1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Ngẫm chuyện nhà:

Sự nổi tiếng xót xa...

(Dân trí) - Làm chuyên nghiệp cốt là biến bóng đá thành một ngành kinh doanh, một thương hiệu. Suy cho cùng là biến BĐ thành một cỗ máy kiếm tiền để trước là nuôi chính nó và sau là đóng góp cho nền kinh tế.

Xét trên bình diện kinh tế, mỗi CLB hay ĐTQG đều là một doanh nghiệp. Chỉ có điều, sản phẩm của doanh nghiệp đó có tính đặc thù cao, ngoài mục đích kinh doanh, “sản phẩm BĐ” không bao giờ được phép xa rời mục đích phục vụ khán giả.

 

Là một doanh nghiệp, muốn gầy dựng uy tín, cần một thương hiệu mạnh và một chiến lược rạch ròi để quảng bá và giữ gìn thương hiệu đó. Nói vậy, BĐ chuyên nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn “doanh nghiệp hóa” là chuyện thương hiệu.

 

Bởi thế, khi thấy những tin tức về ĐTVN hoặc V-League được đăng trên các báo nước ngoài, ắt những người làm BĐVN phải vui sướng lắm. Không sướng sao được khi cái giải gắn mác chuyên nghiệp của ta được những hãng tin hàng đầu quan tâm, nghĩa là được cả thế giới biết đến.

 

Từ cuối năm 2005 đến nay, V-League và ĐTVN xuất hiện thường xuyên lắm trên các tờ báo quốc tế. Từ chuyện các fans hâm mộ đua nhau hiến thận cho HLV Riedl, đến “Chiến dịch bàn tay sạch của VFF”, và mới đây nhất là “hợp đồng tại trợ kỷ lục của V-League với PetroVietnam”.

 

Đó là tín hiệu vui nếu hiểu theo nghĩa xưa nay trong con mắt thế giới, BĐ ĐNÁ đồng nghĩa với “ông kẹ” Thái Lan, đồng nghĩa với cái giải VĐ chuyên nghiệp và “Tây hóa” đầu tiên của người Singapore. Giờ thì thế giới đã biết đến VN, ít nhất là một ĐTQG và một giải đấu có tên là V-League.

 

Chỉ có điều, những ai chịu khó lướt web sẽ dễ dàng nhận thấy Reuters, AFP, AP… bắt đầu chú ý đến BĐVN từ vụ tiêu cực của các “vua áo đen” mùa giải 2005, và đỉnh điểm là vụ bán độ động trời ở SEA Games 23.

 

Lúc đó, những dòng tin ngắn tũn với những cái title thẳng tuột theo đúng phong cách báo chí phương Tây xuất hiện đều đặn. “7 cầu thủ VN bị khởi tố vì dàn xếp tỷ số”, “hàng chục trọng tài bị bắt vì nhận hối lộ”, “Nền bóng đá VN chao đảo vì tiêu cực”, “LĐBĐ VN kết hợp với cơ quan an ninh trong chiến dịch bàn tay sạch”,… đó là những gì mà BĐVN đem lại trong nhận thức của thế giới.

 

Và đã gần trọn 1 năm từ chuỗi ngày đen tối đó, những sự kiện nổi bật của BĐVN đã được chú ý hơn. Giờ, không khó để tìm những dòng tin đại loại như “HA.GL tiếp cận Arsenal”, “Hợp đồng tài trợ kỷ lục cho V-League VN” hay “Hàng trăm người tình nguyện hiến thận cho HLV ĐTQG”.

 

Chỉ có điều, theo cái cách đưa tin “mở cửa thấy núi” của báo phương Tây, “câu chốt” của một cái tin V-League thường là: “Năm trước, nền bóng đá nước này đã chao đảo bởi vụ hối lộ các trọng tài”, và với ĐTQG là: “Hàng loạt tuyển thủ VN đã bị truy tố bởi hành vi dàn xếp tỷ số ở SEA Games 2005”.

 

Vô tình, những vụ tiêu cực đồng trời đã khiến thế giới chú ý đến BĐVN. Cái “thương hiệu” của BĐ nước nhà đã được lan truyền ra khắp thế giới, dù là cái thương hiệu khốn khổ gắn liền với những vụ việc không sạch sẽ.

 

Lý giải thế nào, tiêu cực đã làm phương hại hình ảnh BĐVN, hay “nhờ” nó mà BĐVN đến được với bạn bè quốc tế? Là tôi, thay vì tìm lời lý giải, tôi chỉ thấy xót xa…

Hồng Kỹ