Quang Hải và lời mời ra nước ngoài: Vàng không sợ lửa
(Dân trí) - Trong thời gian qua, Quang Hải đã nhận được không ít lời mời ra nước ngoài thi đấu, từ Thái Lan tới Nhật Bản. Vẫn biết vàng không sợ lửa nhưng trước khi nghĩ tới việc “thử thách với ngọn lửa”, cầu thủ của chúng ta cần trang bị hành trang đủ tốt.
Giá trị của Quang Hải
Dù được đánh giá cao về tài năng từ lâu nhưng Quang Hải chỉ thực sự được chú ý tới ở giải U23 châu Á, giải đấu mà tiền vệ của CLB Hà Nội đã ghi 5 bàn (chỉ kém Vua phá lưới 1 bàn). Trong đó, tiền vệ sinh năm 1997 đã chứng minh được tầm ảnh hưởng lớn và ghi những siêu phẩm tuyệt đẹp.
Tới giải Asiad 2018, Quang Hải không nổi bật bằng (do phải đá thấp hơn vị trí sở trường) nhưng anh vẫn chứng minh tài năng. Bằng chứng, cầu thủ này đã lọt vào đội hình tiêu biểu giải đấu do tờ Fox Sports bình chọn.
Do đó, việc Quang Hải được nhiều CLB quan tâm là điều đương nhiên. Đó là quy luật của bóng đá thế giới. Ngay cả CLB lớn như Real Madrid, Barcelona… cũng rất chú trọng chiêu mộ những cầu thủ trẻ sáng giá. Thậm chí, Los Blancos từng chi tới 45 triệu euro (và trả lương cao) để chiêu mộ cầu thủ mới 16 tuổi, Vinicius Juniors.
Giờ đây, cái tên Quang Hải đã vượt khỏi biên giới Việt Nam và được nhiều tờ báo nước ngoài đánh giá là một trong những tài năng trẻ sáng giá nhất ở châu Á. Thậm chí, một vài tờ báo còn tin rằng cầu thủ của CLB Hà Nội có thể tỏa sáng ở châu Âu. Điều đó cho thấy Quang Hải có giá trị của riêng mình.
Nếu theo góc nhìn tích cực, việc bơi ra biển lớn là điều tốt cho Quang Hải cũng như bất kỳ cầu thủ nào ở Việt Nam. Ở đó, chúng ta có thể tiếp thu những tinh hoa từ những nền bóng đá ở đẳng cấp cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc (và thậm chí là Thái Lan, nơi giải VĐQG rất chuyên nghiệp). Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta cần trang bị hành trang đủ tốt để tránh bị chết yểu giữa muôn ngàn sóng gió. Đó là vấn đề quan trọng nhất.
Vàng không sợ lửa nhưng…
Bóng đá Việt Nam đang trên đà phát triển. Trong bối cảnh ấy, một yêu cầu thiết yếu là để cầu thủ sang những nền bóng đá phát triển cao hơn để thi đấu. Như Nhật Bản và Hàn Quốc, họ cũng có không ít cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Như Son Heung Min đã vươn tới đẳng cấp thế giới.
Hay như bóng đá Thái Lan, dù giải VĐQG của họ rất chuyên nghiệp nhưng những ngôi sao lớn nhất của nước này đã ra nước ngoài thi đấu như Chanathip Songkrasin (Consadole Sapporo, Nhật Bản), Teerasil Dangda (Sanfrecce Hiroshima, Nhật Bản), Theerathon Bunmathan (Vissel Kobe, Nhật Bản) và Kawin Thamsatchanan (Oud-Heverlee Leuven, hạng 2 Bỉ).
Bởi lẽ đó, chúng ta cũng cần quen với việc các CLB nước ngoài chú ý tới cầu thủ Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ Việt Nam cần quen với việc ra nước ngoài thi đấu. Xin nhắc lại, đó là điều kiện cần của nền bóng đá đang phát triển (trừ khi giải VĐQG phát triển vượt bậc như giải Premier League).
