Ronda Rousey - Nữ hoàng của môn thể thao “hung bạo” nhất
(Dân trí) - Ronda Rouse được ví như cô gái “nguy hiểm” nhất thế giới, nữ hoàng trong làng MMA (môn võ mang tính chất đối kháng cao nhất, hung bạo nhất).
Ronda Rousey chìm trong giấc ngủ trong căn nhà nhỏ ở Venice Beach. Cô có thói quen khỏa thân lúc ngủ, bởi đó là cái cách yên bình nhất để Ronda Rousey tận hưởng cuộc sống của mình. Nó đối lập hoàn toàn với khi cô bước ra khỏi “tổ ấm” ấy, lên võ đài UFC (giải vô địch đối kháng đỉnh cao).
Khi ấy, Ronda Rousey bừng cháy cơn giận dữ, với ánh mắt rực lửa chiến đấu. Cô được ví nữ hoàng của làng MMA (môn võ mang tính chất đối kháng cao nhất, hung bạo nhất). Ở tuổi 28, Ronda Rousey đã có 4 năm trên thống trị môn thể thao “hung bạo” này với 3 lần vô địch giải nghiệp dư và 11 lần giành chiến thắng ở giải chuyên nghiệp, trong đó có không ít trận đấu, cô đã hạ gục đối thủ trong vòng chưa tới.... 60 giây.
Ronda Rousey được ví như “VĐV vĩ đại nhất (ở Mỹ)”, vượt qua cả LeBron và Mayweather. “Cô ấy như con thú. Đó là VĐV vĩ đại nhất tôi từng làm việc. Ronda Rousey giống như Mike Tyson, họ luôn biết cách quật ngã đối thủ một cách nhanh nhất” - Chủ tịch UFC, Dana White thổ lộ.
Cuộc chiến tiếp theo của Ronda Rousey trên “võ đài sinh tử” với Bethe Correia diễn ra vào tháng Tám tới. Hiện tại, cô đang tích cực luyện tập. Ronda Rousey thích thú những buổi tập tới cháy bỏng, như thể ý chí chiến đấu đã ngấm vào máu của cô nàng xinh đẹp này. Ronda Rousey xuất thần từng vĩ sõ Judo và từng đoạn Huy chương đồng Olympic nhưng cuộc sống mưu sinh, với áp lực của đồng tiền buộc cô phải từ bỏ Judo để hướng tới môn thể thao “hung bạo, mạo hiểm” hơn rất nhiều, đó là MMA. Giờ đây, Ronda Rousey đã có tất cả, những khoản tiền kếch xù, ánh hào quang trên võ đài...
Khi Ronda Rousey chập chững bước lên võ đài năm 2007, UFC còn chưa có giải vô địch cho các VĐV nữ. “Tôi không muốn nhìn những cô gái đánh đấm trên võ đài” - Dana White nói trên tờ The Times năm 2007. Thời điểm đó, các cô gái muốn “đấm đá kiếm tiền” như Ronda Rousey bước vào giải đấu nhỏ hơn của MMA có tên Strikeforce. Đó là giải đấu khởi điểm của nhiều võ sĩ vĩ đại như Gina Carano, Cristiane "Cyborg" Santos.
Sau đó, Ronda Rousey đã giành 1 chức vô địch giải nghiệp dư MMA (với chiến thắng trong vòng 2 phút). “Tôi luôn muốn bẻ gãy cánh tay của mọi cô gái, tôi chẳng cảm thấy hối lỗi về những hành động của mình” - Ronda Rousey chia sẻ.
Năm 2012, Ronda Rousey để lại tiếng tăm bằng đòn Armbar (khóa, siết đối phương) với Miesha Tate. Sau đó, cú đánh tuyệt diệu đó đã được trao giải “Submission of the Year” (Cú đánh của năm) của Strikeforce. Chiến thắng này cũng giúp Ronda Rousey giành chức vô địch hạng bantamweight (hạng gà) với kỷ lục 5 chiến thắng liên tiếp.
“Nó sẽ không thất bại bởi vì không thể thất bại. Khi không thể thất bại, nó sẽ là người chiến thắng” - đó là logic của bà AnnMaria De Mars, mẹ của Ronda Rousey, người từng là võ sĩ Judo. Tất cả những điều này đã được Ronda Rousey chứng minh. Cô từng chiến thắng Cat Zingano với đòn Armbar chỉ sau 14 giây, chiến thắng nhanh nhất trong lịch sử 21 năm của UFC. Với chiến thắng đó, Ronda Rousey đã “đúi túi” 130.000 USD.
Người đầu tiên không bị Ronda Rousey hạ knock-out trong hiệp đầu tiên là Miesha Tate trong cuộc tái đấu năm 2013. Tuy nhiên, cuối cùng, đối thủ cũng bị Ronda Rousey hạ gục ở hiệp đấu thứ 3. Sau đó, Miesha Tate đưa tay về phía Ronda Rousey nhưng cô đã từ chối bắt tay đối thủ, kèm theo đó, Ronda Rousey đã chửi thề và đưa ngón tay thối về phía Miesha Tate. Hành động này của Ronda Rousey đã tạo ra phản ứng trái chiều nhưng đáp lại, Ronda Rousey nói: “Tôi thích phản ứng theo cách như vậy”.
