Sự bất hợp lý trong việc để U19 HAGL dự giải sinh viên Đông Nam Á

(Dân trí) - Không chỉ có các cựu tuyển thủ U19 quốc gia, mà nhiều cầu thủ khác của học viện HAGL-Arsenal.JMG cũng như cầu thủ trẻ của HA Gia Lai sẽ tham dự Đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam Á, một việc làm gần như đi ngược lại tiến trình phát triển.

Bóp chết phong trào thể thao học đường

Nguyên cả lứa cầu thủ từng khoác áo U19 Việt Nam, thuộc học viện HAGL-Arsenal.JMG, cùng những cầu thủ khác thuộc đội trẻ của CLB này đại diện cho sinh viên Việt Nam, tham dự Đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam Á 2014 cũng có nghĩa là hàng vạn sinh viên khác trên cả nước mất cơ hội đến với sân chơi lẽ ra phải dành cho chính họ.

Nên nhớ kỹ tiêu chí của Đại hội thể thao Sinh viên Đông Nam Á hay bất cứ đại hội thể thao học đường nào cũng là để kích thích phong trào thể thao học đường, tạo ra ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao cho những sinh viên thực thụ, hàng ngày vẫn cắp sách đến giảng đường, có cơ hội tạm quên đi những nhọc nhằn trong học tập, tạm quên đi những nỗi lo về cơm-áo-gạo-tiền, tìm tiếng cười, tái tạo năng lượng thông qua thể thao.

Ở Việt Nam những năm gần đây cũng vậy, câu chuyện phát triển thể thao từ học đường là câu chuyện những nhà hoạch địch chiến lược thể thao của nước nhà cứ mãi trăn trở.

Mục tiêu của chúng ta là tìm hướng phát triển sâu, rộng mô hình này, như người Mỹ, người Nhật và người Hàn Quốc vẫn làm, rồi từ đó tuyển chọn nhân tài từ học đường, chứ không phải làm theo kiểu đem tài năng sẵn có trong thể thao, ném ngược lại vào các trường, trước khi bắt buộc phải sử dụng lực lượng ấy.

U19 HA Gia Lai dự Đại hội Sinh viên khu vực: Đi ngược tiến trình phát triển
Tham dự Đại hội Sinh viên Đông Nam Á, cầu thủ của bầu Đức đang triệt tiêu cơ hội vươn lên của hàng vạn sinh viên khác


Bây giờ, cử nguyên đội hình của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, không cần qua tuyển chọn thì có thể gọi là công bằng? Làm như thế khác nào bóp chết tinh thần của thể thao học đường. Làm thế khác nào phủ nhận những giải bóng đá sinh viên từng khu vực và trên toàn quốc được tổ chức rầm rộ hàng năm.

Làm vậy khác nào biến các giải đấu vừa nêu trở thành hình thức, vì tiêu chí tuyển chọn nhân tài từ học đường không còn. Không cho các sinh viên thực thụ tham gia đội tuyển, làm sao phát hiện ra tài năng của họ? Rồi làm sao đánh giá đủ và đúng về tốc độ phát triển thể thao học đường ở Việt Nam hiện nay, để mà có hướng đi tiếp theo cho phù hợp?

Đem cầu thủ chuyên nghiệp đá giải phong trào: Chuyện chỉ có ở Việt Nam

Ở chiều ngược lại, việc sử dụng dàn cầu thủ U19 của bầu Đức đá giải sinh viên Đông Nam Á đúng là điều chỉ có những người làm bóng đá Việt Nam nghĩ ra.

Lứa cầu thủ này sang năm sẽ đá V-League, xem như chuẩn bị trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Trên thế giới, cầu thủ chuyên nghiệp và VĐV đỉnh cao xuất thân từ thể thao học đường, từ các giảng đường Đại học không hiếm. Tuy nhiên, khác biệt cơ bản ở đây nằm ở chỗ, thể thao học đường là bàn đạp để VĐV từ đấy vươn lên đỉnh cao, rồi sau khi trở thành VĐV chuyên nghiệp rồi, họ sẽ không quay lại đá các giải đấu cấp độ sinh viên nữa, mà nhường chỗ đấy cho người khác, có nhu cầu và cần các giải đấu ấy hơn họ, chứ không phải ngược lại.

Trong bóng đá Việt Nam, cũng có trường hợp của Lưu Ngọc Hùng (Cảng Sài Gòn, V.Ninh Bình, K.Kiên Giang), Nguyễn Ngọc Thanh (Ngân hàng Đông Á, Hải Phòng, SHB Đà Nẵng), Hải Anh (Đồng Nai)… cũng từng phát triển tài năng từ phong trào bóng đá sinh viên.

Nhưng giờ, sau khi đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp rồi, bảo họ quay trở lại đá các giải sinh viên, các giải phong trào, chẳng khác nào đem dao mổ trâu đi… giết gà. Việc làm đấy vừa vô ích, vừa nực cười.

Thành ra, chuyện cầu thủ chuyên nghiệp tương lai của HA Gia Lai đi đá giải sinh viên chẳng khác nào câu chuyện người ta đem học sinh vừa giành giải quốc tế về thi giải học sinh giỏi cấp trường.

Cách làm ấy nếu không bảo là “bệnh thành tích” cũng chẳng được. Rồi lỡ như lứa cầu thủ của bầu Đức có giành thành tích cao tại giải Sinh viên Đông Nam Á thì đấy cũng đâu phải thành tích phản ánh đúng tính chất của phong trào thể thao sinh viên Việt Nam!

Trọng Vũ