Tây Á này phải đá ở sân trung lập.

Dù vậy, ở vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á, mọi điều đã chuyển biến rất tích cực với bóng đá Iraq, sân vận động quốc tế Basra được phép tổ chức các trận đấu trên sân nhà của đoàn quân trong tay HLV Jesus Casas (người Tây Ban Nha).

Nhiều năm liên tục không được chứng kiến đội tuyển quốc gia thi đấu trên sân nhà, khát khao xem bóng đá của khán giả Iraq khi đội bóng Tây Á quay trở lại quê hương rất lớn. Điều đó khiến sân vận động quốc tế Basra trở thành "chảo lửa" đúng nghĩa, luôn cuồn cuộn nhiệt huyết của người hâm mộ bóng đá Iraq.

Tại bảng F vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á, trước khi tiếp đội tuyển Việt Nam vào lúc 1h00 sáng 12/6 tới đây (theo giờ Việt Nam), đội tuyển Iraq đã có 2 trận đấu trên sân vận động quốc tế Basra. Trận đầu tiên họ thắng Indonesia 5-1 vào ngày 16/11/2023, trước sự chứng kiến của 64.447 khán giả.

Thử thách với đội tuyển Việt Nam khi đối đầu Iraq ở chảo lửa Basra - 3

Indonesia từng cảm nhận rất rõ sức nóng của "chảo lửa" Basra (Ảnh: Asean Football).

Trận thứ hai Iraq thắng Philippines 1-0 vào ngày 21/3 năm nay, trước sự chứng kiến của 63.775 khán giả. Cả hai trận đấu, số người dự khán đều gần kín sức chứa tối đa của sân vận động quốc tế Basra (65.227 người).

Trái với những gì mà người ta thường hình dung về bóng đá Iraq sau các cuộc xung đột quân sự nhiều năm qua, sân vận động quốc tế Basra rất đẹp và rất hiện đại. Kinh phí xây dựng sân vận động này lên đến 550 triệu USD (gần 14.000 tỷ đồng).

Sân bóng được khởi công vào ngày 1/1/2009, được hoàn thành vào ngày 12/10/2013. Nhưng mãi đến 4 năm sau, vào ngày 1/6/2017, đội tuyển Iraq mới có trận quốc tế đầu tiên trên sân vận động quốc tế Basra, gặp Jordan (Iraq thắng 1-0 trong trận giao hữu).

Đến ngày 10/10/2019 kể trên, trận quốc tế chính thức đầu tiên của đội tuyển Iraq mới diễn ra trên sân bóng này, đó là trận thắng 2-0 trước Hong Kong trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2022.

Thử thách với đội tuyển Việt Nam khi đối đầu Iraq ở chảo lửa Basra - 4

Đội tuyển Việt Nam chuẩn bị trải nghiệm sân bóng độc đáo ở Iraq (Ảnh: Mạnh Quân).

Sau đó, sân vận động quốc tế Basra không thường xuyên được tổ chức các sự kiện bóng đá quốc tế tầm cỡ châu lục, cho đến tận vòng loại World Cup 2026 vào cuối năm ngoái.

Sân vận động quốc tế Basra có đến 20 phòng và 230 ghế VIP, bên trong nó có thêm các phòng chờ và các nhà hàng VIP, cùng với các quán ăn dành cho khán giả thông thường.

Phía dưới sân bóng này là 205 chỗ đỗ xe dành riêng cho các nhân vật quan trọng, cùng một đường hầm dẫn thẳng sang sân phụ có sức chứa 10.000 khán giả. Toàn bộ sân Basra có 10.000 chỗ đậu ô tô.

Không những to lớn, sang trọng, mà sân vận động quốc tế Basra còn rất đẹp. Bao quanh sân, bao quanh những khối bê tông làm nên những khán đài mà đương nhiên mọi sân vận động trên khắp thế giới đều phải có, là một "bức rèm" bằng thép khổng lồ, bao bọc toàn bộ mặt ngoài của sân. 

Vai trò của bức rèm khổng lồ này giúp điều hòa không khí, tăng hiệu ứng âm thanh và tô điểm cho tính thẩm mỹ của sân vận động quốc tế Basra.

Thử thách với đội tuyển Việt Nam khi đối đầu Iraq ở chảo lửa Basra - 5