Trong quá khứ, số gương mặt của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người ta có thể kể ra Xuân Trường, Công Phượng hay trước đó là Công Vinh hay Lê Huỳnh Đức. Có điểm chung là tất cả đều thất bại. Dù sao, họ chỉ có thời gian ngắn ở nước ngoài, có thể coi là những cuộc trải nghiệm.
Chặng đường sự nghiệp của Quang Hải vẫn rất dài. Do đó, cầu thủ này chỉ có thể thử sức nếu như sẵn sàng
Nhưng rõ ràng, tất cả cần có lộ trình. Không thể “ép chín” Quang Hải cũng như nhiều tuyển thủ quốc gia khác ra nước ngoài nếu họ chưa sẵn sàng. Bài học nhãn tiền của bóng đá Hà Lan là minh chứng cho điều đó.
Một trong những nguyên nhân chính khiến bóng đá Hà Lan hùng mạnh trở nên tụt dốc không phanh chính bởi sự… ép chín. Do quá cần tiền nên nhiều CLB ở giải VĐQG nước này sẵn sàng bán đi những ngôi sao sáng (dù còn khá trẻ) cho những đội bóng lớn ở châu Âu. Trong những năm gần đây, Memphis Depay, Tonny Vilhena, Jetro Willems, Kenny Tete… đều được nhắc tới như tài năng trẻ sáng giá ở châu Âu nhưng đều lụi bại khi thay đổi môi trường.
Và khi những cái tên sáng giá ra đi, giải VĐQG Hà Lan trở nên kém chất lượng và không thể thúc đẩy các cầu thủ khác phát triển. Điển hình như Depay. Dù ghi bàn ầm ầm ở giải VĐQG Hà Lan nhưng lại gây thất vọng lớn khi sang giải VĐQG chất lượng cao hơn.
Quay trở lai với câu chuyện của Quang Hải cũng như bóng đá Việt Nam. Không phủ nhận chúng ta có tố chất. Tờ Goal Hàn Quốc từng nhận xét: “Các cầu thủ U23 Việt Nam nhanh nhẹn, khéo léo và vô cùng tự tin. Họ không ngại đối đầu với đối thủ mạnh hơn”.
Nhưng đôi khi điều đó là chưa đủ. Bóng đá là môn thể thao của tập thể, vì vậy, yếu tố thích nghi được đặt lên khá cao. Đó chưa kể tới việc những cầu thủ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc ở trình độ cao hơn hẳn chúng ta. Như HLV Nguyễn Thành Vinh từng nhận xét, việc Xuân Trường thất bại ở Gangwon là điều… có thể hiểu được bởi tiền vệ của Việt Nam thua kém hẳn so với các đồng đội ở đẳng cấp. Do đó, Xuân Trường gần như không thể hòa nhập với tốc độ chơi bóng của CLB.
Hay HLV Park Hang Seo từng thừa nhận về sự thua kém trình độ của các cầu thủ Việt Nam so với đội U23 Hàn Quốc: “Khi họ cầm bóng, chúng ta không thể lấy nổi”.
Cựu HLV đội tuyển Việt Nam, Alfred Riedl cũng chia sẻ: “Ngoài yếu tố kỹ thuật, Quang Hải cũng như nhiều cầu thủ Việt Nam sẽ gặp khó khăn về thể chất khi sang thi đấu ở Nhật Bản hay Hàn Quốc. Đó sẽ là thử thách rất lớn với họ”.
Rõ ràng, việc ra thi đấu ở nước ngoài là việc lớn, có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp. Do đó, Quang Hải cần chuẩn bị tốt về mọi mặt nếu như có ý định ra nước ngoài. Vàng không sợ lửa nhưng chúng ta chỉ chấp nhận lao vào ngọn lửa khi sẵn sàng.
Có thể, giờ chưa phải là thời điểm thích hợp để cầu thủ mới 21 tuổi làm quen với sóng gió nhưng trong tương lai, khi ở độ tuổi chín chắn hơn, Quang Hải hoàn toàn có thể thử nghiệm với thách thức. Dù sao, chặng đường sự nghiệp trước mặt cầu thủ này vẫn còn quá dài. Việc ra nước ngoài thi đấu chưa bao giờ là quá muộn.
H.Long