Tết này con không về...
ĐTQG nữ phải xa nhà thi đấu vòng loại Olympic Bắc Kinh tại Thái Lan vào đúng những ngày Tết Đinh Hợi. Tất nhiên, khi phải xa nhà vào những ngày thiêng liêng nhất các tuyển thủ nữ không ai tránh được thì nỗi buồn khi mà không khí cái Tết ngày một náo nức hơn.
Và đằng sau tâm trạng ngổn ngang đó là những nỗi niềm về gia cảnh mà các cô gái bóng đá cố kìm nén trong lòng…
Trung tâm Thành Long heo hút không khí Tết
Vào TPHCM từ ngày 1/2 và tập trung tại Trung tâm Thể thao Thành Long (huyện Bình Chánh, TPHCM) từ đó đến những ngày cận Tết hiện này nhưng dường như các không khí Tết chưa lúc nào chạm cửa nơi này. Quanh quẩn cái trung tâm thể thao rộng hơn 7 héc-ta chỉ có 30 thầy trò HLV Trần Ngọc Thái Tuấn và một số cầu thủ trẻ và nhân viên của Thành Long.
Chẳng thế mà cứ mỗi buổi tối, sau khi cơm nước xong các tuyển thủ nữ lại chuẩn bị tinh thần để “đối phó” với sự thừa thải, trống vắng của cả buổi tối. Một số tuyển thủ tha thẩn, hết đứng rồi lại ngồi ở các bậc thềm ở dãy nhà Thành Long 3 vừa…đập muỗi đen đét. Số khác có năng khiều bi-da thì vào bàn chọc vài đường cơ trên chiếc bàn pool duy nhất tại Trung tâm Thành Long.
Là con gái nên hầu hết các tuyển thủ chúng ta đều có “máu” ăn vặt nên địa chỉ “hợp gu” nhất là quán nghêu-sò-ốc ở bên ngoài cách trung tâm chừng 500 mét. Quán này thân quen với cầu thủ nữ đến nỗi đến nỗi chủ quán ở đây là một cô gái hơi tròn trịa được các tuyển thủ đặt luôn cho cái tên “Chị béo” và mỗi lần “chị béo” và “các em” gặp nhau mừng, đùa giỡn như người thân lâu ngày gặp nhau.
Thế nhưng, dường như không khí Tết dường như chưa gõ cửa vào các “ốc đảo” Thành Long nên các tuyển thủ phía Bắc ngồi nói chuyện rồi quay sang hỏi nhau: “Ngoài mình giờ này ở nhà là nhộn nhịp mua quà, bánh chưng, hoa, sao trong này chẳng thấy gì nhỉ”. Điều này có khi lại hay vì tiền vệ Minh Nguyệt (Hà Tây) nói: “Thà nhìn quạnh quẽ buồn còn hơn thấy không khí Tết xốn xang trong lòng lại nhớ nhà, nhớ quê”. Có lẽ đó chỉ là một cách nói mà các cầu thủ tự an ủi chính mình.
Mỗi người mỗi nỗi niềm riêng
Quanh năm xa nhà biền biệt để tập luyện, thi đấu và chỉ chờ đến Tết là về nhà bên gia đình người thân nhưng những ngày thiêng liêng của Tết Đinh Hợi, các nữ cầu thủ lại phải xa quê và với tất cả đấy đều là lần đầu tiên họ phải niếm trải cảm giác này.
Đầu tháng 10/1967, Trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh cùng 26 cầu thủ Thể Công ở độ tuổi 17, 18, em út của đội là Hoàng Văn Gia (hiện là HLV phó ở ĐTQG) lên tàu đi xuyên qua Trung Quốc sang Bắc Triều Tiên.
Trong danh sách hồi ấy, có rất nhiều cầu thủ đã nổi danh trên sân cỏ và tiếp tục gắn bó với bóng đá tới bây giờ. Đó là Vương Tiến Dũng (hiện là HLV Hòa Phát - Hà Nội), Nguyễn Trọng Giáp (Phó phòng các ĐTQG - VFF), Vũ Mạnh Hải (Phó tổng biên tập báo Bóng đá), Nguyễn Văn Nhật (cựu trưởng đoàn Thể Công)...
Tết Mậu Thân năm đó, thày trò các cầu thủ Thể Công không những phải chịu cái lạnh -17 độ C mà còn phải trải qua nỗi cô đơn, xa nhà. Sau này, ông Vương Tiến Dũng nhớ lại:
" Mang tiếng đi nước ngoài, nhưng những ngày tháng tập luyện bên đất bạn cũng gian khổ không kém, khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Khi tập chạy việt dã xong, tay cứng lại rút găng ra khó khăn, đã có anh em khóc.
