Roland Garros - Thiên đường đất nện

Trải qua hơn 100 năm lịch sử, giải Grand Slam lãng mạn nhất thế giới ngày càng trở thành nơi tôn vinh những ngôi sao quần vợt không mang quốc tịch Pháp.

Pháp...

 

Bắt nguồn từ nước Anh, quần vợt được du nhập vào Pháp từ cuối thế kỷ XIX. Môn thể thao phổ biến thứ hai thế giới sau bóng đá nhanh chóng chiếm được chỗ đứng quan trọng trên đất Pháp. Năm 1871, giải đấu mang tên French Championships ra đời. Nhà vô địch năm đó là H. Briggs.

 

6 năm sau, cuộc tranh tài cho nữ mới bắt đầu. Francoise Masson là nữ quán quân đầu tiên.

 

Tuy nhiên, French Championships chưa xây dựng được danh tiếng khi đây mới là cuộc tranh tài của nội bộ người Pháp. Người ta muốn được thấy sự hiện diện của các ngôi sao quần vợt hàng đầu thế giới.

 

... mở rộng

 

Tới năm 1925, Pháp mở rộng chính thức "mở rộng" theo đúng nghĩa khi các tay vợt nước ngoài được phép tham gia. Trong thời gian những tay vợt ngoại quốc còn chân ướt chân ráo tới nước Pháp, các ngôi sao chủ nhà làm mưa làm gió. Người ta gọi giai đoạn trước Thế chiến II là kỷ nguyên vàng của quần vợt Pháp.

 

"Những chàng lính ngự lâm" và Roland Garros

 

 

Roland Garros - Thiên đường đất nện  - 1
 

Yannick Noah, tay vợt nam

cuối cùng của Pháp đăng quang

 

 

Thành công của quần vợt Pháp đầu thế kỷ 20 vượt ra ngoài biên giới châu Âu. Năm 1927, "4 chàng lính ngự lâm" gồm Jacques Brugnon, Jean Barotra, Henri Cochet và Rene Lacoste gây chấn động làng quần vợt thế giới. Họ giành chức vô địch Davis Cup từ tay người Mỹ ngay tại Philadelphia.

 

Danh hiệu Davis Cup đầu tiên đặt ra cho người Pháp một vấn đề. Họ phải có sân "tử tế" để đón tiếp đối thủ Mỹ. Theo thông lệ, cuộc tranh tài của cúp quần vợt đồng đội danh tiếng nhất thế giới năm sau sẽ diễn ra trên sân đội vô địch năm trước.

 

Vì vậy, một khu thi đấu mới rộng 3 héc-ta được xây dựng ở Porte d'Auteuil, Paris. Sân đấu mới được lấy tên theo người anh hùng của lịch sử hàng không Roland Garros. Ngày 23 tháng 9 năm 1913, Roland Garros là người đầu tiên bay qua Địa Trung Hải.

 

Thế chiến II ngắt mạch người Pháp

 

Giai đoạn 1940-1945, giải đấu bị gián đoạn bởi Chiến tranh Thế giới II. Đến năm 1946, khi Pháp mở rộng khởi tranh trở lại, vinh quang đã không còn ở lại với người Pháp. Chức vô địch đổi chủ sang những cái tên đến từ Mỹ và Australia.

 

Thậm chí, năm 1956 còn đánh dấu một mốc quan trọng khi Althea Gibson trở thành người Mỹ Phi đầu tiên đăng quang tại một giải Grand Slam. Trong lần duy nhất tham dự French Championships, Gibson vượt qua Angela Mortimer 6-0, 12-10 tại trận chung kết.

 

Bjorn Borg và Chris Evert lên ngôi

 

 

Roland Garros - Thiên đường đất nện  - 2
 

Bjorn Borg, kỷ lục gia

của Roland Garros

 

 

Năm 1968, khi bắt đầu được biết đến rộng rãi với cái tên French Open, Pháp mở rộng trở thành giải Grand Slam đầu tiên chấp nhận cho các tay vợt chuyên nghiệp và nghiệp dư cùng tranh tài. Đây cũng là lần đầu tiên những người tham dự đều có tiền thưởng.

 

Thời kỳ mới ghi nhận thành công của hai nhà vô địch mọi thời đại trong lịch sử hơn 100 năm giải Pháp mở rộng.

 

Bjorn Borg đang là tay vợt nam thu được nhiều vinh quang nhất, với kỷ lục 6 chức vô địch. Những bại tướng của Borg trong các trận chung kết lần lượt là Manuel Orantes (1974), Guillermo Vilas (1975, 1978), Victor Pecci (1979), Vitas Gerulaitis (1980) và Ivan Lendl (1981). Mạch chiến thắng của tay vợt Thuỵ Điển chỉ bị ngắt quãng vào năm 1976 (để thua nhà vô địch Adriano Panatta) và 1977 (không tham dự).

