Rút ra bài học lớn từ thất bại trước Bỉ, Nhật Bản quật ngã Đức
(Dân trí) - 4 năm trước, Nhật Bản thất bại cay đắng trước tuyển Bỉ ở vòng 1/8 World Cup trên đất Nga vì sự non kém kinh nghiệm. 4 năm sau, Nhật Bản đánh bại Đức sau khi đã rút ra bài học cho chính mình.
Ở World Cup 2018, Nhật Bản từng dẫn trước tuyển Bỉ 2-0 ở vòng 1/8. Cả 2 bàn thắng dẫn trước của đội bóng đến từ xứ sở mặt trời mọc đều ghi trong hiệp hai. Thế mà, cũng trong hiệp hai, Nhật Bản để đối phương ghi 3 bàn rồi chịu thua ngược 2-3.
Đấy là trận đấu mà giới chuyên môn và người hâm mộ toàn cầu đánh giá Nhật Bản chơi hơi "thật thà", vẫn tiếp tục tấn công sau khi đã dẫn trước đến 2 bàn.
Tấn công trước đối thủ có trình độ kỹ thuật cao hơn, thể lực và thể hình tốt hơn, đặc biệt tấn công khi đã tạo ra cách biệt tương đối lớn là điều đúng là xưa nay hiếm. Nhật Bản cứ đá "hồn nhiên" như thế trước khi hàng thủ của họ để lộ nhiều khoảng trống cho đội tuyển Bỉ khai thác.
Cũng vì chơi tấn công trong suốt thời gian bóng lăn nên càng về cuối trận, đội bóng đến từ châu Á càng hụt hơi. Thậm chí, khi Bỉ ghi bàn thứ ba, bàn thua quyết định đến ở phút bù giờ thứ 4 của hiệp hai, lúc này các trung vệ của Nhật Bản hầu như không bật nhảy nổi nữa.
Một yếu tố khác được nhắc đến trong trận đấu giữa Nhật và Bỉ nói trên là tuyển Bỉ liên tục dội bóng bổng vào khu vực 16m50 của Nhật. Chiến thuật này nhằm tận dụng tối đa thể hình và thể lực của người châu Âu so với cầu thủ châu Á trong các pha không chiến.
Hơn 4 năm sau thất bại cay đắng ấy, Nhật Bản đã rút ra rất nhiều bài học trong trận đấu với đội tuyển Đức, về lý thuyết còn được đánh giá cao hơn tuyển Bỉ.
Đầu tiên là về mặt thể hình, đội hình xuất phát của Nhật Bản trong trận gặp Đức đêm qua (23/11) có tính đến việc không chiến trong phòng ngự. HLV Moriyasu của Nhật Bản sử dụng cặp trung vệ cao gần 1m90, gồm đội trưởng Maya Yoshida (1m89) và Ko Itakura.
Ngoài ra, hàng thủ của Nhật Bản còn có hậu vệ phải Hiroki Sakai (1m85) và tiền vệ trung tâm Daichi Kamada (1m84). Có nghĩa là vị HLV trưởng đội Nhật Bản tính đến phương án không cho các cầu thủ nổi tiếng cao lớn của Đức chiếm ưu thế trong các pha tranh bóng bổng.
Sang hiệp hai, HLV Moriyasu tung tiếp trung vệ hộ pháp Takehiro Tomiyasu (1m88) vào sân, tạo cho hàng thủ Nhật Bản có 3 trung vệ cao gần 1m90. Ông Moriyasu dường như đã dự đoán, càng về cuối trận, Đức sẽ dồn càng nhiều bóng bổng vào khu cấm địa của đội Nhật.
Thực tế trên sân cho thấy Nhật Bản đã có bước tính toán đúng. Từ thời điểm bị gỡ hòa 1-1 ở phút 75, Đức đá bóng dài và bóng bổng rất nhiều hòng khuất phục hàng thủ đông người của Nhật Bản, nhưng vô hiệu. Các cầu thủ Nhật chơi không chiến giỏi không kém các đội bóng châu Âu.
Cũng rút kinh nghiệm từ trận thua Bỉ năm 2018, Nhật Bản thi đấu trước đội Đức rất từ tốn, ngay cả khi bị dẫn trước. Chưa đến thời điểm cần phải tăng tốc, Nhật Bản không vội đẩy nhanh tốc độ, vì đá nhanh, đua sức với các đội bóng châu Âu nói chung, với đội Đức nói riêng rất dễ thua.
Nhật Bản cố giữ chắc khu vực 16m50 của đội nhà càng lâu càng tốt, chỉ bung lên như những chiếc lò xo khi cướp được bóng phản công.
Lối chơi này của người Nhật phát huy hiệu quả bằng 2 bàn thắng đều từ các pha phản đòn, được ghi do công của Ritsu Doan và Asano ở các phút 75 và 83. Các tình huống dẫn đến bàn thắng có điểm chung ở chỗ trong phòng ngự Nhật Bản chơi đơn giản nhất có thể, còn trong tấn công họ đá chớp nhoáng nhất có thể.
Chắc chắn không thể chỉ qua một trận thắng mà cho rằng Nhật Bản mạnh hơn Đức. Chỉ có điều, Nhật Bản ở trận vừa rồi chơi hiệu quả hơn, lạnh lùng hơn cả người Đức, sau khi họ rút được kinh nghiệm từ trận thua đau đớn mà chính họ từng trải qua ở kỳ World Cup gần nhất.