Nhưng rồi, mọi người cũng được an ủi khi được Đại sứ quán Việt Nam ở bên đó tổ chức cho ăn Tết, có cả bánh chưng và hành mỡ". |
Bên cạnh những hy sinh cho nghề nghiệp thì con đường đến với bóng đá của nhiều tuyển thủ nữ VN có những gia cảnh khá đặc biệt, chịu nhiều mất mát, thiệt thòi về tình cảm. Tiền vệ Nguyễn Thị Minh Nguyệt (nhà huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây), năm rồi bố của chị qua đời vì bạo bệnh và đang lẽ với cái Tết đầu tiên vắng bố chị phải có mặt bên cạnh mẹ, anh trai cho căn nhà bớt lạnh lẽo. Minh Nguyệt nói: “Dù cố gắng không suy nghĩ nhiều nhưng chợt lòng nhớ đến lại thấy thương mẹ quá”.
Bố của tiền đạo Tuyết Mai mất sớm, chị gái ăn Tết bên nhà chồng nên nhà chỉ còn mẹ và em gái. Nếu như mọi khi thì cả nhà lại tụ họp đầm ấm thì năm nay “nhân vật chính” lại đón Tết ở Thái Lan. Cũng chung hoàn cảnh mất bố như Minh Nguyệt, Tuyết Mai còn còn hậu vệ Ngọc Anh (Hà Nội), Lê Thị Hiền (Than Cửa Ông).
Gia cảnh của tiền vệ Vũ Huyền Linh (Hà Nội) lại khác, từ tấm bé Linh thiếu vắng hẳn tình thương của bố và đã sống trong sự yêu thương của mẹ và ông bà ngoại nên chị luôn coi đó là chỗ dựa tinh thần cho mình. Dù luôn có bề ngoài mạnh mẽ, tự tin và hay đùa giỡn nhưng các tuyển thủ như Ngọc Anh, Huyền Linh hay Lê Thị Hiền thường hay im lặng, nhìn xa xăm khi nghe đến chuyện Tết nhất.
Trường hợp của hậu vệ Ánh Tuyết (Hà Tây) cũng đặc biệt không kém, vì cho đến thời điểm hiện tại Ánh Tuyết là một trong hai cầu thủ nữ VN (cùng với Lê Thị Hoài Thu) đã lập gia đình mà vẫn tiếp tục đá bóng.
Đám cưới xong đầy chưa 1 tuần ngày, chưa kịp vun vén tổ ấm Ánh Tuyết được triệu tập vào ĐTQG ở Nhổn rồi sau đó vào luôn TPHCM để đi biền biệt từ đây đến mùng 8 Tết mới về lại Hà Nội. Ánh Tuyết ngậm ngùi nói: “Lúc còn tập trung ở Nhổn, tuần nào thứ 7, Chủ Nhật chồng cũng lên đón về. Còn bây giờ có nhớ cũng phải giấu mà khóc thầm chứ làm gì”.
Đối với nhóm cầu thủ của Hà Nam như Văn Thị Thanh, Khánh Thu, Hải Anh, Nguyễn Thị Hương thì việc tập trung liên miên lên tuyển rồi vào TPHCM khiến chuyện học hành ở Đại học TDTT 1 cũng vì thế mà bị ngắt quãng, các môn học nợ chồng, nợ chất. Hậu vệ Khánh Thu đùa: “Chắc sau khi về tụi em chẳng còn thời gian để mà ăn Tết muộn nữa. Lúc đó è cổ ra mà học, thi lại để bù thời gian nghỉ chắc hết hơi”.
Trong đợt tập trung lần này, TPHCM có 5 người là đội trưởng Kim Chi, tiền vệ Kim Hồng, TM Kiều Chinh, Lê Thị Tuyết Mai, hậu vệ Ngô Thị Hạnh và Kim Loan. Tuy vậy, trong số này chỉ có tiền vệ Kim Hồng là nhà ở ngoại thành TPHCM còn các cầu thủ còn lại đều quê ở tỉnh (Kim Chi ở Bến Tre, Ngô Thị Hạnh, Tuyết Mai ở Quãng Ngãi, Kiều Chinh ở Đồng Tháp), chính vì thế cái Tết mà được chờ sẽ về sau cả năm đi biền biệt coi như đi…tong.
Chính vì thi đấu vào thời điểm oái ăm nên có khi đội tuyển gút danh sách đăng ký thì các cầu thủ bị loại trong nỗi buồn ít ra cũng được “phần thưởng” an ủi là: được về nhà ăn Tết. Nếu như trong các đợt tập trung khác khi Đội tuyển gút danh sách cuối cùng, nếu bị loại thì thế nào cũng có cầu thủ về phòng vùi vào gối mà…khóc.