Sau đó, Miesha Tate đã lên truyền hình thổ lộ: “Tôi ngưỡng mộ cô ấy như VĐV xuất chúng nhưng tôi không thích cách phản ứng thiếu tôn trọng đó. Đây là mặt xấu của Ronda Rousey. Trông cô ta thật khó chịu”.
Sau ánh hào quang của Ronda Rousey là cuộc sống đầy... ẩn khuất
Tuy nhiên, ở góc cạnh khác, bên cạnh vẻ xù xì khó chịu ấy là Ronda Rousey vô cùng vui tính. Năm 2013, trong trận đấu với Liz Carmouche, có thời điểm, áo ngực của Ronda Rousey gần như bị kéo sang một bên. Chia sẻ về khoảnh khắc đó, Ronda Rousey đùa vui rằng: “Tôi có những chiếc áo ngực đầy quyền rũ bởi dẫu sao, tôi cũng là cô gái và luôn muốn mình quyến rũ trong mắt mọi người. Trong trận đấu, ai quan tâm tới sự quyến rũ đâu? Người ta chỉ nghĩ tới sự hiệu quả nhưng tôi chẳng có áo ngực nào mang tới sự hiệu quả cả, chỉ có 2 chiếc quyến rũ, và tôi đã mặc nó”.
Người có ảnh hưởng lớn nhất trong sự nghiệp của Ronda Rousey chính là bà mẹ AnnMaria De Mars, cựu võ sĩ Judo, người Mỹ đầu tiên giành giải vô địch thế giới. Bà luôn kỳ vọng Ronda Rousey sẽ là người kế nghiệp mình. Vì vậy, thay vì để con gái tới những bữa tiệc vui vẻ, bà hướng Ronda Rousey vào trong những buổi tập. Tới mức ở tuổi 16, trên tay của Ronda Rousey bắt đầu xuất hiện cơ bắp và cô bị bạn bè ở trường trêu chọc là “Miss man” (hoa hậu đàn ông). Kể từ ấy, Ronda Rousey luôn xuất hiện với chiếc áo dài tay để che đi cơ bắp của mình. “Trời có nóng tới 85 độ, tôi cũng chẳng cởi nó đâu” - Ronda Rousey chia sẻ.
Tuy nhiên, cô nàng sẽ không che nổi những vết thương ở vùng tai, nó là dấu ấu sau mỗi cuộc chiến và luôn khiến Ronda Rousey bối rối ở trường. Sau này, khi trở thành độc cô cầu bại, và những nhược điểm (của con gái) ấy không cản trở Ronda Rousey thì cô lại gặp trở ngại khác. Cô chia sẻ: “Tôi như Chúa tể của những chiếc nhẫn vậy, đồng mình thì ít mà danh sách kẻ thù ngày một dày đặc”.
Để theo đuổi sự nghiệp Judo (trước khi chuyển sang MMA) như mong muốn của bà mẹ, Ronda Rousey đã phải bỏ dở sự nghiệp học hành. Ở tuổi 17, cô trở thành võ sĩ Judo trẻ nhất tham dự Olympic 2004 ở Athens. 4 năm sau, cô trở về với kỳ tích đoạt Huy chương đồng Judo ở Olympic Bắc Kinh. Thế nhưng, đổi lại cho những nỗ lực đó là sự nghèo mạt. Ngày Ronda Rousey mang vinh quang trở về, phần thưởng cô nhận được từ Ủy ban Olympic Hoa Kỳ chỉ là “những cái bắt tay”. Sau vinh quang ấy, Ronda Rousey làm việc trong những quán bar để sinh sống. Đó là bước ngoặc, khiến cô chuyển hướng sang MMA để đổi đời.
Từ năm 2010 tới nay, người có ảnh hưởng lớn khác trong sự nghiệp của cô là Edmond Tarverdyan, cựu VĐV Muay Thái và là người trực tiếp huấn luyện Ronda Rousey. Nói về Ronda Rousey, HLV Edmond Tarverdyan bày tỏ sự thán phục: “Ronda Rousey sinh ra để chiến đấu. Cô ấy đánh bại mọi đối thủ”.
Tới thời điểm này, những trận đấu trên võ đài UFC vẫn mang lại cho Ronda Rousey danh tiếng và tiền bạc (vẫn chưa thua 1 trận nào) nhưng đổi lại, cô đã phải hy sinh quá nhiều. Với những cô gái như Ronda Rousey, tình yêu là thứ xa xỉ. Trong cô luôn là sự đấu tranh của sự lập dị trong vẻ ngoài hấp dẫn, bên cạnh đó là cuộc đấu tranh về... giới tính.
H.Long