(Dân trí) - Thầy cũ của Lý Hoàng Nam ở đội tuyển quốc gia, ông Trương Quang Vũ chờ đợi Hoàng Nam xuất hiện ở Grand Slam vào năm 2023, dù điều này chắc chắn không hề dễ dàng.
Quần vợt Việt Nam năm 2023: Chờ đợi Lý Hoàng Nam xuất hiện tại Grand Slam
Thầy cũ của Lý Hoàng Nam ở đội tuyển quốc gia, ông Trương Quang Vũ chờ đợi Hoàng Nam xuất hiện ở Grand Slam trong năm 2023, dù điều này chắc chắn không hề dễ dàng.
Với những gì đang thể hiện, theo ông Lý Hoàng Nam có đủ điều kiện và đủ sức thi đấu đơn tại các giải thuộc hệ thống Grand Slam hay không?
HLV Trương Quang Vũ là HLV trưởng của đội tuyển quần vợt Việt Nam tại SEA Games 31, diễn ra hồi tháng 5/2022, ông giúp tay vợt chủ lực Lý Hoàng Nam giành HCV nội dung đơn nam.
Bước sang năm 2023, Lý Hoàng Nam còn có mục tiêu cao hơn, đó là thi đấu đơn tại hệ thống Grand Slam (hệ thống 4 giải quần vợt danh giá nhất thế giới, gồm Australian Open, Roland Garros, Wimbledon và US Open). Mục tiêu của Lý Hoàng Nam được HLV Trương Quang Vũ đánh giá cao.
- Ở đây chúng ta cần phân biệt đủ điều kiện và đủ sức thi đấu tại Grand Slam là hai khái niệm khác nhau. Đủ điều kiện thì Hoàng Nam đã đủ điều kiện rồi. Chỉ cần có thứ hạng trong top 250 thế giới sẽ được tham dự vòng loại các giải trong hệ thống Grand Slam.
Hiện tại, Lý Hoàng Nam hiện có thứ hạng 244 thế giới (thứ hạng tính đến tháng 1/2023), nên cậu ấy sẽ thuộc diện được xem xét để tham dự Grand Slam từ vòng loại.
Còn đủ sức là khái niệm khác, đủ sức có nghĩa là Lý Hoàng Nam sẽ tranh tài như thế nào khi hiện diện ở sân chơi Grand Slam. Rồi thực lực của Lý Hoàng Nam như thế nào so với các đối thủ, thể lực của cậu ấy ra sao để duy trì việc thi đấu ở cường độ cao...
Vậy ông hình dung Lý Hoàng Nam khi xuất hiện tại sân chơi Grand Slam sẽ như thế nào?
- Ở Grand Slam, Lý Hoàng Nam sẽ đối đầu với các tay vợt có trình độ chủ yếu là mạnh hơn mình, vì ngay cả vòng loại các giải thuộc hệ thống Grand Slam, những tay vợt top 100 hoặc 150 thế giới rất đông. Về lý thuyết, họ đều là các tay vợt mạnh hơn tay vợt số một của chúng ta, chí ít thứ hạng của họ trên bảng xếp hạng của ATP (Hiệp hội quần vợt nam quốc tế) cũng cao hơn.
Thường thì đối với các giải Challenge mà Hoàng Nam tham dự thời gian qua, đối với các giải có chất lượng tốt, cũng đã không hề dễ dàng, từ đó có thể thấy, đánh ở các giải Grand Slam, dù là đánh từ vòng loại, cũng phải chuẩn bị sẵn tâm lý gặp những đối thủ rất mạnh, sẽ trải qua những trận đấu rất khó khăn.
Vậy đâu là khác biệt giữa các giải đấu thuộc hệ thống Challenge mà Lý Hoàng Nam thường tham dự trong thời gian qua và các giải đấu thuộc hệ thống Grand Slam?
Lý Hoàng Nam lỡ dịp tham dự Australian Open 2023 vào giờ chót
Với thứ hạng 244 ATP, Lý Hoàng Nam xếp thứ 14 trong danh sách 30 tay vợt dự bị của giải đấu. 16 tay vợt tham dự vòng loại Australian Open năm nay (bên cạnh 112 tay vợt khác được vào thẳng vòng chính).