HLV và các học trò ĐTBĐ nữ vẫn đang miệt mài tập luyện trong những ngày Tết. |
Đợt tập trung này có 5 cầu thủ sống trong tâm trạng nửa buồn, nửa vui là: tiền vệ Kim Tiến (Hà Nội, chấn thương) và 4 cầu thủ trẻ mới được lên tuyển lần đầu là Bùi Thị Như (Hà Nam), Nguyễn Thị Hải Hòa (Thái Nguyên), Kim Loan (TPHCM), Nguyễn Thị Hải (Than Cửa Ông).
Nếu như các tuyển thủ nữ phải ăn Tết xa bố mẹ, người thân thì với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho cầu thủ, bác sĩ Phạm Thị Thuỷ (Hà Nội) lại để cho chồng và các con tự “xoay” với nhau mà ăn Tết.
Về phía Ban huấn luyện, ngoài trợ lý Nguyễn Thúy Nga phải quây quần với các đàn em thì HLV Thái Tuấn cũng ấm lòng phần nào vì trong những ngày giáp Tết được vợ (từ An Giang lên) và con trai (đang học tại TPHCM) ghé lên thăm.
Riêng với Trợ lý ngôn ngữ Ngô Lê Bằng, vừa “buông” được việc ở ĐTQG nam lại “bập” ngay vào việc ở ĐTQG nữ nên coi năm nay ông Bằng ngồi ở nhà “chưa kịp nóng chiếc ghế”. Tuy vậy, Ngô Lê Bằng cũng hài hước: “Ăn Tết xa vợ coi thử có vui hơn không?”.
Nói là nói vậy thôi nhưng trong tâm khảm, mọi người đều đang cố “găm” trong lòng những cảm xúc riêng tư để làm nhiệm vụ quốc gia và giây phút đang sợ nhất với thầy trò đội tuyển nữ có lẽ là thời khắc mà họ chờ đón đồng hồ điểm tiếng chuông giao thừa.
Chút niềm vui an ủi
Mặc dù trong lòng ai cũng chất chứa tâm trạng nhưng tất cả thầy trò ông Thái Tuấn đều hiểu rằng họ đang vinh dự khoác lên mình chiếc áo và làm nhiệm vụ quốc gia. Vì thế họ đều ý thức được rằng, chỉ có thi đấu tốt, chiến thắng mới đem lại niềm vui cho người hâm mô là nhiệm vụ mà họ đang hướng đến phía trước.
Trong những ngày tập trung ở Thành Long các tuyển thủ cũng có không ít niềm vui như ngày 10/2, đội đã có trận giao hữu với CLB Nghệ sĩ TPHCM với nhiều ngôi sao ca nhạc, hài kịch như Ưng Hoàng Phúc, Vân Quang Long, Tiết Cương, Hoàng Sơn…góp mặt. Chính những pha bóng có lúc hơi…vụng của các ngôi sao được yêu thích như Ưng Hoàng Phúc, Vân Quang Long được cầu thủ thủ thích chí vừa đá vừa cười…khoái chí.
Hay như hôm Chủ Nhật, 12/2, sau khi đưa các cầu thủ bị trả về địa phương ra sân bay, các tuyển thủ được “Madam Thái” (bà Nguyễn Xuân Thái, cựu trưởng đoàn CLB Cảng Sài Gòn và ĐTQG nữ) dẫn đi bát phố Sài Gòn ngắm Tết và khao một bữa thịnh soạn.
Tổ chức cho các tuyển thủ ăn Tết sớm, LĐBĐVN và Trung tâm Thành Long cũng sẽ làm lễ Tất niên thật tưng bừng và tặng quà cho đội tuyển vào ngày 28 Tết coi như là buổi tiệc ăn Tết Đinh Hợi sớm.
Và có một điều khá tế nhị mà mỗi cầu thủ ít khi nhắc đến là việc cống hiến cho ĐTQG cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ cải thiện được thu nhập. Một cầu thủ tâm sự rất thật: “Theo nghiệp cầu thủ, thiệt thòi trăm bề mà hầu hết gia cảnh của hầu hết đều khó khăn, ở quê trong khi thu nhập ở CLB lại chẳng có gì cả.
Chỉ có khi lên đội tuyển tụi em mới được tiền lương, thưởng chế độ tốt hơn. Vì thế Tết này tuy xa quê nhưng tụi em sẽ cố gắng quên điều đó để thi đấu thật tốt. Hy vọng khi đá xong, những tiền lương, thưởng mang về nhà sẽ giúp được bố mẹ, gia đình nhiều việc. Nghĩ thế tui em cũng thấy mình được an ủi nhiều”.
Theo Nguyên An
VTC