1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Kế hoạch tập trung ĐTQG:

Thận trọng chọn giải pháp

Kế hoạch tập trung đội tuyển trong năm 2006 sẽ không bị ảnh hưởng từ việc tham dự ASIAD, bởi giải đấu này đã được bổ sung trong chương trình của năm 2006 cách đây 1 tháng.

ASIAD 14 đã quy định tham dự môn bóng đá nam là đội U23+3

 

Có thực tế cần phải khẳng định lại rằng, không phải đến ASIAD 15, môn bóng đá nam mới dành cho đội U23 và được đăng ký 3 cầu thủ quá tuổi. Mà từ ASIAD 14 tại Busan (Hàn Quốc), môn bóng đá nam đã giới hạn độ tuổi với U23+3.

 

Năm 2002, khi ấy LĐBĐVN thành lập cùng lúc 2 đội tuyển: đội U22 do HLV Letard dẫn dắt chuẩn bị cho SEA Games 22 và ĐTQG do ông Calisto chuẩn bị cho Tiger Cup 2002.

 

Cả hai đội này sau đó đều tham dự LG Cup 2002, trong đó đội U22 đã thất bại nặng nề khiến ông Letard phải ra đi, để lại nhiệm vụ cùng đội U22 tham dự ASIAD 14 cho HLV Nguyễn Thành Vinh.

 

Sau đó, ông Vinh đã tuyển chọn thêm, xây dựng đội U23+3 tham dự ASIAD 14. Năm đó, đội Việt Nam nằm cùng bảng với Thái Lan, U.A.E và Yemen. Vì thế, việc cử đội U23+3 tham dự ASIAD 15 là đương nhiên.

 

Dù không thắng trận nào và cũng không ghi được bàn thắng nhưng từ ASIAD 14 cùng những trận đấu sau này, HLV Nguyễn Thành Vinh đã xây dựng cho lứa U23 lối chơi theo sơ đồ chiến thuật 4-4-2 trước khi trao lại cho ông Riedl.

 

Thế nên, không thể cho rằng BTC ASIAD 15 đã bất ngờ thay đổi điều lệ làm ảnh hưởng đến kế hoạch của đội tuyển trong năm 2006 như lời than thở của ông Riedl. Bên cạnh đó, sau kỳ nghỉ phép trở lại Việt Nam vừa qua, lãnh đạo LĐBĐVN đã chính thức thông báo với ông Riedl và đưa vào chương trình hoạt động trong năm 2006 về việc tham dự ASIAD 15.

 

Trong vai trò “thuyền trưởng”, ông không thể phát biểu một cách  thiếu trách nhiệm khi cho rằng, không ai thông báo cho ông về độ tuổi tham dự ASIAD.

 

Chờ ngày 14/2

 

Năm 2006, bóng đá Việt Nam có hai cái đích rất rõ ràng. Với ĐTQG là chuẩn bị thật tốt cho giải vô địch Đông Nam Á (dự kiến vào tháng 1-2007) và VCK Cúp châu Á (tháng 7-2007) qua các giải đấu giao hữu như Cúp Mùa xuân (tháng 4), LG Cup hay Agribank Cup.

 

Đích thứ 2 là xây dựng đội tuyển U23 cho ASIAD 15 (tháng 12-2006) và xa hơn là SEA Games 24-2007. Hoàn thành mục tiêu ấy có hai khả năng đặt ra là thành lập hai đội tuyển riêng biệt, hoặc sẽ xây  dựng một đội tuyển mở rộng thành phần và số lượng cầu thủ phục vụ cho cả hai cái đích trên.

 

Thời điểm hiện tại, thành lập hai đội tuyển không phải là quá khó. Bởi thực chất, chỉ có Văn Quyến và Quốc Vượng là mất mát đáng kể sau vụ tiêu cực. Còn những Quốc Anh, Hải Lâm, Bật Hiếu... đều có những phương án thay thế, thậm chí còn tốt hơn.

 

Nhưng vấn đề đặt ra, có cần thiết không khi kinh phí vẫn là bài toán khó. Hơn nữa, cũng phải thấy rằng, từ trước đến giờ bóng đá Việt Nam vẫn chạy theo “thời vụ”, thường đặt ưu tiên cho những cái đích trước mắt và nằm trong khả năng.

 

Những sân chơi như vòng loại World Cup hay ASIAD chỉ mang tính chất học hỏi và cọ xát. Như vậy, một ĐTQG sẽ được thành lập gồm những cầu thủ đã thi đấu thành công ở SEA Games 23, không dính đến tiêu cực, kết hợp với nhóm cựu binh được sử dụng ở Tiger Cup 2004 và Honda Cup 2005 vừa qua.

 

Trước thềm ASIAD, đội U23+3 sẽ được thành lập. Vấn đề ở chỗ, LĐBĐVN sẽ quyết định tham dự ASIAD 15 là đội U23 đúng tuổi, hay dành cơ hội cho lứa U22, chuẩn bị cho SEA Games 24.

 

Ngày 14-2 tới, LĐBĐVN và HLV Riedl sẽ ngồi với nhau để thống nhất lại.

 

Theo Vũ Bảo Trân

Thể thao Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm