Thể thao Việt Nam năm 2022: Từ SEA Games tới Asiad
(Dân trí) - Tổ chức thành công SEA Games 31 trên sân nhà và "tấn công" đấu trường Asiad 19 được tổ chức tại Trung Quốc, là những mục tiêu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2022.
SEA Games 31 là sự kiện được quan tâm nhất trong năm 2022 của thể thao Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Việt Nam đứng ra đăng cai giải thể thao khu vực, nhưng khác với lần đầu tiên rất thành công (năm 2003), kỳ đại hội này có nhiều thách thức vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cho đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam đang được tiến hành khẩn trương, trong đó việc nâng cấp, sửa chữa các địa điểm thi đấu, lên kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu.
Thực tế, các công trình tập luyện, thi đấu phục vụ SEA Games 31 chủ yếu là nâng cấp, sửa chữa nên không mang đến nhiều sức ép như khi Việt Nam đăng cai SEA Games 22 năm 2003.
Dự kiến ở SEA Games 31, ngân sách Trung ương chi 591 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa 4 công trình: Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (gồm SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước); trường bắn Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội; nhà thi đấu Trường Đại học TDTT Bắc Ninh; đường đua xe đạp tại tỉnh Hòa Bình.
Trong khi đó, riêng kinh phí để nâng cấp, sửa chữa cải tạo các công trình phục vụ tổ chức thi đấu, tập luyện cho SEA Games 31 do thành phố Hà Nội quản lý cũng là gần 600 tỷ đồng.
Còn về công tác phòng chống dịch Covid-19, chủ nhà Việt Nam chuẩn bị nhiều phương án đối phó khi diễn biến dịch vẫn phức tạp ở khu vực. BTC SEA Games 31 hy vọng vào tháng 5, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, những người tham gia sự kiện đều được tiêm đủ 2-3 mũi vaccine.
Về công tác chuyên môn, SEA Games 31 diễn ra từ ngày 12/5.2022 đến 23/5/2022, bao gồm 40 môn thi đấu với 520 nội dung.
Là nước chủ nhà, nhưng Việt Nam khẳng định đây là kỳ SEA Games sẽ tập trung tối đa vào các môn Olympic, không chạy theo thành tích ở các môn "ao làng". Đoàn TTVN phấn đấu có mặt trong top 3 toàn đoàn.
Sau SEA Games, TTVN hướng tới mục tiêu quan trọng tiếp theo trong năm là Asiad 19, diễn ra vào tháng 9/2022 tại Hàng Châu (Trung Quốc).
Thành tích trắng tay ở Olympic Tokyo 2020 cho thấy một vấn đề cấp bách, đó là cần phải có một chiến lược mới, căn cơ và dài hơi hơn, để TTVN phát triển ổn định trong tương lai.
"Nếu trước đây tập trung ưu tiên nhiệm vụ top 3 toàn đoàn SEA Games thì nay Olympic là ưu tiên số một, Asiad xếp thứ hai, tiếp đó mới là SEA Games", Phó tổng cục trưởng, phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn nhấn mạnh khi nói về chiến lược phát triển thể thao tới năm 2030.
Theo ông Phấn, trước đây chúng ta dồn mọi tập trung vào SEA Games, sau đó mới chọn VĐV để đầu tư cho mục tiêu Asiad, Olympic, thì nay sẽ sớm chọn đầu tư VĐV mũi nhọn để tranh huy chương Olympic, chọn môn trọng điểm để tấn công vào đấu trường Asiad với mục tiêu giành HCV.
"Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành tối thiểu 4 HCV tại Asiad 2022 và có huy chương tại Olympic 2024, 2028", ông Trần Đức Phấn cho biết. Những niềm hy vọng có HCV của Việt Nam được đặt vào môn bắn súng, cử tạ, đua thuyền, các môn võ…
Ngoài SEA Games và Asiad, TTVN trong năm 2022 còn tham dự các giải đấu quốc tế khác như Đại hội võ thuật trong nhà, Đại hội thể thao Khối Thịnh vượng chung, Đại hội TDTT toàn quốc…