“Thiếu gia” Navibank SG đối mặt tương lai bấp bênh
(Dân trí) - Dù chủ tịch CLB Navibank SG, ông Nguyễn Vĩnh Thọ một mực phủ nhận khả năng Navibank bỏ bóng đá, nhưng trong tình hình kinh tế quá khó khăn như hiện nay, người ta chưa thể nói trước được điều gì…
Từ chỗ được liệt vào hàng “thiếu gia” của bóng đá Việt Nam cách nay 2 - 3 năm bằng những khoản đầu tư rất lớn trên thị trường chuyển nhượng, Navibank SG giờ thay đổi khá nhiều.
Thậm chí, liên tục trong những tháng gần đây, người ta còn nói đến cả chuyện Navibank SG có thể bỏ bóng đá, vì gánh nặng tài chính đang làm oằn vai họ. Về vấn đề này, chủ tịch CLB Nguyễn Vĩnh Thọ cật lực phủ nhận: “Chúng tôi có khó khăn và đã cắt giảm chi tiêu, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ đội bóng”.
Tuy nhiên, đấy là những tuyên bố chính thức với giới truyền thông, còn trong giới chuyên môn, cũng đã bắt đầu có người nghe thông tin Navibank SG sẵn sàng chuyển giao đội bóng cho đơn vị kinh tế khác, nếu có nơi thật sự muốn tiếp nhận đội bóng.
Ngay cả người trong cuộc là HLV Phạm Công Lộc vẫn chưa xác định được tương lai. Ngay sau trận đấu với K.Khánh Hòa cuối tuần trước, ông Lộc trả lời giới truyền thông phía Nam: “Tôi cũng có nghe những thông tin khác nhau về tương lai của CLB, nhưng tôi không thể nói được gì, vì chuyện đội bóng có tồn tại hay không tồn tại là chuyện của lãnh đạo”.
“Về phần tôi, thời gian qua tôi chỉ động viên các cầu thủ ráng thi đấu hết mình, thi đấu vì bản thân của từng người, để nếu không còn đá bóng ở đây thì vẫn có nơi khác thuê” – ông Lộc cho biết thêm.
Chưa biết Navibank SG có còn tiếp tục gắn bó với bóng đá hay không, nhưng chuyện họ khó khăn là chuyện có thật, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Trước đây, Navibank SG từng có dự định mở học viện bóng đá trẻ, liên kết với CLB hàng đầu châu Âu Bayern Munich (Đức).
Tuy nhiên, dự án ấy giờ vẫn chỉ nằm trên… giấy và chưa biết bao giờ mới được thực hiện, dù Navibank SG đã được cấp đất ở Q.9 – TPHCM để thực hiện dự án này. Nguyên nhân là đội bóng thành phố quá khó khăn về kinh phí, lo cho đội một dự giải V-League còn thiếu trước hụt sau, huống hồ gì là xây học viện và tính chuyện lâu dài.
Có khi chính những người lãnh đạo CLB Navibank SG không bao giờ muốn bỏ đội bóng, vì đấy dù gì cũng là tâm huyết của họ. Họ đã tốn rất nhiều tiền của và công sức để tạo nên một thương hiệu bóng đá có thể nói là có chút tên tuổi như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là tài chính, Navibank SG có rất đông nhân viên, có khối chuyện lớn để lo, chứ không chỉ riêng bóng đá. Nên nếu tình hình khó khăn này còn kéo dài, chưa ai dám khẳng định điều gì, bởi đội bóng giờ đang trở thành gánh nặng tài chính đối với rất nhiều doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện các doanh nghiệp có thể bỏ bóng đá, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho hay: “Chuyện của một CLB cũng giống như một doanh nghiệp. Mỗi năm, các doanh nghiệp chi bao nhiêu tiền vào bóng đá là chuyện được dự toán từ trước. VPF sẽ làm hết sức mình để tạo nguồn chi cho bóng đá Việt Nam. Nhưng nếu bất kỳ một doanh nghiệp nào dự toán không có khoản tiền dành cho bóng đá thì cũng đành chịu. Người ngoài không thể bảo các doanh nghiệp phải chi tiền vào đâu, chi tiền vào việc gì được!”.
Cái khó của Navibank SG nói riêng và các đội bóng doanh nghiệp nói chung là hiện giờ tiền kiếm được thì rất khó, trong khi tiền dùng cho bóng đá vẫn ở mức cao, vì các hợp đồng đắt giá cùng những khoản lương cao đều đã được ký từ trước đó, nên hiện tại các CLB vẫn phải gồng mình chi những khoản tiền này cho đội bóng.
Thế nên, chuyện Navibank SG có theo tiếp bóng đá ở mùa tới hay không phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh doanh của họ trong giai đoạn tới, trong bối cảnh mà kinh tế chung được dự báo là vẫn còn tiếp tục có nhiều khó khăn.
Kim Điền