Thủ môn "trêu ngươi" trọng tài và câu hỏi về đạo đức cầu thủ
(Dân trí) - Bóng đá Việt Nam đang dậy sóng bởi màn "trêu ngươi" trọng tài của thủ môn Phạm Trần Thanh Vũ trong trận đấu mở màn giải hạng Nhất Quốc gia 2021 giữa CLB Cần Thơ và Công An Nhân Dân cuối tuần qua.
Sự cố bắt nguồn từ tình huống lao ra cản bóng của Thanh Vũ đối với cầu thủ phía CLB Công An Nhân Dân ở phút 89, tỷ số trận đấu đang là 1-1. Trọng tài Đỗ Anh Đức nhận định thủ môn CLB Cần Thơ phạm lỗi nên cho Công An Nhân Dân hưởng phạt đền, đồng thời rút thẻ vàng cảnh cáo thủ thành đội chủ nhà.
Các cầu thủ Cần Thơ phản ứng quyết liệt với quyết định của trọng tài, thủ môn Thanh Vũ liên tục lẩm nhẩm điều gì đó với thái độ không phục. Sau khi cản phá thành công quả phạt đền, Thanh Vũ cùng các đồng đội ăn mừng, bất ngờ thủ môn CLB Cần Thơ chạy lên rồi trượt cỏ tới trước mặt trọng tài với thái độ khiêu khích.
Trước hành vi trêu ngươi của cầu thủ Cần Thơ, trọng tài Đỗ Anh Đức dường như không muốn làm trận đấu nóng hơn, bởi nếu ông rút thẻ phạt đồng nghĩa thủ thành CLB Cần Thơ sẽ bị đuổi. Vì thế vị trọng tài chính quyết định bỏ qua, cho trận đấu tiếp tục.
Trước hết, phải xét lại tình huống thổi phạt 11m của trọng tài Đỗ Anh Đức. Đó là một quyết định chính xác, thủ thành Thanh Vũ lao ra khỏi khu vực 5m, anh không còn được quyền ưu tiên bảo vệ. Vì thế việc thủ môn của CLB Cần Thơ lao ra, không đẩy trúng bóng và xô ngã đối phương là một tình huống phạm lỗi.
Vì vậy, phạt đền không oan với CLB Cần Thơ. Và cho dù nếu tình huống đó là trọng tài quyết định sai thì Thanh Vũ cũng không được phép phản ứng như vậy. Không thể vì nghĩ rằng trọng tài quyết định sai nên cầu thủ muốn phản ứng như thế nào cũng được.
Hành vi trượt cỏ ăn mừng trước mặt trọng tài của Thanh Vũ phản cảm vì nó thể hiện thái độ khiêu khích, thiếu tôn trọng tới trọng tài. Đó là điều không được phép trong bóng đá, đã được quy định bằng luật. Theo đó tất cả các hành vi khiêu khích, sỉ nhục xuất phát từ cầu thủ hay ban huấn luyện, thành viên các đội bóng khi tham gia một trận đấu, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì sẽ bị phạt thẻ.
"Tiếng xấu đồn xa", hành vi xấu xí của Thanh Vũ ngay lập tức được truyền thông khu vực và quốc tế đăng tải. Từ những trang báo của khu vực Đông Nam Á, châu Âu và tới cả châu Mỹ cũng đăng tải về vụ việc này. Điều đó rõ ràng khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam xấu đi trong mắt nhiều người.
Việc các cầu thủ, huấn luyện viên, câu lạc bộ tại Việt Nam phản ứng, kiện cáo đối với công tác trọng tài đã trở nên quen thuộc trong nhiều năm qua. Như mới đây, sau vòng đấu cuối tuần vừa qua tại V-League, CLB TP. HCM làm đơn khiếu nại lên Ban trọng tài về một số quyết định của tổ trọng tài điều khiển trận đấu TP.HCM thua Than Quảng Ninh, đứng đầu là trọng tài Hoàng Ngọc Hà.
Tuy nhiên, việc nào ra… việc đó. Trọng tài bắt sai, có Ban trọng tài xử lý, các cầu thủ, ban huấn luyện các đội cần phản ứng có chừng mực, giới hạn và tuyệt đối không để hành động của họ trở nên phản cảm, làm xấu đi hình ảnh bóng đá. Trong sự cố của Thanh Vũ, trọng tài Đỗ Anh Đức cũng phải đối mặt với án phạt từ ban trọng tài vì ông nương tay không đúng chỗ. Đúng ra, trọng tài cần mạnh dạn hơn với tấm thẻ vàng thứ hai, truất quyền thi đấu thủ thành CLB Cần Thơ.
Sẽ rất dễ tìm ra bằng chứng về những hành vi khiêu khích đối phương phải nhận án kỷ luật trong bóng đá. Như ở trận lượt về vòng 1/8 UEFA Champions League vừa qua, tiền đạo Erling Haaland của CLB B.Dortmund sau khi thực hiện sút 11m thành công đã lao vào trêu ngươi thủ môn của Sevilla, vì hành động đó tiền đạo người Na Uy lập tức bị phạt thẻ vàng.
Mặc dù thoát việc bị truất quyền thi đấu ở trận đấu vừa qua, nhưng Thanh Vũ sẽ không tránh khỏi các án phạt nguội. CLB Cần Thơ cũng nhận thức ra hành vi sai trái của thủ môn câu lạc bộ nên nhanh chóng quyết định treo giò anh hai trận. VFF chưa đưa ra án kỷ luật, tuy nhiên chắc chắn Thanh Vũ sẽ khó tránh khỏi án phạt treo giò.
Những tranh cãi trong bóng đá, đặc biệt tranh cãi với trọng tài là vấn đề đã và sẽ còn tồn tại. Ngay cả những nền bóng đá phát triển như châu Âu, áp dụng nhiều công nghệ như goal-line, VAR để giúp các trọng tài có được quyết định chính xác hơn, song các tranh cãi cũng không giảm xuống. Tuy nhiên, chuyện phản ứng thế nào để tránh làm mất đi giá trị cốt lõi của thể thao, cũng là điều cần phải học.
Hành động của Thanh Vũ có thể là sự bột phát nhất thời, nhưng cũng là lời cảnh báo về đạo đức cầu thủ, đặc biệt cầu thủ trẻ ở Việt Nam hiện nay. Sau sự cố này, các CLB bóng đá cần làm tốt hơn nữa ở công tác đào tạo và huấn luyện cầu thủ, để họ không chỉ phát triển tốt về chuyên môn mà cũng nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của bản thân khi giam gia môn "thể thao Vua", đảm bảo có đủ cả đức và tài.