So sánh thực lực của đội tuyển Việt Nam với Iran, Iraq và Yemen
(Dân trí) - Nằm trong bảng đấu có 2 nhà cựu vô địch Iran và Iraq, cộng thêm Yemen, hy vọng vượt qua vòng bảng của đội tuyển Việt Nam gặp nhiều thách thức. So với đội tuyển Việt Nam, đội bóng khác thuộc Đông Nam Á là Thái Lan thuận lợi hơn nhiều.
Trái với mong đợi của nhiều người, đội tuyển Việt Nam không nằm trong bảng nhẹ, chúng ta cũng không đụng các đại diện khác của khu vực Đông Nam Á, gồm Thái Lan và Philippines ở vòng bảng.
Thay vào đó, đội bóng của HLV Park Hang Seo thuộc bảng D, cùng với các đội Iran, Iraq và Yemen. Đây là bảng đấu không hề dễ chịu với đội tuyển Việt Nam.
Trong số 4 đội bóng tại bảng D, Iran dĩ nhiên là đội được đánh giá cao nhất. Đội bóng này từng 3 lần vô địch Asian Cup, vào các năm 1968, 1972 và 1976. Họ là đội giàu truyền thống thứ nhì ở giải vô địch bóng đá châu Á, chỉ sau Nhật Bản (4 lần vô địch Asian Cup).
Ngoài ra, Iran cũng nhiều lần tham dự đấu trường World Cup, luôn chứng tỏ được vị thế của nền bóng đá hàng đầu châu lục, bên cạnh nhóm 3 đại gia khác gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia.
Chính vì vậy, Iran là ứng cử viên hàng đầu cho 1 trong 2 vé chính thức của bảng D để vào vòng 1/8. Chiếc vé chính thức còn lại, được dự đoán ưu thế sẽ thuộc về Iraq, nhà vô địch Asian Cup 2007.
Đấy cũng là giải đấu mà Iraq thắng đội tuyển Việt Nam tại tứ kết để sau đó lên ngôi vô địch. Năm 2007 cũng là kỳ giải duy nhất cho đến thời điểm này, đội tuyển Việt Nam và Iraq đối đầu nhau ở một kỳ VCK giải vô địch bóng đá châu Á.
Đối thủ còn lại của đội tuyển Việt Nam trong bảng D là Yemen. Đây là bảng đấu mà đội bóng của HLV Park Hang Seo là đội duy nhất đến từ phía Đông châu Á, đối diện với cả 3 đối thủ đều thuộc Tây Á.
Đội tuyển Việt Nam thường rất có duyên trước các đối thủ Tây Á. Khi gặp các đội bóng Tây Á, các đội tuyển Việt Nam thường có kết quả có lợi hơn là gặp các đội phía Đông châu Á. Dù vậy, do Iran trên tài bóng đá Việt Nam rất xa, nên đội bóng của HLV Park Hang Seo khó gây bất ngờ trước đối thủ này.
Nếu để đi tìm đội bóng mà đội tuyển Việt Nam có thể hy vọng vào một chiến thắng ở bảng D, đội đó sẽ là Yemen, đội về lý thuyết yếu nhất trong số 3 đội Tây Á tại bảng D.
Trong trường hợp thắng Yemen, đội tuyển Việt Nam vẫn còn hy vọng vào vòng 1/8, thông qua suất vé vớt, dành cho 4/6 đội đứng thứ 3 tại các bảng, có thành tích tốt nhất.
Nếu thắng Yemen và cố gắng tìm 1 điểm trước Iraq, cơ hội sẽ tiếp tục lớn hơn với đội bóng của HLV Park Hang Seo. Dẫu đối thủ khá mạnh, so với chúng ta, nhưng cơ hội tạo bất ngờ không phải không có, với điều kiện đội có chiến thuật hợp lý và các cầu thủ thực hiện tốt trên sân.
Nhìn chung, đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng đấu nặng hơn so với hy vọng của nhiều người trước khi lễ bốc thăm diễn ra, nhưng cơ hội chưa phải đã hết đối với chúng ta.
Còn nếu so với đội bóng láng giềng Thái Lan, bảng đấu của đội tuyển Việt Nam căng hơn. Cụ thể, Thái Lan nằm ở bảng A cùng chủ nhà UAE, Ấn Độ và Bahrain.
Trong số này, Ấn Độ dưới trình độ của đội bóng đất Chùa Vàng, Bahrain cũng không hơn Thái Lan, chỉ có UAE là nhỉnh hơn nhờ ưu thế sân nhà. Ở bảng đấu như thế, Thái Lan nhiều khả năng sẽ vượt qua vòng bảng.
Trong khi đó, đội còn lại của khu vực Đông Nam Á tại Asian Cup 2019 là Philippines, rơi vào bảng đấu có tính chất tương tự như bảng D của đội tuyển Việt Nam. Đối thủ của Philippines ở bảng C gồm Hàn Quốc, Trung Quốc và Kyrgyzstan, thì 2 đội quá mạnh so với Philippines (Hàn Quốc, Trung Quốc), đội kia Philippines có thể giải quyết nếu thi đấu tốt (Kyrgyzstan).
VCK Asian Cup 2019 sẽ diễn ra từ ngày 5/1 đến ngày 1/2/2019 tại UAE, tức chưa đến 3 tuần sau khi AFF Cup 2018 kết thúc (vào ngày 15/12), nên đấy sẽ là thách thức cho các đội thuộc Đông Nam Á.
Kim Điền