Về lý thuyết với thứ hạng 14 trong nhóm các tay vợt dự bị, Lý Hoàng Nam sẽ được tham dự vòng loại. Tuy nhiên, một số tay vợt khác được lựa chọn dựa trên tiêu chí suất ưu tiên hoặc suất bảo vệ điểm số "Defence Point" (như HLV Trương Quang Vũ đã nêu ở trên). Do đó, Lý Hoàng Nam bị loại khỏi danh sách tham dự vòng loại, dù tay vợt số một Việt Nam đã có mặt tại xứ sở Chuột túi từ trước khi vòng loại của giải đấu khởi tranh. Lý Hoàng Nam sẽ hướng đến các giải Grand Slam tiếp theo trong năm.
- Dĩ nhiên giữa hai hệ thống này có khác biệt rất lớn. Đã xác định đánh Grand Slam, Lý Hoàng Nam sẽ chuẩn bị cho việc thi đấu nhiều hơn, bởi hệ thống các giải Grand Slam khi tính điểm cho các tay vợt tham dự sẽ áp dụng các tính "Defence Point", tức là bảo vệ điểm số ở các giải mà VĐV tham dự trong năm trước, nếu năm tiếp theo họ không tham dự, hoặc tham dự nhưng thứ hạng thấp hơn năm trước đó, họ sẽ bị trừ điểm.
Chính vì thế, Lý Hoàng Nam phải thi đấu liên tục để duy trì điểm số và thứ hạng của mình, nếu muốn hiện diện liên tục ở các giải đấu trong hệ thống Grand Slam. Ví dụ như cuối năm vừa rồi, chúng ta thấy Lý Hoàng Nam phải tham dự liên tiếp 5 - 7 giải nhà nghề ở nước ngoài, với mục đích là tích lũy đủ điểm để được xét duyệt cho vòng loại các giải Grand Slam.
Khi đã hướng đến việc góp mặt ở Grand Slam, dù chỉ là góp mặt từ vòng loại, phải tính đến điều đó, phải thi đấu nhiều hơn hẳn, khắc nghiệt hơn hẳn lúc chỉ nhắm đến việc tham gia các giải trong hệ thống Challenge.
Có nghĩa rằng thể lực rất quan trọng đối với một tay vợt khi tham dự các giải thuộc hệ thống Grand Slam?
- Thể lực chắc chắn là yếu tố cực kỳ quan trọng với các tay vợt muốn hướng đến đấu trường này. Các vận động viên (VĐV) buộc phải chuẩn bị thể lực rất kỹ khi tham dự Grand Slam. Nếu như ở các giải thuộc hệ thống Challenge, mỗi trận đấu chỉ kéo dài 3 ván (ai thắng 2 ván trước sẽ thắng chung cuộc), thì ở hệ thống Grand Slam, các tay vợt sẽ thi đấu 5 ván (ai thắng 3 ván trước sẽ thắng chung cuộc).
Có nghĩa là từng trận đấu sẽ kéo dài, hành trình tham dự từng giải đấu cũng dài hơn hẳn đấu Challenge. Với thứ hạng của mình, Lý Hoàng Nam sẽ bắt đầu các giải Grand Slam từ vòng loại. Để đến được vòng chính thức, các tay vợt phải trải qua 3 - 4 trận vòng loại, chắc chắn sẽ tốn rất nhiều sức, nên có trường hợp nhiều tay vợt sau khi vượt qua vòng loại, gần như đã cạn kiệt thể lực lúc có mặt ở vòng chính thức.
Tất cả những điều đó cho thấy sự khắc nghiệt, và đều là khác biệt mà mọi tay vợt muốn hướng đến sân chơi Grand Slam phải chuẩn bị. Dù vậy, chúng ta chờ đợi Lý Hoàng Nam xuất hiện tại Grand Slam và thể hiện tại đây.
Nội dung: Trọng Vũ
Ảnh: Tiến Tuấn, AFP, Getty, VTF