1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thách thức chờ đón chuyên gia ngoại tại V-League 2014

(Dân trí) - Rút kinh nghiệm từ người đồng hương Tanabe, ông Tanaka không phát biểu nhận xét về bóng đá Việt Nam, ở thời điểm mà ông chưa chính thức trở thành trưởng giải V-League. Dù vậy, không khó để nhận thấy một núi áp lực mà ông Tanaka Koji phải đối diện…

Việc ông Tanaka Koji làm trưởng giải V-League có lẽ chỉ còn là việc được tính từng ngày, khi chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho biết sau vòng đấu thứ 3, ông Phạm Ngọc Viễn sẽ thôi không giữ cương vị trưởng giải V-League nữa.

Khi đó, ông Tanaka sẽ đảm nhận vị trí này, thay ông Viễn, đồng thời VPF cũng đã cử ông Trần Duy Ly làm cố vấn cho ông Tanaka, trong những ngày ông ngồi ghế trưởng giải. Phía VPF cho biết là ngày 7/2 tới đây, nhiều khả năng 2 bên sẽ chính thức ký hợp đồng.

Đấy cũng là thời điểm mà vị chuyên gia người Nhật sẽ chính thức đối diện với hàng núi công việc, ở một trong những vị trí nhiều áp lực nhất ở V-League (vị chí còn lại là ghế trưởng Ban trọng tài).

Ông Tanaka đã xem một trận đấu thuộc V-League 2014 ở sân Đồng Nai, và có lẽ ông không khó để nhân ra rằng cái sân rộng thênh thang ấy trống vắng khán giả đến lạ lùng.

Ông Tanaka (trái) sẽ đương đầu với nhiều áp lực nếu ngồi ở ghế trưởng giải V-League
Ông Tanaka (trái) sẽ đương đầu với nhiều áp lực nếu ngồi ở ghế trưởng giải V-League



Chỉ hơn 2.000 khán giả ngồi lọt thỏm giữa các khán đài sân Đồng Nai lộng gió là con số quá ít, so với những gì mà người Nhật vốn quen nhìn thấy nơi giải đấu trong nước của họ.

Không chỉ có sân Đồng Nai, ở nhiều sân bóng khác, tình trạng vắng khán giả là tình trạng chung của bóng đá nội. Mà cũng với một người Nhật như ông Tanaka Koji, chẳng biết ông hình dung như thế nào về chuyện không có khán giả thì lấy gì các đội bóng tự nuôi sống mình?

Đấy cũng là một trong những điều mà VPF muốn ông Tanaka thay đổi, phải tìm cách kéo khán giả trở lại với các sân bóng.

Muốn thế thì phải thay đổi chất lượng các trận đấu, thay đổi chất lượng kỹ thuật của những cầu thủ tham gia trận đấu, vì nói cho cùng, bóng đá cũng chỉ là một sản phẩm và người hâm mộ chính là những người trực tiếp mua sản phẩm ấy, thông qua hình thức mua vé vào sân, trả tiền cước phí để xem truyền hình… Họ ngán sản phẩm trước tiên vì chất lượng sản phẩm không tốt!

Chỉ cần xem một trận ở vòng đầu V-League 2014, có lẽ ông Tanaka Koji cũng không khó hình dung chất lượng kỹ thuật của các cầu thủ Việt Nam đang ở mức nào.

Dạng cầu thủ không thể tổ chức tấn công bằng cách phối hợp nhóm quá 3 – 4 đường chuyền đã để mất bóng không thể gọi là cầu thủ giàu kỹ thuật. Người hâm mộ cũng quá ngán đến cảnh đa số các đội tại V-League đều chơi na ná nhau.

Đấy là lối chơi chạy nhanh, chuyền dài, đá mạnh, bóng chủ yếu được “bơm” cho các ngoại binh to khỏe ở phía trên, dùng sức mạnh càn lướt qua các hậu vệ đối phương rồi tìm cơ hội dứt điểm, chứ không phải tấn công bằng các pha phối hợp bật tường với tốc độ cao.

Ông Tanaka Koji có lẽ cũng không thể hình dung rằng cầu thủ Việt Nam bây giờ đá tấn công hay phản công đều không khác gì nhau, vì tấn công hay phản công gì họ cũng chủ yếu sử dụng nhiều bóng dài, dùng nhiều đến yếu tố sức mạnh, do kỹ thuật kém.

Mà thay đổi nền tảng kỹ thuật của cả một thế hệ đang đá bóng tại V-League không phải là chuyện ngày một ngày hai. Đấy cũng chưa chắc là chuyện mà một ông trưởng giải có thể làm được.

Trong khi nếu không thay đổi chất lượng kỹ thuật của cả nền bóng đá thì e rằng rất khó kéo khán giả trở lại với sân bóng, và nhiệm vụ quan trọng nhất của vị chuyên gia người Nhật Bản xem như thất bại (bóng đá mà không có khán giả thì còn lâu mới có thể bàn đến chuyện xây dựng một CLB chuyên nghiệp đúng nghĩa, còn lâu mới nghĩ đến được các bước đi xa hơn, cao hơn!).

Cái khó khác cho ông Tanaka Koji nếu ông ngồi ghế trưởng giải là ở chỗ những người làm bóng đá Việt Nam lâu nay toàn làm theo kiểu đối phó.

Điều mà bóng đá Việt Nam cần thay đổi nhất ở thời điểm hiện nay chính là thay đổi tư duy và cách làm bóng đá từ chính các CLB nghiệp dư nhưng lại được gắn mác chuyên nghiệp, trong khi ông Tanaka lại ngồi tít ở cái ghế trưởng giải, giống như lúc đang cần chăm lo cho phần gốc thì người ta lại mời một chuyên gia tỉa… ngọn về giám sát cái gốc.

Kim Điền