Sáu “vết nhơ” đáng quên trong lịch sử AFF Cup
(Dân trí) - Trong lịch sử kéo dài 22 năm, AFF Cup (trước đó là Tiger Cup) đã chứng kiến không ít “vết nhơ” đáng quên. Cùng điểm lại 5 sự kiện đáng buồn nhất trong lịch sử giải đấu.
Các cầu thủ Indonesia đá về lưới nhà để tránh gặp Việt Nam (năm 1998)
Giải đấu năm 1998 được tổ chức ở Việt Nam đã chứng kiến “vết nhơ không thể gột rửa” khi hai đội Indonesia và Thái Lan đã thể hiện tinh thần phi thể thao đáng lên án. Trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng, Indonesia và Thái Lan gặp nhau để phân định ngôi đầu bảng. Vấn đề ở chỗ, không đội bóng nào muốn gặp chủ nhà Việt Nam.
Vậy là, hai đội đã “diễn kịch” ngay trên sân. Khi tỷ số đang là 2-2, cầu thủ Mursyid Effendi của Indonesia đã cố tình đá phản lưới nhà để… đảm bảo Indonesia thua trận và tránh gặp Việt Nam. Dù vậy, màn kịch này chẳng mang tới kết cục tốt đẹp cho cả hai đội sau đó khi Indonesia và Thái Lan đều thua ở vòng bán kết trước Singapore và Việt Nam. Trong khi đó, cầu thủ Mursyid Effendi đã bị cấm thi đấu suốt đời.
Myanmar bị đuổi tới… 3 cầu thủ (năm 2004)
Năm 2004, Myanmar đã lọt vào vòng bán kết. Ở trận đấu lượt đi trên sân nhà, họ đã để thua Singapore với tỷ số 3-4. Tuy nhiên, ở trận lượt về trên đất Singapore, họ lại dẫn trước đội chủ nhà với tỷ số 2-0 ở hiệp 2 (chỉ cần giữ tỷ số này, Myanmar sẽ đi tiếp với tổng tỷ số 5-4).
Tuy nhiên, thảm họa đã tới với Myanmar khi Yan Paing nhận thẻ đỏ ở phút 70. Chỉ 4 phút sau, Alam Shah đã rút ngắn tỷ số xuống 1-2 cho Singapore. Tới thời điểm cuối trận, trọng tài đã cho Singapore hưởng quả phạt đền. Các cầu thủ Myanmar đã phản đối dữ dội quyết định ấy. Hệ quả, hai cầu thủ Zaw Lynn Tun và Moe Kyaw Thu đã bị truất quyền thi đấu.
Dù Singapore đã bỏ lỡ quả phạt đền nhưng họ dễ dàng ghi 3 bàn vào lưới Myanmar trong thời gian đá hiệp phụ trong bối cảnh đối thủ chỉ còn 8 người trên sân.
Ở giải đấu này, Thái Lan và Việt Nam đều gây thất vọng lớn khi bị loại ngay từ vòng bảng.
Cầu thủ Thái Lan rời sân để phản đối phạt đền (năm 2007)
Ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2007, Singapore và Thái Lan đang cầm chân nhau với tỷ số 1-1. Tuy nhiên, trọng tài Ravichandran đã cho Singapore hưởng quả phạt đền tranh cãi ở phút 83. Quá bất bình vì quyết định ấy, các cầu thủ Thái Lan rủ nhau rời sân để phản đối.
Phải mất tới 15 phút sau, các cầu thủ Thái Lan mới quyết định vào sân… thi đấu tiếp. Cầu thủ Mustafic Fahrudin đã thực hiện thành công quả phạt đền để giúp Singapore giành chiến thắng 2-1. Ở trận lượt về, Singapore đã chơi tốt khi cầm hòa Thái Lan với tỷ số 1-1 và lên ngôi vô địch.
Thủ thành Myanmar tấn công trọng tài (năm 2008)
Trong trận đấu giữa Myanmar và Singapore ở vòng bảng AFF Cup 2008, Singapore tạm thời dẫn trước Myanmar với tỷ số 2-1. Sau đó, Singapore đã vượt lên dẫn trước 3-1 sau tình huống đá phạt nhanh.
Các cầu thủ Myanmar tỏ ra vô cùng bức xúc khi trọng tài cho phép Singapore đá phạt nhanh trong tình huống ấy. Thậm chí, thủ thành Aung Aung Oo đã chạy tới và đẩy trọng tài. Cuối cùng, người gác đền này đã nhận thẻ đỏ và bị treo giò 1 trận.
CĐV Malaysia chiếu đèn laser vào cầu thủ Indonesia, trận đấu phải tạm dừng (năm 2010)
Trận chung kết AFF Cup 2010 phải tạm dừng (khi tỷ số là 0-0) bởi các cầu thủ Indonesia cho rằng họ đã bị những CĐV Malaysia chiếu đèn laser vào mặt. Trọng tài đã phải tới khán đài, để cố gắng thuyết phục những CĐV chủ nhà không được làm như vậy. Sau 8 phút gián đoạn, trận đấu tiếp tục. Kết quả chung cuộc, Malaysia đã giành chiến thắng với tỷ số 3-0.
Trước trận lượt về, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono của Indonesia đã lên tiếng: “Đừng sử dụng đèn tia laser, làm gián đoạn trận đấu và phân tâm các cầu thủ Indonesia như trong trận lượt đi. Hãy giữ vững tinh thần thể thao”. Dù chiến thắng trong trận lượt về nhưng Indonesia vẫn phải ngậm ngùi nhìn đối thủ đăng quang.
CĐV Việt Nam bị hành hung trên khán đài (năm 2014)
Sự cố xảy ra sau trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 (khi Việt Nam thắng 2-1 ngay trên sân của Malaysia). Các CĐV Malaysia đã tràn qua khán đài sân Shah Alam để đánh CĐV Việt Nam. Điều này đã tạo nên khung cảnh hỗn loạn trên khán đài.
Máu đã đổ trên nhiều gương mặt CĐV Việt Nam. Điều đáng nói, không hề có bóng dáng của cảnh sát và lực lượng an ninh sân khi vụ việc xảy ra.
Trong khi đó, ở khán đài phía Đông Bắc – nơi cuồng nhiệt nhất, với sự hiện diện của nhóm giăng băng-rôn Ultras Malaysia, pháo sáng liên tục được đốt ở cuối trận, cộng với pháo thăng thiên được nhóm này phóng thẳng vào giữa sân.
H.Long