Siêu giải đấu European Super League sẽ làm loạn thế giới bóng đá?

H.Long

(Dân trí) - European Super League là siêu giải đấu quy tụ những đội bóng mạnh nhất của bóng đá châu Âu ở thời điểm này. Tuy nhiên, sự ra đời của giải đấu này có thể khiến thế giới bóng đá đảo điên.

European Super League là gì?

Đêm qua, đại diện của 12 CLB hàng đầu châu Âu lúc này đã cùng thống nhất thành lập siêu giải đấu European Super League. Trong đó bao gồm 6 đội bóng của Anh là Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham, 3 CLB của Tây Ban Nha là Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, 3 CLB của Italia là Juventus, AC Milan và Inter.

Siêu giải đấu European Super League sẽ làm loạn thế giới bóng đá? - 1

Siêu giải đấu European Super League đang đe dọa sự ổn định của thế giới bóng đá.

Trong đó, Chủ tịch của Real Madrid, Florentino Perez được bầu làm chủ tịch ban điều hành Super League. Hai phó chủ tịch là Andrea Agnelli (chủ tịch của Juventus) và Joel Glazer (người sở hữu Man Utd).

Trước đó, hai CLB của Đức là Dortmund, Bayern Munich cũng như CLB PSG của Pháp đã đồng ý nhưng họ bất ngờ rút lui vào phút chót. Theo mong muốn của những người khởi xướng European Super League, họ cần 15 đội bóng tham dự cố định (3 suất này đáng ra thuộc về Dortmund, Bayern Munich, PSG) và 5 CLB khác tham dự theo sự tuyển chọn vào mỗi mùa giải.

Theo dự kiến, mùa giải European Super League sẽ diễn ra vào tháng 8 hàng năm. Các trận đấu diễn ra vào giữa tuần và không trùng với lịch thi đấu ở giải VĐQG. Do đó, các đội bóng dự European Super League vẫn có thể thi đấu ở giải quốc nội.

20 CLB sẽ được chia ra làm 2 bảng, thi đấu vòng tròn lượt đi và về theo thể thức sân nhà sân khách. 3 đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé vào tứ kết. Các đội bóng xếp thứ 4 và 5 ở mỗi bảng sẽ đá play-off sẽ tranh hai suất còn lại. Từ vòng tứ kết, giải đấu sẽ thi đấu loại trực tiếp với hai lượt trận. Riêng trận chung kết sẽ chỉ thi đấu 1 trận.

Vì sao European Super League ra đời?

Thực tế, tham vọng ra đời một siêu giải đấu đã xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Những "CLB sáng lập" (bao gồm các ông lớn ở châu Âu) có tham vọng tạo ra giải đấu với chất lượng của các trận đấu được nâng cao hơn, có tính cạnh tranh nhiều hơn. Tất nhiên, đi kèm với đó là nguồn lợi kinh tế khổng lồ (thậm chí hơn cả Champions League ngày nay). Đơn giản, giải đấu quy tụ gần như toàn bộ "cỗ máy kiếm tiền" trong làng túc cầu.

Siêu giải đấu European Super League sẽ làm loạn thế giới bóng đá? - 2

Nguồn lợi quá lớn khiến các CLB lớn đang trà đạp lên lợi ích chung.

Đặc biệt, khi những CLB lớn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, họ càng có quyết tâm hơn để thực hiện siêu giải đấu này, để kiếm tiền mạnh mẽ hơn.

Ngoài ra, nhóm "CLB sáng lập" cũng không tin rằng thể thức hiện tại của các cúp châu Âu cũng như những cải tổ trong tương lai của UEFA có thể mang tới cho người hâm mộ những trận đấu chất lượng, cũng như thúc đẩy doanh thu (đặc biệt là cho những đội bóng mạnh).

Theo vài nguồn tin, một số tổ chức sẵn sàng tài trợ vài tỷ USD để triển khai dự án European Super League.

Theo ước tính của European Super League, các CLB sáng lập có thể thu về số tiền 3,5 tỷ euro (mà không phải cắt phế cho UEFA). Tính ra, mỗi đội bóng có thể nhận được 400 triệu euro (gấp 4 lần ở Champions League). Trong khi đó, theo thể thức ở các cúp châu Âu, UEFA nắm toàn bộ doanh thu và dựa trên con số đó chia cho các đội bóng tham dự.

FIFA, UEFA phản đối. Án phạt nào cho những "kẻ nổi loạn"?

Đương nhiên, việc các CLB tự ý tách riêng động tới khá nhiều quyền lợi của UEFA lẫn FIFA. Do đó, họ đang phản đối dữ dội. Chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin nhấn mạnh hành động của 12 CLB nói trên là "ích kỷ" và "thiếu tính đoàn kết".

Siêu giải đấu European Super League sẽ làm loạn thế giới bóng đá? - 3

FIFA và UEFA sẽ thẳng tay trừng trị những "kẻ nổi loạn"?

UEFA nhấn mạnh luôn "ủng hộ sự đoàn kết trong bóng đá và mô hình hiện tại đảm bảo doanh thu công bằng cho mọi đội bóng".

Họ đã phát đi thông báo: "Chúng tôi sẽ xem xét tất cả biện pháp ở cả vấn đề tư pháp và thể thao để ngăn chặn European Super League. Các CLB liên quan đến những giải đấu không chính thống sẽ bị cấm thi đấu ở giải quốc nội, châu Âu và thế giới. Những cầu thủ thuộc biên chế của các CLB này sẽ không được thi đấu cho đội tuyển quốc gia".

FIFA từng đưa ra thông báo hồi tháng 1/2021 (khi kế hoạch của các CLB vẫn nằm trong ý tưởng) rằng sẽ không cấp phép cho giải đấu không chính thống. Bất kỳ CLB hay cầu thủ nào liên quan tới giải đấu như vậy sẽ không được thi đấu ở các giải đấu hay liên đoàn thuộc FIFA.

Trong khi đó, giải Premier League có điều khoản yêu cầu các CLB muốn tham dự giải đấu này phải có "sự chấp thuận bằng văn bản của Hội đồng quản trị giải đấu". Nếu tự ý vi phạm thì các CLB sẽ bị phạt rất nặng.

Giả sử, European Super League được tổ chức thì nó sẽ tạo ra sự hỗn loạn, đảo điên trong thế giới bóng đá. Nó khiến thế giới bóng đá đi theo hướng khác, trong đó mọi thứ đều bị đảo lộn và không tuân theo quy tắc nào.

Thủ tướng Anh, Boris Johnson nhấn mạnh: "Các kế hoạch tổ chức giải đấu European Super League sẽ khiến thế giới bóng đá đảo lộn. Chúng tôi ủng hộ quyết định mạnh tay của những nhà quản lý bóng đá. Các CLB có liên quan phải trả lời người hâm mộ và cộng đồng bóng đá trước khi thực hiện kế hoạch nào tiếp theo".

Bởi lẽ đó, nhiều khả năng ý tưởng tổ chức European Super League sẽ chỉ nằm trên giấy. Nó giống như "đứa con không thừa nhận" của thế giới bóng đá. Trong đó, nếu vi phạm thì quyền lực của các CLB và cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ở khía cạnh nào đó, nó có thể phá nát sự ổn định hiện tại của làng túc cầu.