 

Khi Borg nghỉ thi đấu năm 1981 ở độ tuổi 26, ngai vàng quần vợt nam bị bỏ trống. Trong khi đó, tại các cuộc tranh tài của phái đẹp, "nữ hoàng" Christ Evert vẫn tiếp tục tung hoành. Khi mới 19 tuổi, tay vợt Mỹ giành chức vô địch đầu tiên cùng năm 1974 với Borg.

 

Tuy nhiên, còn giành chiến thắng tới năm 1986, Evert có trong tay 7 chức vô địch đơn nữ, đỉnh cao vẫn chưa có ai chinh phục được. Đáng chú ý là trong 4 lần chạm trán Martina Navratilova ở các trận chung kết, Evert giành phần thắng 3 lần (1975, 1985, 1986) và chỉ để thua duy nhất một trận (1984).

 

Kiên trì là chìa khoá của thành công

 

Roland Garros là giải Grand Slam duy nhất diễn ra trên sân đất nện. Khác với mặt cỏ Wimbledon, mặt sân đất nện ở Paris làm bóng nảy cao hơn. Điều đó cũng có nghĩa là các tay vợt sẽ phải đánh bóng ở tầm ngang vai. Cũng không giống như mặt sân cứng tại giải Mỹ mở rộng, trên mặt sân đất nện, bóng di chuyển chậm hơn.

 

Các đối thủ phải di chuyển nhiều hơn và các pha bóng cũng diễn ra dài hơn. Việc di chuyển nhiều tại đây cũng không phải là vấn đề đơn giản vì mặt sân đất nện khá trơn. Nhiều khi, người chiến thắng là người biết kiên nhẫn đợi đối thủ... bước nhầm.

 

Hy vọng nào cho người Pháp ?

 

Kể từ sau Thế chiến II, số chiến thắng của các tay vợt chủ nhà bằng đúng số ngón tay trên một bàn tay. Mới chỉ có ba tay vợt nữ thành công là Nelly Landry (1948), Francoise Durr (1967) và Mary Pierce (2000). Các đồng nghiệp nam thậm chí còn có thành tích nghèo nàn hơn, với vỏn vẹn hai chức vô địch của Marcel Bernard (1946) và Yannick Noah (1983).

 

Câu hỏi lớn vẫn đợi câu trả lời: bao giờ nước Pháp có lại một Noah mới hay một Pierce mới ? Tay vợt số 3 thế giới Amelie Mauresmo có thừa sự mạnh mẽ nhưng lại thiếu tính ổn định, và nhất là không có duyên với Grand Slam. Những Tatiana Golovin, Nathalie Dechy chưa khẳng định tài năng bằng thế hệ vàng của quần vợt Nga, lại càng thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh so với bộ đôi nước Bỉ Henin-Clijsters.

 

Lúc này, cả nước Pháp có lẽ đang hy vọng vào tài năng trẻ Richard Gasquet, một trong hai người có kỳ tích chặn bước tiến "tàu tốc hành" Federer trong mùa giải này. Tuy nhiên, chàng trai 18 tuổi khó có khả năng hiện thực hoá giấc mơ người Pháp trong ngày một ngày hai.

 

Cơ hội của những vị khách

 

 

Roland Garros - Thiên đường đất nện  - 3
 

Nadal, vị khách nhiều

tiềm năng chiến thắng

 

 

Khi chủ nhà lép vế, các vị khách lại tràn trề cơ hội đăng quang. Roland Garros là giải Grand Slam duy nhất mà các đối thủ có được sự tự tin lớn nhất trước tay vợt số 1 thế giới Roger Federer. Giống như John McEnroe, Stefan Edberg, Boris Becker và Pete Sampras trước đây, bộ sưu tập đầy các danh hiệu của Federer chỉ còn thiếu chức vô địch Pháp mở rộng.

 

Và dù phong độ của tay vợt 23 tuổi người Thuỵ Sĩ như thế nào, người ta vẫn đặt niềm tin vào những chuyên gia sân đất nện đến từ Tây Ban Nha và Argentina. Cái tên đang được chú ý nhất là Rafael Nadal, người đã 5 lần đăng quang tại các giải đấu trên sân đất nện kể từ đầu năm 2005 (trong đó có hai giải Masters Series). 

 

Ở các cuộc tranh tài của nữ, ứng cử viên sáng giá nhất lại là một cái tên quen thuộc: Justine Henin. Chỉ cần 6 tuần trở lại sau hơn nửa năm nghỉ điều trị chấn thương, Henin đã chứng minh sức mạnh của tay vợt từng nắm giữ vị trí số một thế giới bằng "hat-trick" trên sân đất nện (ở Charleston, Warsaw và Berlin). Dù không được xếp hạng hạt giống số một của giải năm nay nhưng Henin vẫn tràn trề hy vọng lập lại thành tích vô địch năm 2003.

 

Theo Hạnh Nguyễn - Vietnamnet