Pencak Silat Việt Nam quyết vượt khó tại SEA Games 27

(Dân trí)-Cùng với các môn võ, Pencak Silat được xem là “mỏ vàng” của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại đấu trường SEA Games. Ngay cả khi nước chủ nhà Myanmar cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh, đội tuyển Pencak Silat vẫn quyết tâm vượt khó, giành thành tích cao nhất.

7 kỳ SEA Games liên tiếp gần đây, pencak silat Việt Nam luôn khẳng định vị trí số 1 trong đấu trường khu vực. Đó là lý do mà ngay từ đầu năm, đội tuyển pencak silat (nội dung đối kháng và biểu diễn) đã rất được quan tâm. Tuy nhiên, SEA Games năm nay pencak silat chắc chắn gặp nhiều khó khăn bởi luật thi đấu “lạ” của BTC nước chủ nhà. Đặc biệt, Myanmar đã cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam, khiến mục tiêu bảo vệ ngôi hậu của đội tuyển pencak silat gặp thách thức rất lớn.
 
Pencak Silat Việt Nam đối diện với một kỳ SEA Games đầy khó khăn

Pencak Silat Việt Nam đối diện với một kỳ SEA Games đầy khó khăn

Tại SEA Games năm nay, nước chủ nhà Myanmar đã quyết định giảm số bộ huy chương pencak silat từ 18 xuống còn 15. Điều đáng nói, những nội dung bị cắt giảm đều nhằm vào Việt Nam-đối thủ đang mạnh nhất khu vực cũng như thế giới. Chưa hết, các nước có thế mạnh như Việt Nam sẽ chỉ được tham dự các hạng cân nữ theo... chỉ định của BTC giải.

Nội dung đối kháng nữ bị nước chủ nhà chơi khó nhất. Myanmar quy định mỗi quốc gia sẽ chỉ được tham dự 2 hạng cân ở nữ (so với 5 ở SEA Games 26). Đây là một điều rất bất lợi với pencak silat Việt Nam bởi ở kỳ SEA Games trước, các cô gái Việt Nam giành tới 3HCV, 3HCB, 2HCĐ ở nội dung đối kháng. Việc chỉ được tham dự 2 hạng cân, khiến pencak silat Việt Nam không những khó khăn trong việc lựa chọn VĐV, mà còn khó hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, lần đầu tiên nội dung đối kháng của nữ môn pencak silat chỉ đặt quyết tâm có HCV, chứ không đưa ra chỉ tiêu cụ thể.

Không những gặp khó khăn về việc bị cắt giảm các nội dung thế mạnh, pencak silat còn đối mặt với vấn đề trọng tài.

Tại kỳ SEA Games trước, nước chủ nhà Indonesia đơn phương từ chối cho phép Việt Nam được cử 2 trọng tài làm nhiệm vụ, mà chỉ xếp các trọng tài của Việt Nam ngang suất với những quốc gia kém phát triển về pencak silat như: Campuchia, Lào, Đông Timor, Myanmar.

Năm nay, vấn đề trọng tài tiếp tục trở thành “đối thủ vô hình” của đội tuyển pencak silat Việt Nam. Mymanmar chỉ cho phép Việt Nam chỉ có 1 trọng tài được tham gia làm nhiệm vụ. Dù liên tục dẫn đầu tại các giải đấu lớn gần đây như VĐTG 2012, vô địch Đông Nam Á 2013 nhưng Việt Nam lại bị Mynamar xếp vào nhóm kém thành tích ở môn này nên không được cử nhiều trọng tài.

Trong khi đó, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Myanmar được cử tới 3 trọng tài làm nhiệm vụ tại Đại hội. Trước sự bất cập và thể hiện rõ ý đồ xấu này, pencak silat có thể sẽ nhờ Liên đoàn pencak silat thế giới can thiệp, nhưng rất khó vì luật SEA Games vẫn thường “hội làng” như vậy.

HLV Huỳnh Ngọc Minh Tiến cho biết, trước những khó khăn trên, đội tuyển pencak silat sẽ phải có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt, đặc biệt là vấn đề tâm lý nếu như bị trọng tài xử ép. Do Việt Nam luôn khẳng định vị trí đứng đầu trong khu vực môn pencak silat, nên việc bị chơi khó tại mỗi kỳ SEA Games luôn được dự báo sớm.

Tại SEA Games 26, pencak silat giành được 6 HCV, xếp nhất toàn đoàn. Trước những khó khăn phải đối mặt, đội tuyển pencak silat vẫn quyết tâm bảo vệ vị trí số 1 khu vực tại kỳ SEA Games này.

An An