1. Dòng sự kiện:
  2. Góc tối ở tuyển TDDC Quốc gia
  3. Hậu trường nhân vật thể thao

Taekwondo Việt Nam không có suất dự Olympic: Cần được mổ xẻ nghiêm túc

(Dân trí) - Được xem là một trong những môn mạnh nhất của thể thao Việt Nam tại các kỳ Asiad và Olympic, nhưng việc Taekwondo liên tục trắng tay ở các giải đấu nói trên trong thời gian gần đây đặt ra câu hỏi rằng liệu chúng ta có còn phát triển đúng hướng?

Taekwondo là môn thể thao mang về tấm huy chương đầu tiên cho Việt Nam ở đấu trường Olympic (HCB của Trần Hiếu Ngân năm 2000). Còn ở các kỳ Asiad, Taekwondo cũng luôn là một trong những môn thế mạnh, có thể giúp cho thể thao Việt Nam cạnh tranh HCV.

Thế nhưng, ở các kỳ Asiad gần đây, cụ thể là ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010 và Incheon (Hàn Quốc) năm 2014, Taekwondo không còn giữ được thế cạnh tranh HCV. Tấm huy chương sáng giá gần nhất mà Taekwondo Việt Nam ở đấu trường Á vận hội là HCB của Hoàng Hà Giang (hạng cân 49kg nữ), tại Doha (Qatar) năm 2006.

Sự đi xuống theo hướng chậm dần đều, đỉnh điểm là việc Taekwondo không giành nổi suất nào để đến Olympic Rio năm nay cho thấy sự suy yếu có hệ thống của bộ môn này, rằng chúng ta không còn nằm trong nhóm đầu của châu Á ở một số hạng cân (chủ yếu là từ hạng cân trung bình và hạng cân nhỏ) như trước đây là chuyện có thật.

Taekwondo không còn là môn thể mạnh của thể thao Việt Nam ở đấu trường Asiad và Olympic
Taekwondo không còn là môn thể mạnh của thể thao Việt Nam ở đấu trường Asiad và Olympic

Taekwondo có thể vừa có 2 HCV ở giải vô địch châu Á, nhưng đấy là ở các nội dung quyền, những nội dung mang tính biểu diễn, trong khi những đấu trường danh giá hơn tầm Asiad và cao hơn nữa là Olympic, người ta không chú trọng đến các môn mang tính biểu diễn.

Đấy cũng có thể là một trong những nguyên nhân sa sút của Taekwondo Việt Nam, khi hướng phát triển có vẻ thiên về các nội dung biểu diễn, ít tính cạnh tranh, hơn là thiên về các nội dung đối kháng, nơi chúng ta từng sản sinh ra những Trần Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ (HCV Asiad 1994), Hồ Nhất Thống (1998), hay Hoàng Hà Giang.

Đây có thể là sự đầu tư lệch hướng của bộ môn Taekwondo, bởi chủ trương của ngành TDTT nói chung trong vài năm trở lại đây là chuyển từ đầu tư dàn trải sang đầu tư trọng điểm, hướng về những môn và những nội dung mang tính cạnh tranh tại đấu trường Olympic và Asiad.

Ngược lại, Taekwondo với việc chỉ mạnh trong các nội dung biểu diễn, suy yếu ở những nội dung đối kháng (vốn được nhiều quốc gia ưa chuộng tại Asiad và Olympic) có vẻ đang đi ngược với xu thế chung của ngành TDTT, đi ngược với xu thế chung trong việc tiếp cận trình độ Olympic.

Công tác tìm kiếm tài năng ở những thế hệ kế cận cũng không còn được đánh giá cao, bởi người ta không còn nhìn thấy nhiều gương mặt sáng giá, xứng đáng gọi là “độc cô cầu bại” của từng VĐV ở từng hạng cân mà họ thi đấu, như Trần Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống kể trên, hay Nguyễn Thị Huyền Diệu, Nguyễn Quốc Huân và anh em Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Trọng Cường… sau này.

Sau thất bại tại vòng loại Olympic cách nay mấy ngày, cả bộ môn Taekwondo – thuộc Tổng cục TDTT, lẫn Liên đoàn Taekwondo Việt Nam vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng và thấu đáo cho việc chúng ta không thể có đại diện dự Thế vận hội, trong khi ngành TDTT và người hâm mộ nói chung vẫn đang chờ lời câu trả lời cho việc vì sao từ cường quốc Taekwondo hàng đầu châu Á, liên tiếp nhiều năm nay, chúng ta hầu như không còn là đối trọng đáng kể của các quốc gia ở châu lục trong việc tranh chấp tại Asiad và Olympic?

Kim Điền

Taekwondo Việt Nam không có suất dự Olympic: Cần được mổ xẻ nghiêm túc - 2

Dòng sự kiện: Olympic Rio 2016